Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt
Để phát triển bền vững đất đai, hệ sinh thái và tốt cho sức khỏe con người, trồng trọt hữu cơ đang là hướng đi cho Việt Nam nhằm hướng đến một thị trường tiêu thụ sản phẩm sạch.
Theo Báo cáo của Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 26 cơ sở trồng trọt hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Quảng Trị, Hòa Bình, Bến Tre, Quảng Ninh, Cà Mau, Lâm Đồng, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Giang, Trà Vinh).  Tỉnh Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất với 3.053,04 ha, trong đó diện tích trồng dừa hữu cơ là 3.052,3 ha.
Trồng trọt theo hướng hữu cơ trên cả nước có 33 cơ sở sản xuất (các cơ sở này mới chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học) ở 15 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Điện Biên, Hà Nội, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Bắc Ninh, Sơn La, An Giang, Cần Thơ).  Tỉnh Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ nhiều nhất với 448,26 ha với nho, táo, rau, trong đó diện tích trồng nho theo hướng hữu cơ là 284,66 ha.
Các loại cây trồng áp dụng trồng trọt hữu cơ, hướng hữu cơ gồm: chè, lúa, rau (ăn lá, ăn quả, nấm, khoai tây, tỏi), quả (cây ăn quả có múi, dứa, chuối, nho, táo, dừa), hồ tiêu, nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo.
Diện tích sản phẩm trồng trọt hữu cơ theo các tiêu chuẩn là khoảng 4.175,1ha trong đó, dừa: 3.052,3 ha; chè: 538,9 ha; lúa: 489,8 ha; rau: 94,08 ha. Nhờ tuân thủ các quy trình trồng trọt hữu cơ, ở một số địa phương sản phẩm trồng trọt hữu cơ đã được tổ chức chứng nhận nước ngoài chứng nhận như: Lào Cai, Hà Giang (tổ chức chứng nhận ATC của Thái Lan; tiêu chuẩn EU, USDA (Mỹ) chứng nhận sản phẩm chè); Cà Mau, Lâm Đồng (tổ chức chứng nhận Control Union (Hà Lan); tiêu chuẩn EU, USDA (Mỹ) chứng nhận sản phẩm lúa thương hiệu HOASUA FOODS, sản phẩm rau các loại…).
Mặc dù sản xuất hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt đã đạt được một số kết quả nhưng theo Cục Trồng trọt hiện nay việc triển khai trồng trọt hữu cơ ở Việt Nam còn rất khiêm tốn, mới có 4.175,1 ha, chiếm khoảng 0,000408 % so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp năm 2015 (10.231.700 ha).
Bên cạnh đó, chưa hình thành hệ thống tiêu thụ sản phẩm trồng trọt hữu cơ. Chưa có tổ chức chứng nhận trong nước thực hiện hoạt động chứng nhận sản phẩm trồng trọt đáp ứng các yêu cầu của TCVN11041:2015 mà Việt Nam đã ban hành năm 2015.
Liên quan đến vấn đề này, chủ trang trại Hoa Viên (Thạch Thất, Hà Nội), bà Trương Kim Hoa cho biết: “Quy mô của chúng tôi là 30 ha trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, nhưng hiện trong nước chưa có quy định công nhận sản phẩm hữu cơ nên doanh nghiệp, người sản xuất chưa có cơ sở để chứng minh chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi cũng đang gặp nhiều khó khăn để tiêu thụ sản phẩm” (H.V, 2016).
Ngoài ra, thói quen sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học còn rất phổ biến để đáp ứng yêu cầu về sản lượng cung cấp cho người tiêu dùng. Trong khi đó, hoạt động thanh, kiểm tra đối với sản phẩm trồng trọt hữu cơ tại các cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ chưa thực hiện thường xuyên.

Trồng trọt hữu cơ đang là hướng đi cho Việt Nam nhằm hướng đến một thị trường tiêu thụ sản phẩm sạch
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực này, theo nhiều chuyên gia, cần quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa. Hoàn thiện hệ thống chính sách tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ; giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận và đạt tiêu chuẩn.

Tại Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 04/04/2017, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chia sẻ, tiêu chuẩn và chứng nhận sản xuất hữu cơ là chìa khóa cần phải được xem xét hiện nay, bởi nếu không giải quyết được vấn đề này việc sản xuất sẽ không có cơ sở để quản lý, giám sát chứng nhận sản phẩm hữu cơ từ đó có thể trở thành phong trào và rất dễ đi vào “ngõ cụt”.
Ở góc độ người sản xuất, bà Hoàng Thị Hậu, Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (Hà Nội) đề xuất các ngành chức năng cần tăng cường mạnh hơn về nông nghiệp hữu cơ, giành ngân sách riêng về công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách về nông nghiệp các cấp.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần nâng cao năng lực cho đội ngũ quản trị hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới về công tác tổ chức quản lý giám sát các mô hình nông nghiệp tập trung; đồng thời tập trung tập huấn về nội dung kỹ thuật canh tác hữu cơ trực tiếp cho người nông dân sản xuất và Nhà nước cũng cần sớm ra bộ tiêu chuẩn về hữu cơ Việt Nam (Thảo Nguyên, 2017).

Ngoài ra, cần khuyến khích người sản xuất phát triển và ứng dụng nguồn vật liệu đầu vào đảm bảo yêu cầu của trồng trọt hữu cơ, như: thuốc bảo vệ thực vật sinh học; phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, vi sinh./.

Tài liệu tham khảo
1. Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (2017). Báo cáo hiện trạng và định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt
2. Thảo Nguyên (2017). Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/ban-giai-phap-thuc-day-san-xuat-tieu-thu-san-pham-nong-nghiep-huu-co/439345.vnp
3. H.V (2016). Nông nghiệp hữu cơ gặp khó vì thiếu chứng nhận, truy cập từ, http://baotintuc.vn/kinh-te/nong-nghiep-huu-co-gap-kho-vi-thieu-chung-nhan-20160706222623678.htm
Theo Thanh Hà/kinhtevadubao.vn