Thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp
- Thứ bảy - 19/08/2017 05:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những “trái ngọt” ban đầu
Với tiềm năng, lợi thế về phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, đồng thời xác định đây là một trong những hướng phát triển kinh tế trên địa bàn, thời gian qua, huyện Hải Hà đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tập trung phát triển sản phẩm OCOP.
Một ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi tới thăm trang trại chăn nuôi của gia đình anh Hoàng Văn Điện, thôn 4, xã Quảng Chính - một hộ dân mạnh dạn đầu tư nuôi gà râu Cái Chiên là sản phẩm OCOP mới của huyện Hải Hà. Từ vài chục con ban đầu, trong quá trình vừa bán cám cho các hộ chăn nuôi trong huyện, anh Điện đã thu mua gà râu tại các thôn, bản về nuôi, lựa chọn giống gà bố mẹ cho đẻ trứng và ấp giống tại chỗ. Hiện nay, trang trại của anh có khoảng hơn 2.000 con gà râu.
Trang trại gà râu của anh Hoàng Văn Điện, thôn 4, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà. |
Anh Điện cho biết: Nuôi gà râu không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật vì gà râu có sức đề kháng cao, chi phí thức ăn cũng như chăn nuôi các giống gà thịt khác, song thời gian nuôi kéo dài từ 6-8 tháng. Để mở rộng quy mô trang trại, từ cuối năm 2016, đầu năm 2017, gia đình tôi đã đầu tư hơn 700 triệu đồng xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi. Dự kiến sang năm 2018, trang trại của gia đình sẽ có giống gà râu bán ra thị trường.
Không chỉ sản phẩm gà râu, mà rất nhiều sản phẩm OCOP được người dân Hải Hà triển khai thực hiện hiệu quả, như: Chè Quảng Long, trà hoa vàng, mía tím, chanh đào, bánh kẹo Xuân Thế, bánh chưng cơm lông, vịt trời... Trong hơn 3 năm triển khai chương trình OCOP, huyện Hải Hà đã khai thác tiềm năng, lợi thế, tập trung sản xuất hàng hoá có quy mô, đảm bảo về chất lượng, số lượng và nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thương hiệu uy tín trong và ngoài huyện. Đến hết năm 2016, huyện có 14 sản phẩm OCOP của 14 tổ chức, cá nhân cho hiệu quả kinh tế cao. Trong 14 sản phẩm OCOP của huyện Hải Hà thì chè Đường Hoa đã có mã số, mã vạch, mẫu bao bì; bánh kẹo Xuân Thế đã được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, mã số, mã vạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, còn lại 12 sản phẩm hiện đã được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đang được thiết kế chỉnh sửa in ấn, mẫu mã, bao bì và nhãn mác. Đặc biệt có 1 sản phẩm là chè Quảng Long được xếp hạng cấp tỉnh.
Tất cả các sản phẩm trên đều thực hiện theo đúng quy trình OCOP, đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì, nhãn mác. Năm 2017, huyện Hải Hà có thêm 8 sản phẩm tham gia chương trình OCOP với các sản phẩm chất lượng cao, như sá sùng, rượu khoai, gạo chất lượng cao, gà râu...
Để thực hiện tốt chương trình OCOP, huyện Hải Hà đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện, đồng thời tuyên truyền, vận động và hỗ trợ việc ứng dụng chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất, ưu tiên hỗ trợ cho vùng sản xuất tập trung; tổ chức phối hợp với các đơn vị tư vấn thực hiện hỗ trợ xây dựng các mô hình, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mẫu mã bao bì sản phẩm, dịch vụ sở hữu trí tuệ và tổ chức tập huấn cho các cơ sở, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Động lực tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Trong hơn 3 năm triển khai chương trình OCOP, huyện Hải Hà xác định rõ đây là một chương trình mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, huyện đã xác định cấu trúc ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ việc xác định lợi thế của các địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, cải cách hành chính, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp ngoài địa bàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.
Huyện xác định phát triển OCOP gắn với xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; quy hoạch chi tiết vùng sản xuất tập trung cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Theo đó, huyện đang xây dựng có vùng sản xuất hàng hoá tập trung thuộc các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, thuỷ sản, chăn nuôi. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển các sản phẩm OCOP nói riêng và nông nghiệp nói chung theo hướng chuyên canh, bền vững. Từ chương trình OCOP đã góp phần vào hình thành các vùng sản xuất tập trung lớn gắn với vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP, như: Vùng chè, mía, vùng cây có múi, vùng rau, vùng nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia cầm tập trung... Cùng với đó, huyện quan tâm tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với chương trình OCOP, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo mọi khả năng hỗ trợ theo cơ chế, chính sách cho bà con nhân dân phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, trước mắt, huyện Hải Hà cũng xác định khắc phục những tồn tại, như: Cơ sở sản xuất còn lạc hậu, manh mún nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất. Các doanh nghiệp, HTX chưa mạnh dạn, chủ động đầu tư vào xây dựng thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm; việc triển khai sản xuất sản phẩm còn thiếu sự liên kết nhóm hộ dẫn đến một số sản phẩm không đủ bán trên thị trường. Cùng với đó là cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu và nhận thức đầy đủ về chương trình OCOP, nhất là tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Với cách làm đã và đang triển khai, huyện Hải Hà xác định đây là hướng đi đúng, là nền tảng tạo động lực phát triển các sản phẩm OCOP nói riêng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện nói chung, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đưa Hải Hà sớm trở thành huyện nông thôn mới.