Trang trại lợn VietGAHP top đầu xứ Tuyên
- Thứ tư - 13/03/2019 22:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
|
Ông Nguyễn Văn Sung trao đổi với cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Sơn Dương về quy trình nuôi lợn theo chuẩn VietGAHP (Ảnh: ĐT) |
Năm 2007, ông Sung đầu tư chuồng trại chăn nuôi 10 con lợn lái với ý nghĩ giúp anh em nhà vợ giải quyết việc làm ngày nông nhàn. Sau 1 thời gian tính toán trừ chi phí ông nghĩ, nếu nuôi quy mô 10 con sẽ không có lãi. Vì vậy, sau 6 tháng, ông quyết định mở rộng quy mô lên 100 con lợn nái.
Trong chăn nuôi ông Sung thấy khó khăn lớn nhất là về kiến thức. Nhiều khi có đất, có tiền, có quyết tâm nhưng thiếu kiến thức về chăn nuôi thì việc thua lỗ là bình thường. Ông bộc bạch, bí quyết lớn nhất của ông là không được giấu dốt, mình không biết mới phải học hỏi, mà bài học hay nhất chính là học từ những người thất bại để rút ra kinh nghiệm. Vì vậy, từ việc cách ly phòng bệnh đến kỹ thuật chăm sóc, tiêu độc khử trùng, tiêm vacxin, đến hệ thống chuồng trại của gia đình ông đều tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật theo chuẩn VietGAHP.
Luôn nỗ lực học hỏi đã giúp việc chăn nuôi của gia đình ông ngày càng phát triển. Từ 10 con lợn nái ban đầu, đến nay gia đình ông có 500 con lợn nái, khoảng 2.000 con lợn thịt và nằm top đầu những trang trại chăn nuôi theo chuẩn VietGAHP ở tỉnh.
Tuân thủ nghiêm quy trình VietGAHP
Dù có hẹn trước nhưng khi đến gặp ông Sung, chúng tôi vẫn không được vào khu chăn nuôi vì lý do tiêu độc, khử trùng. Ông bảo, dịch bệnh đang hoành hành, nếu không phòng ngừa cẩn thận thì lỗ tiền tỷ chỉ trong vài ngày.
Chia sẻ về nguyên nhân chọn chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình, ông Sung cho biết, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng nâng cao và trở thành tất yếu. Vì vậy, muốn phát triển chăn nuôi bền vững thì mình phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAHP đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt hơn so với chăn nuôi thông thường nhưng hiệu quả cao hơn. Bởi chăn nuôi theo tiêu chuẩn này phải có mặt bằng, nuôi tập trung, nguồn thức ăn, nước uống phải được thực hiện theo quy trình, không sử dụng chất cấm; việc phòng trị bệnh, quản lý lượng thuốc thú y cũng cần đặc biệt chú trọng.
Bên cạnh đó, việc ghi chép, lưu trữ thông tin theo dõi vật nuôi cần được thực hiện thường xuyên. Ngoài yếu tố về chuồng trại, chăm sóc đàn lợn thì việc xử lý các vấn đề về chất thải là yếu tố rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của vật nuôi. Nếu chất thải không được xử lý tốt sẽ là môi trường lý tưởng để dịch bệnh có cơ hội phát triển, làm ảnh hưởng đến chất lượng đàn lợn.
Nhờ tuân thủ tốt quy trình VietGAHP, trang trại lợn của ông Sung luôn có đầu ra ổn định. Đặc biệt giai đoạn dịch bệnh, trang trại của ông luôn được ưu tiên tiêu thụ bởi đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, trung bình mỗi năm trang trại lợn của ông Sung cung cấp ra thị trường gần 400 tấn lợn thịt và khoảng 10.000 con lợn giống.
Ông Phạm Hữu Tân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Dương cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Sơn Dương có tổng đàn lợn khoảng 160.000 con; 192 trang trại chăn nuôi, đa số là trang trại chăn nuôi lợn. Việc tiên phong chăn nuôi theo mô hình VietGAHP của trang trại ông Sung là bước đột phá thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng hàng hóa, an toàn, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.