UBND tỉnh làm việc với Ủy ban Xúc tiến quốc tế phong trào OVOP tỉnh Oita (Nhật Bản)
- Thứ sáu - 13/10/2017 03:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn Ủy ban Xúc tiến quốc tế phong trào OVOP tỉnh Oita hỗ trợ Quảng Ninh phát triển Chương trình OCOP. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh, Quảng Ninh đã học tập kinh nghiệm Chương trình OVOP của tỉnh Oita để triển khai Chương trình OCOP tại Quảng Ninh.
Sau 4 năm triển khai, Chương trình OCOP Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh đã có 215 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP với tổng vốn đăng ký là 250 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động địa phương. Toàn tỉnh hiện có 238 sản phẩm, trong đó, 85 sản phẩm đạt từ 3-5 sao.
Để chương trình OCOP tiếp tục gặt hái được thành công, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh bày tỏ mong muốn Ủy ban Xúc tiến quốc tế phong trào OVOP tỉnh Oita sẽ hỗ trợ Quảng Ninh xây dựng một số sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa phương; phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 6 sản phẩm quốc gia, 12 sản phẩm cấp tỉnh, 21 sản phẩm địa phương.
Trong đó, hỗ trợ Quảng Ninh từ phương pháp sản xuất, đóng gói bao bì, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm một cách bài bản thông qua các hoạt động cụ thể như: Tổ chức các lớp đào tạo gắn liền với thực tiễn tại tỉnh Oita, hướng dẫn hình thành hệ thống cung cấp sản phẩm thế mạnh của Quảng Ninh, tổ chức các hoạt động giao lưu nhằm quảng bá sản phẩm giữa hai địa phương.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Đồng chí cũng mong muốn Ủy ban Xúc tiến quốc tế phong trào OVOP tỉnh Oita nói riêng và tỉnh Oita nói chung sẽ ưu tiên dành nguồn lực hỗ trợ cho chương trình OCOP Quảng Ninh, đưa chương trình OCOP Quảng Ninh trở thành điểm sáng về sự hợp tác giữa hai bên, từng bước nhân rộng ra toàn quốc.
Để tăng cường mối quan hệ, đồng chí cũng đề nghị Ủy ban Xúc tiến quốc tế phong trào OVOP tỉnh Oita và tỉnh Quảng Ninh sẽ ký kết chương trình hợp tác trong thời gian tới.
Về ý tưởng tổ chức festival OCOP của Đoàn công tác, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao, đồng thời giao cho UBND TP Hạ Long phối hợp với các ngành tổ chức festival.
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng quà lưu niệm Đoàn công tác. |
Cũng trong buổi làm việc, ông Tadashi Uchida, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến quốc tế phong trào OVOP tỉnh Oita khẳng định, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển tốt chương trình OCOP. Do đó, mục đích chuyến thăm lần này của Đoàn công tác là tìm hiểu, nghiên cứu mở rộng Chương trình OCOP đồng thời thành lập viện nghiên cứu tư vấn cho chương trình.
Ông Tadashi Uchida cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn triển khai phong trào OVOP tại Oita. Cụ thể, như: Chính quyền hướng dẫn trực tiếp cho những người sản xuất để họ có thể tự nghiên cứu, sản xuất, phát triển sản phẩm; chương trình OVOP gắn liền với việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; việc tiêu thụ các sản phẩm đi liền với các hoạt động du lịch. Với cách làm này, OVOP đã thực sự là chương trình thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng thị trường hàng hóa một bền vững cách bền vững tại tỉnh Oita.
Sau 4 năm triển khai, Quảng Ninh đã có 238 sản phẩm, trong đó có 85 sản phẩm từ 3-5 sao. |
Với nhiều năm kinh nghiệm triển khai OVOP tại Oita, ông Tadashi Uchida mong muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng và Ủy ban Xúc tiến quốc tế phong trào OVOP trong thời gian sớm nhất.
Ông cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự tạo điều kiện của Quảng Ninh trong quá trình tìm hiểu Chương trình OCOP Quảng Ninh ngay trong tháng 11/2017. Từ đó, đưa Chương trình OCOP Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong toàn quốc, từng bước xứng tầm với các nước trong khu vực.
Phong trào OVOP được khởi phát từ năm 1979 tại làng Oyama, tỉnh Oita, Nhật Bản. Phong trào OVOP được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc chính: Từ địa phương tiến ra toàn cầu, tự tin - sáng tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực. Đây là điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương. Kinh nghiệm từ phong trào OVOP hiện đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… |