"Vua" nông trang hữu cơ
- Thứ ba - 26/09/2017 10:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bài 1: Thành công trên sự phản đối của nhà khoa học
“Lâu nay, người ta cứ nói liên kết 4 nhà, nhưng với nông dân quan trọng nhất là giá cả và quy định về chất lượng phải rõ ràng. Nếu như hai thứ này không làm rõ ràng với nhau, nông dân dễ “phá hợp đồng”, kể cả doanh nghiệp có cho họ ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền… Ở Việt Nam, mô hình Công ty Vinamit của ông Lâm Viên làm rất hay. Ông rất rõ ràng về chất lượng và giá cả với người nông dân, loại nào ông cũng mua, mua theo giá thị trường, thậm chí có khi mua giá rất cao. Vinamit có nhà máy chế biến, tạo ra đa dạng sản phẩm xuất khẩu tới nhiều thị trường thế giới. Nông dân làm ra bao nhiêu nông sản, ông cũng mua hết, nên người nông dân lúc nào cũng làm ăn với ông Viên” - Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, giới thiệu về Vinamit.
Một góc nông trang hữu cơ của Công ty Vinamit. Ảnh: Hải Luận
Tư duy “nông pháp” làm nền tảng phát triển
Trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, chưa nói ngay về chuyện kinh doanh, chuyện mở thị trường quốc tế. Ông nói về lịch sử phát triển nền nông nghiệp nước nhà. “Tái câu trúc nông nghiệp phải đi từ cái gốc, vậy “nông pháp” quốc gia đi theo hướng nào? Nông pháp hóa học, đương nhiên gốc của nó là hóa học.
Toàn bộ canh tác, suy nghĩ, hành động, cách làm đều hóa học. Xu hướng thế giới đang muốn sản phẩm phải có gốc tự nhiên, hay nói cách khác là hữu cơ. Vì vậy, cái gốc của nó là “nông pháp vi sinh học” là cân bằng vi khuẩn, nấm vi sinh... Anh phải hiểu cái căn bản, mới nói đến cải tạo, cải cách. Thay đổi tư duy về nông pháp, mới có cách đi đúng hướng” - Ông Lâm Viên chia sẻ.
Năm 1987, ông Viên gặp người thầy đầu tiên và được “mách nước”: “Bạn đang ngồi trên cái kho báu mà chưa biết khai thác. Bạn đi ra nước ngoài để họ chỉ cho bạn cách khai thác”. 26 tuổi, ông Viên đến 5 nước Đông Âu và Bắc Á tìm kiếm, điểm cuối cùng dừng lại học là Đài Loan. Về nước, ông bắt đầu khởi nghiệp bằng ngành chế biến sau thu hoạch, theo con đường hữu cơ. Kinh nghiệm chưa có nhiều, đôi khi xảy ra sự cố mà không xử lý được. “Học phí” “trường đại học thực tiễn” ông Viên phải trả nhiều tỉ đồng, vì sản phẩm hư hỏng, vì bị thua lỗ, thậm chí mấy lần trắng tay. Ông vẫn kiên trì đi theo nền tảng “nông pháp hữu cơ” đã vạch ra từ trước.
Câu chuyện ông Viên mua lại nông trường với diện tích 200ha đất của một trường đại học, tại tỉnh Bình Dương để phát triển nông trang hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam thật thú vị. “Tôi mua đất và thuê lại toàn bộ đội ngũ nhà khoa học, giảng viên của trường đại học sang làm việc với Công ty Vinamit. Tôi đưa ra chiến lược phát triển nông trang hữu cơ. Các nhà khoa học của trường không tin làm hữu cơ sẽ thành công, nên xảy ra “xung đột”. Quan điểm của các thầy vẫn làm theo phương pháp hóa học, còn tôi thì đi theo hữu cơ. Thế là “hóa học” và “hữu cơ” cứ kéo qua, kéo lại suốt bao nhiêu năm. Rốt cuộc tôi bị đổ bể hoàn toàn - Tổng Giám đốc Viên kể lại câu chuyện khởi đầu trồng cây theo nông trang hữu cơ khá gian nan.
- Tại sao các nhà khoa học làm mà vẫn thất bại? – Tôi đặt câu hỏi.
- Ngành công nghệ sinh học của Việt Nam, về lý thuyết rất giỏi, nhưng họ không có môi trường để ứng dụng thực tiễn – Ông Viên trả lời.
- Đâu là nguyên nhân chính?
- Tôi nói mà họ không nghe. Tôi nói một đằng, họ làm một nẻo. Họ bảo rằng không có thuốc bảo vệ thực vật làm sao cây nó sống được!
- Nhưng mọi chi phí do anh chi trả?
- Tất nhiên rồi. Tôi không được họ đồng tình. Một mình tôi không cải tạo được. Ngay cả sản phẩm của Vinamit làm ra từ nông trang hữu cơ, khi đi làm truyền thông ở bên ngoài, người tiêu dùng cũng chẳng cần quan tâm đến đồ tốt để bảo vệ sức khỏe.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit.
Ảnh: Hải Luận
Từ năm 2005 - 2010, cuộc “đấu tranh” “hóa học” hay “hữu cơ” đã tiêu tốn của ông Viên nhiều tỉ đồng. Kết quả vẫn con số 0 trên con đường chinh phục “nông pháp hữu cơ”. Cuối năm 2010, ông Viên làm lại từ đầu, tuyển toàn đội ngũ kỹ sư trẻ, chuyên ngành trồng trọt, sinh học. Ông Viên vừa là người nông dân làm quần quật trên cánh đồng và trực tiếp chỉ huy tại nông trường.
“Số bạn trẻ này cũng không có niềm tin mấy về nông trại hữu cơ, nhưng vì họ “sợ” tôi, nên mọi quy trình phải làm theo tôi hướng dẫn. Việc đầu tiên phải cải tạo lại diện tích đất, dùng máy cày cày thật sâu, có những chỗ dùng máy múc, cuốc sâu xuống cả mét. Làm theo kiểu này để đất được phơi nắng, phơi mưa, giảm lượng độc tố có trong đất. Sau một thời gian lại cày, lại cuốc, kết hợp rải phân xanh, phân chuồng xuống. Đất được “nghỉ ngơi” 2-3 năm, tôi bắt đầu trồng cây giống xuống. Riêng công đoạn xử lý đất, tôi đã mất trên 20 tỉ đồng” - Ông Viên nói và chia sẻ thêm: Đất là “ngôi nhà” của vi sinh vật. Trong ngôi nhà muốn duy trì sự sống cần cái gì? Giống như hồ nuôi cá, anh muốn thả cả vô thì cần phải chuẩn bị cái hồ có đầy đủ oxy, có thức ăn. Ngôi nhà của mình có oxy thì không có thuốc hóa học, nếu cứ để hóa học xuống thì nó triệt tiêu oxy, làm sao còn sự sống.
Ông Quốc Bình, người đã gắn bó với Vinamit hơn 10 năm nay, vừa đưa tôi đi tham quan nông trang, vừa kể lại: “Trước, đây là một khu rừng có đàn heo mấy trăm con sống trong đó. Ông Viên đã cải tạo khu rừng thành vùng nông trang hữu cơ rộng mênh mông. Thế mới biết tầm nhìn và tình yêu nông nghiệp hữu cơ của ông ấy lớn cỡ nào. Ông chủ kiếm được bao nhiêu tiền đều đổ vào đây. Vợ con ông đang định cư bên Mỹ, nhưng suốt ngày ông lọ mọ ở nông trang, tự lái máy đi cày. Rồi ngồi rình mò, quan sát, nghiên cứu sâu bọ, để tìm cách chế ngự”.
Học cách quản lý của “địa chủ”
Đến hôm nay, Công ty Vinamit đã canh tác hàng nghìn héc-ta từ những nông trang hữu cơ và liên kết với các hộ nông dân ở Bình Dương, Cà Mau, Kiên Giang, Đắk Nông, Đắk Lắk. Mỗi năm sản lượng của công ty đạt hàng nghìn tấn rau, củ, quả. Tôi hỏi ông Viên: “Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, mùa vụ khác nhau, anh làm cách nào để quản lý tốt với nhiều nông trang?”.
Ông Viên khoái chí, giải thích: “Tôi học cách quản trị phân cấp của mấy ông “địa chủ” trước đây, đó là cách quản lý tốt nhất trong sản xuất nông nghiệp. Mỗi một vùng ruộng đều có ông “tá điền” cai quản và điều hành. Lúc nào cần điều động nhiều nhân công và khi nào cắt giảm lao động thì ông “tá điền” nắm rõ nhất. Thời đại hiện nay, có thêm công nghệ kỹ thuật số vào nữa để tăng thêm hiệu quả điều hành của “tá điền”. Sản xuất nông nghiệp nếu quản lý công việc không tốt, sẽ bị sụp đổ”.
“Tá điền” của ông Viên có trình độ học vấn bậc đại học nông nghiệp hoặc về công nghệ sinh học. Mỗi “tá điền” phải hiểu rõ cách quản lý nhân lực và xây dựng nông trang hữu cơ cần nguồn dinh dưỡng của đất như thế nào? Chẳng hạn, cách làm phân ủ nóng là nguồn phân hữu cơ chính được sử dụng bón vào đất tạo môi trường cho các vi sinh vật hoạt động tốt, để phân hủy chất hữu cơ cho cây trồng sử dụng. Biết cách làm phân xanh, đậu tương, ốc bươu vàng, thân cây chuối, vỏ sò, hến, xương gà, cá, lợn… và phế thải nhà bếp được sử dụng làm nguồn dinh dưỡng bổ sung cho cây khi cần. Làm như vậy đòi hỏi phải rất kỳ công, tốn nhiều chi phí nhân công, lại lâu nâng cao sản lượng so với dùng phân bón hóa học. Nhưng độ bền và phì nhiêu của đất thì rất lâu.
Bài 2: Khai phá thị trường thế giới
Hành trình xây dựng nông trang hữu cơ của ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tich HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ và châu Âu cấp giấy chứng nhận. Công ty có vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy chế biến với máy móc hiện đại và mò mẫm tìm kiếm thị trường quốc tế. Vinamit đã hình thành chuỗi khép kín từ trồng trọt đến xuất khẩu.
Sản phẩm có “lý lịch” rõ ràng
Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hàng hóa nông sản Việt Nam hầu như vẫn giữ thói quen chờ khách hàng tìm đến. Nhưng ông Nguyễn Lâm Viên chủ động đi tìm khách hàng. Ông mang các sản phẩm chế biến từ quả mít sang chào bán ở các chợ đầu mối Đài Loan, nhưng khách hàng ở đây “lắc đầu”. Đơn giản là họ chưa biết tới mít Việt Nam. Ông Viên đành phải mang hàng ra bày bán tại vỉa hè...
“Bây giờ hàng hóa của Vinamit đã có mặt tại thị trường Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... Vì những sản phẩm của tôi có “lý lịch” rõ ràng, do những quốc gia này kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, tiêu chuẩn an toàn trong canh tác, thu hoạch, chế biến, phân phối” – Ông Viên cho biết.
Cửa hàng bán sản phẩm của Công ty Vinamit tại quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hải Luận
Tôi đứng ở cửa hàng bán sản phẩm Organic (hữu cơ) của Công ty Vinamit, tại quận 1, TP Hồ Chí Minh quan sát thấy khách nước ngoài vào mua nhiều sản phẩm từ trái cây sấy khô, mà không đắn đo điều gì. Tôi hỏi thẳng ông Viên:
- Công nghệ máy móc chế biến nông sản của công ty ông đạt mức nào so với thế giới?
- Tất cả máy móc tôi đang sử dụng là những loại tốt nhất thế giới, từ bảo quản bằng kho lạnh, khô truyền thống, thăng hoa đông khô... đều có. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan còn sợ tôi đấy!
- Sấy trái cây ở nhiệt độ cao sẽ mất vitamin và dưỡng chất thực vật. Tại sao Vinamit lại dùng phương pháp sấy khô?
- Trong kỹ thuật sấy có nhiều phương pháp, muốn giữ vitamin thì dùng phương pháp sấy lạnh đông khô, giữ được 99% vitamin trong sản phẩm.
Ngoài nhà máy chế biến tại Bình Dương, sắp tới Công ty Vinamit sẽ xây dựng thêm một nhà máy ở Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, để tiếp nhận nguyên liệu chế biến tại chỗ. Phương châm của ông Nguyễn Lâm Viên là nơi trồng trọt phải gắn liền với nhà máy chế biến. Ngoài việc xây dựng nhà máy, công ty còn chăm lo tới nơi ăn chốn ở của công nhân. Công ty cũng khuyến khích công nhân bằng cách tặng vật chất xứng đáng cho những người có sáng kiến tăng năng suất trong lao động sản xuất.
Chinh phục những thị trường lớn thế giới
Bài học nhớ đời của Tổng Giám đốc Nguyễn Lâm Viên là lần bị khách hàng trả về 23 container hàng xuất khẩu do thiếu kinh nghiệm quản lý, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, đẩy ông vào hoàn cảnh gần như trắng tay lần nữa. Điều đó đòi hỏi ông chủ Vinamit phải nỗ lực và đầu tư nhiều hơn. Đến nay, công ty cổ phần Vinamit đã được cấp Chứng nhận canh tác hữu cơ, chế biến hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (EU) (cụ thể đạt 73 hạng mục của Organic EU và 81 hàng mục của USDA Organnic).
- Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp chứng nhận hữu cơ cho nông trang của anh gồm những tiêu chí nào?” – Tôi hỏi ông Viên.
- Họ xem xét, kiểm tra kỹ lưỡng rất nhiều quy trình hoạt động của công ty. Nhưng tiêu chí quan trọng nhất là kiến thức của ông chủ nông trại hiểu biết như thế nào về nông trại hữu cơ, về vi sinh học... Ý chí người chủ có cam kết thực hiện cao độ, lâu dài, trước sau như một về chương trình hữu cơ. Chẳng hạn, người chủ phải dám đốn bỏ hết số cây đã trồng không đạt chuẩn hữu cơ.
- Doanh nghiệp Việt Nam gửi hồ sơ sang Bộ Nông nghiệp Mỹ xét duyệt hay bằng phương pháp nào?
- Mình phải gửi bộ hồ sơ tiêu chuẩn đến họ, sau đó họ cử người đến nông trang của tôi ở lại 3 ngày 3 đêm, xem có chim, kiến, côn trùng... đang sinh sống trên cây không. Nếu những con này sống nhiều trên cây, chứng tỏ nông trang không dùng thuốc trừ sâu. Trong vòng 3 năm, họ đến kiểm tra bất cứ lúc nào, không cần thông báo trước. Nếu nông trang vi phạm lỗi nào đó, họ rút giấy chứng nhận ngay lập tức.
Phân vùng thị trường
Đối với thị trường Trung Quốc, ông Viên chia ra làm 5 miền: Hoa Bắc, Hoa Nam, Hoa Trung, Hoa Tây và Hoa Trung tâm. Mỗi miền lại có cách tiếp cận khác nhau, tùy vào tình hình thực tế và nhu cầu thị trường... Cách làm này giúp tăng độ bao phủ và giám sát thị trường tốt. Vinamit hiện đang rất thành công với mô hình này. “Khi mới qua mở thị trường, chúng tôi đi tìm thương lái, thương nhân để đem hàng vào Trung Quốc, chọn những thương nhân nào biết cách quản lý. Sau này, tôi thuê sinh viên Trung Quốc sang học và làm việc tại Việt Nam. Họ là những người học về ngành kinh tế, marketing... Tôi chọn họ để phát triển hệ thống kinh doanh cho Vinamit tại Trung Quốc” – Ông Viên thông tin.
Chúng tôi quan sát kỹ nông trang hữu cơ của Công ty Vinamit tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, một khuôn viên với diện tích mấy trăm héc-ta, được ông Viên cho xây thành rất cao bao xung quanh, nhằm ngăn không cho thuốc trừ sâu bên ngoài bay vào. Hệ thống mương thoát nước và dẫn nước đều làm bằng bạt ni lông mà không sử dụng bê tông. Theo lý giải của ông Viên, nếu mình làm đường, mương nước bằng bê tông sẽ ngăn cản di chuyển của hệ thống vi sinh vật, làm mất cân bằng chuỗi sinh học, dẫn đến có hại cho canh tác.
Có được giấy chứng nhận nông trang hữu của Bộ Nông nghiệp Mỹ là “tấm vé” để hàng hóa nông sản của Vinamit dễ dàng vào các hệ thống siêu thị của Mỹ và châu Âu. Tạo nên chuỗi kinh doanh từ trồng trọt đến tiêu thụ thị trường quốc tế.
- Các doanh nghiệp Việt Nam đang rất muốn đưa hàng hóa vào hai thị trường khổng lồ Trung Quốc và Mỹ. Ông đánh giá như thế nào về hàng rào kỹ thuật của hai thị trường này?
- Nếu như một doanh nghiệp ngay từ đầu làm theo chuẩn quốc tế, thì hàng hóa vào Mỹ dễ hơn Trung Quốc. Vì mọi thủ tục pháp luật của Mỹ rất rõ ràng, họ công bố bộ tiêu chuẩn chất lượng một cách minh bạch. Hàng hóa của doanh nghiệp không phạm vào tiêu chí nào thì được nhập khẩu vào Mỹ, nhưng chỉ cần vi phạm một lỗi nhỏ sẽ bị loại ra. Còn ở Trung Quốc, họ làm theo cảm tính nhiều hơn. Lúc thì họ cho hàng hóa nhập vào, lúc khác lại không cho nhập vào. Mọi quy định không minh bạch và nhất quán.
Thông tin của ông Viên quả rất bổ ích.
Bài 3: Gắn chặt lợi ích của nông dân và nhu cầu thị trường
Lâu nay, nông dân ta làm ăn nhỏ lẻ, manh mún thiếu kế hoạch, mục tiêu và tính đồng bộ lâu dài. Vậy, ai là người đầu tàu để “kéo” con đường nông sản của bà con hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu? Làm sao để sản phẩm của nông dân có “chỗ đứng” trong chuỗi các siêu thị thế giới? Làm cách nào đánh bật hàng ngoại ra khỏi siêu thị nội địa bằng sức cạnh tranh bình đẳng của thị trường?
Tìm giống tốt
“Hàng hóa trong siêu thị đã nằm kín chỗ rồi. Nông dân sản xuất ra sản phẩm làm sao chen chân vào trong đó được? Quy luật là anh muốn đến và ở lại trên kệ siêu thị, thì phải “đuổi” một “ông” khác ra khỏi kệ. Nếu không có liên kết thật chặt với nhau giữa nông dân và doanh nghiệp, sẽ không làm gia tăng giá trị của sản phẩm. Phần thiệt thòi nhất lúc nào nông dân cũng phải gánh chịu. Hàng nông sản của nước ngoài đang ùn ùn kéo vào “đè bẹp” hàng nội địa ngay tại sân nhà mình” - Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, đặt vấn đề rất thực tế.
Bà Quyên là đối tác của Công ty Vinamit. Ảnh: Hải Luận
Ông Viên luôn đau đáu trong lòng và đi tìm cho ra những loại giống cây trồng và lai tạo đạt năng suất cao ở xứ mình. Những đợt tổ chức hội chợ hàng nông sản ở các vùng miền, ông Viên đều tìm cách “cài” vào chương trình cuộc thi “Trái mít đẹp”. Bà con khắp nơi vác mít đến dự thi, những trái mít to, đẹp được trao giải thưởng. Ông Viên bắt đầu “lần” theo những trái mít đoạt giải, về tận vườn xem cây, xem chất đất, thổ nhưỡng,… xin chủ nhà giống mít đưa về nghiên cứu và lai tạo thành giống mít năng suất cao.
Có được giống mít tốt, ông Viên bắt đầu đưa xuống các vùng dân cư giới thiệu và hướng dẫn bà con cách trồng. Tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Ngọc Quyên, phường Đình Hòa, TP Bình Dương, tỉnh Bình Dương. Qua phần thủ tục thăm hỏi, bà Quyên dẫn tôi ra giới thiệu vườn mít có rất nhiều cây, mỗi cây có từ 5 - 10 trái, có nhưng trái to, nặng khoảng 20kg.
“Tạ ơn chú Viên đã đưa cho nông dân chúng tôi giống mít mới trồng đạt năng suất cao. Vườn cây đây mới trồng được mấy năm mà cho ra trái “đã” ghê, một cây trung bình cho thu nhập 1 triệu đồng/năm. Chỉ cần tưới nước, chẳng cần chi phí chăm bón gì hết. Vài năm sau, cây mít cao lên, to cành, trái ra nhiều lắm! Dân làm ra bao nhiêu mít cũng được nhà máy chú Viên thu mua hết” - Bà Quyên hứng khởi nói. Tôi hỏi bà Quyên:
- Trước đây chưa trồng mít, vườn nhà mình trồng cây gì?
- Có biết trồng cây gì đâu chú. Cả khu vườn rộng chỉ trồng mấy bụi tre, bán rẻ như bèo. Tôi phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, kiếm gạo nuôi con.
- Ông Viên xuống tận vườn bà con hay chỉ ở nhà máy hướng dẫn thôi?
- Ngày đầu chú Viên mời khoảng 30 hộ dân đến họp, bàn chuyện hợp tác làm ăn. Chú đưa cây mít giống cho dân trồng, đến hôm nay vẫn chưa thu tiền. Trực tiếp chú Viên hướng dẫn cách trồng, cách bón phân, tưới nước tại vườn. Có hai thứ dân tuyệt đối không đụng tới là phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.
- Cách hợp đồng mua bán sản phẩm như thế nào?
- Chú Viên đưa ra mức giá thu mua “cứng” để bà con mừng. Còn khi thu hoạch, chú mua theo giá thị trường, nhưng không thấp hơn giá “cứng” đã cam kết.
- Lâu nay đã có tình trạng phá vỡ hợp đồng với nhau chưa?
- Không có đâu. Chú Viên làm ăn đàng hoàng lắm. Lúc kẹt tiền, bọn tôi còn vào công ty, chú cho ứng trước cả trăm triệu đồng, đến mùa bán mít trừ dần. Nhiều công ty khác đến đây “gạ” dân tôi bán mít cho họ, nhưng họ đâu chơi đẹp như chú Viên nên dân vẫn giữ cho chú. Nhờ chú Viên, mà biết bao hộ dân trong vùng khấm khá lên. Gia đình tôi xây nhà to, mua xe ô tô cũng nhờ hợp tác làm ăn với Công ty Vinamit.
Hiện nay, ông Viên đang hợp tác sản xuất với trên 1.000 hộ nông dân, với tổng diện tích 20.000 héc-ta. Ông Viên, luôn khuyến khích bà con nông dân chọn những trái cây to, chín đẹp để bán trước, được giá cao, số còn lại bán cho chế biến. “Có những lần giá mít trên thị trường sụt xuống, nông dân không bán được. Tôi vẫn mua giá mít cao theo như hợp đồng cam kết với bà con. Kho lạnh của công ty đầy ắp hàng, tôi phải chạy đi thuê nhiều kho lạnh khác để thu mua hết số mít của bà con. Lúc khó khăn mình luôn ở bên họ. Còn thấy dễ nhảy vào, thấy khó lui ra, thì khó làm ăn lâu dài với nhau được. Đã có bao giờ báo chí nói mít ế bán không được đâu” - Ông Viên nói.
Sản xuất và tiêu thụ gắn với thị trường
Nông dân muốn “chơi” lâu dài với Vinamit, điều căn bản và kiên quyết bà con phải canh tác theo phương pháp hữu cơ mà công ty đã “đặt hàng”. Theo ông Viên, bà con làm ra sản phẩm từ hữu cơ, khi bán sản phẩm, họ còn có cái để tự hào về sản phẩm của mình làm ra đạt chất lượng tốt hơn thiên hạ. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Nếu cứ để người nông dân làm theo kiểu cũ, họ luôn phập phù lo âu về đầu ra sản phẩm, họ không được tổ chức sản xuất theo kế hoạch, theo nhu cầu của thị trường. Muốn làm lớn trong nông nghiệp phải có tâm lớn, khi đó mới thu phục được người nông dân. Vinamit đang đi trên con đường cả hai đều thắng. Đây mới là nông nghiệp bền vững. Sự thật, 30 năm qua, doanh nghiệp anh Viên liên tục tăng trưởng”.
Mỗi năm, Công ty Vinamit thu mua từ 40.000 - 60.000 tấn trái cây, củ quả để chế biến. Sản phẩm mỗi năm tăng 3 - 4 lần, xuất khẩu ra 12 thị trường. Nếu để nông dân tự làm, không kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, hàng hóa không đi theo chuỗi giá trị sẽ không tiêu thụ được. Cần có một “Tổng chỉ huy” đưa ra kế hoạch quản trị cây trồng, sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ, rồi làm thương hiệu, quảng bá hình ảnh. Có như vậy độ bền mới cao, sản xuất mới theo nhu cầu của thị trường.
Ông Viên đã nhiều năm nghiên cứu và kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, nhận định: “Với nông nghiệp, thị trường Trung Quốc vừa là “diễm phúc” nhưng cũng là bất lợi cho nông dân. Trung Quốc có mùa Đông kéo dài, chu kỳ nửa năm mùa Đông đó họ sẵn sàng đổ sang Việt Nam mua hoa quả các loại với giá cao như xoài, chuối, dưa hấu, thanh long… Nhưng đến những tháng hè, họ không cần mua, nông dân ta phải bán đổ bán, rớt giá là chuyện đương nhiên. Năm 2016, sản lượng nông sản chúng ta xuất khẩu cao, vì Trung Quốc bị bão. Nếu họ không bị bão thì chắc chắn điệp khúc “được mùa rớt giá sẽ lặp lại ở ta”. Vấn đề quan trọng là nhà nông phải tính toán làm sao để thu hoạch trái cây vào tháng 10 là vừa khớp với mùa Đông của Trung Quốc. Nhưng khổ cái, xoài tháng 4 - 5 lại chín rộ, bên kia họ cũng đầy rồi. Canh tác phải lưu ý thị trường Trung Quốc, khi họ không mua thì phải nghĩ kiểu khác, kết nối với nhà máy chế biến. Chứ cứ so sánh giá bán cho Trung Quốc với giá cao, bán cho chế biến thấp thì làm sao phát triển. Đừng nói được mùa mất giá, sao lúc bán được giá cao không thấy “than”? Mấy năm nay, dân mình giàu lên nhờ xoài, chuối, khoai lang, nhưng sang năm là coi chừng không bán được”.
Hải Luận/ báo Biên phòng
Hải Luận/ báo Biên phòng