Đi đầu trong công tác dồn điền đổi thửa

Trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Vĩnh Quỳnh gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng thiếu và xuống cấp, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả không cao… Để khắc phục tình trạng này, Vĩnh Quỳnh coi công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị canh tác.



Theo lãnh đạo xã Vĩnh Quỳnh, năm 2012, xã bắt tay vào DĐĐT với bộn bề khó khăn. Xã có 3 thôn nhưng chỉ thôn Vĩnh Ninh (diện tích đất nông nghiệp 160.368ha) có thể triển khai dồn đổi ruộng bởi thôn Quỳnh Đô và Ích Vịnh nằm trong quy hoạch phân khu đô thị S5 và quy hoạch đường sắt trên cao. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, thời gian đầu thực hiện DĐĐT, xã gặp rất nhiều khó khăn do tâm lý người dân chưa thông và kinh phí thực hiện DĐĐT quá lớn... Tuy nhiên, để nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước hoàn thành các tiêu chí NTM thì không còn cách nào khác là phải hoàn thành việc DĐĐT để quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Xác định rõ điều đó, Vĩnh Quỳnh đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến phương án DĐĐT đến từng người dân để tạo sự đồng thuận. Xã đã tổ chức 65 hội nghị, trong đó có 21 buổi họp dân của 7 cụm dân cư thôn Vĩnh Ninh để thông qua và tuyên truyền phương án DĐĐT, phát 3.000 tờ gấp tuyên truyền về chủ trương DĐĐT đến 100% hộ gia đình trên địa bàn thôn. 

Vì vậy, chỉ sau một thời gian, 100% số hộ ở cả 7/7 cụm dân cư đều đồng tình, ra bốc thăm nhận ruộng tại thực địa với diện tích 144,6ha, trong đó 118,6ha lúa và 25,99ha nuôi trồng thủy sản (NTTS). Đến hết tháng 6-2013, các cụm đã hoàn thành công tác giao ruộng cho xã viên bảo đảm kịp sản xuất vụ mùa. Sau khi DĐĐT, xã đã quy hoạch lại đồng ruộng dư thừa, số diện tích dôi dư sau dồn đổi (trên 3ha) đã được quy hoạch để mở rộng nghĩa trang và mở rộng bờ vùng, bờ thửa phục vụ sản xuất nên người dân rất phấn khởi. 

Để khắc phục tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả lao động, xã đã quy hoạch 82,8ha gieo trồng tập trung các giống lúa chất lượng cao với những mô hình giống tốt như HT9 để áp dụng vào sản xuất cho năng suất cao…; quy hoạch vùng NTTS tập trung. Hiện các mô hình NTTS đang phát huy hiệu quả cao, cho thu nhập 200-300 triệu đồng/ha. Để phát huy hiệu quả của việc DĐĐT, vụ chiêm xuân 2013 xã đã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Ninh đưa 0,7ha vào trình diễn gieo cấy giống lúa chất lượng cao HT3-3 với quy trình sử dụng mạ khay, máy cấy, máy gặt đập liên hoàn. Khảo sát thực tế của huyện cho thấy lúa phát triển rất tốt, dự kiến năng suất sẽ đạt 75 tạ/ha, vượt 16-20 tạ/ha so với cấy truyền thống. 

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Đặng Thị Hiền cho biết, dù gặp khó khăn trong công tác DĐĐT, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và người dân, xã Vĩnh Quỳnh đã trở thành đơn vị đầu tiên của huyện thành công trong công tác DĐĐT, tạo điều kiện để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Năm 2010, khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân chỉ đạt 9 triệu đồng/người/năm, nay đã đạt trên 22 triệu đồng, tăng 13 triệu đồng so với năm 2010. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết thêm, hiện xã đã đạt 14/19 tiêu chí NTM. Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo niềm tin trong nhân dân về hiệu quả của công tác DĐĐT, nhiệm vụ đặt ra trước mắt cho xã là hoàn thành đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng. Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập cho người dân và hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2014 theo kế hoạch đề ra.