Bắc Ninh: Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho năng suất cao
- Thứ hai - 07/11/2016 22:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một hình thức tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.
Theo ông Nguyễn Công Cường, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bắc NinhSản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chất lượng cao, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ con người và được nhiều người tiêu dùng hướng tới.
Nhận thấy được những ưu điểm đó, năm 2009 chị Nguyễn Thị Đông đã mạnh dạn thuê 2 ha đất nông nghiệp thuộc thôn Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành để làm thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Với định hướng vừa làm vừa đầu tư mở rộng nên trên diện tích 2 ha của mình chị Đông chia ra thành từng khu: khu chăn nuôi, khu ao nuôi thủy sản, khu trồng trọt. Do đặc tính của mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ là tự cung cấp nguồn thức ăn hữu cơ bằng các sản phẩm truyền thống như cám gạo, cám ngô, bã rượu, bia và rau xanh tự nhiên… Tất cả các nguyên liệu được chị tự lên men, ủ thức ăn chăn nuôi bằng những nguyên liệu gia đình tự sản xuất. Đặc biệt khu chăn nuôi chị đầu tư mô hình chăn nuôi khép kín với hệ thống khu và phòng ủ, trộn thức ăn, phòng chế biến, giết mổ… hiện đại theo quy trình và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của chị Bùi Thị Đông
Để áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong chăn nuôi lợn, chị Đông chủ yếu sử dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu EM của Nhật Bản vào các công đoạn. Chị dùng cám ngô, cám rạo, rỉ mật, rỉ đường ủ kết hợp với bổ sung vitamin khoáng chất Míc, khô đậu tương và rau tại trang trại như bèo tây, rau muống…
Không chỉ tiết kiệm được 20% chi phí, thức ăn này kết hợp với rau xanh giúp vật nuôi khỏe mạnh, tăng trưởng tốt và sạch bệnh mà hoàn toàn không cần chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc, kháng sinh khác. Hệ thống chuồng chăn nuôi lợn thịt, lợn rừng và gà thịt của chị dùng đệm lót sinh học để tự xử lý chất thải không gây độc hại mà thân thiện với môi trường. Chất thải trong chăn nuôi được xử lý bằng các chế phẩm sinh học, tự phân hủy sau đó dùng làm nguồn phân hữu cơ bón cho rau và lúa. Bên cạnh việc ứng dụng chế phẩm EM, chị còn không ngừng mày mò tìm hiểu những tiến bộ kỹ thuật như thuốc trừ sâu hữu cơ từ các loại gia vị sả, tỏi, gừng..., các biện pháp xử lý môi trường nước, trồng xen canh cá- lúa…
Là mô hình sản xuất hữu cơ nên sức đề kháng của vật nuôi rất tốt và phát triển. Sau 6-7 tháng đàn lợn tăng trưởng trọng lượng đạt 90-100kg/con, đàn gà sau 5-6 tháng đạt hơn 2kg/con, xuất chuồng với giá cao gấp đôi giá lợn, gà thường và đặc biệt là sản phẩm sạch chất lượng tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao, không độc tố, độc hại và thân thiện với môi trường.
Cuối năm 2014, mô hình của chị Đông đạt chứng nhận Thực phẩm Hữu cơ EM GREEN của tổ chức EMRO Nhật Bản cho sản phẩm thịt lợn, thịt gà. Từ đó, các chuyên gia EMRO thường xuyên tới đây thị sát, kiểm tra và tư vấn về công nghệ để cho ra những sản phẩm chất lượng cao nhất đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện tại, sản phẩm được giết mổ, chế biến hợp vệ sinh tại chỗ, sau đó được đóng gói, dán nhãn mác có xuất xứ, giá thành rõ ràng để cung ứng cho một số cửa hàng thực phẩm hữu cơ tại Hà Nội nhưng cơ bản không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhờ có thương hiệu, giá bán các sản phẩm hữu cơ cao hơn nhiều so với giá thị trường như: thịt lợn là 192.000 đồng/kg, thịt gà 198.000 đồng/kg, trứng gà 60.000 đồng/10 quả, một số sản phẩm rau sạch có giá cao gấp 10 lần giá rau thông thường.
Với tính chất đầu tư bền vững nên sau khi thu hoạch, gia đình chị Đông lại tiếp tục mở rộng thêm quy mô và tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động thu nhập ổn định từ 3-4 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ.
Nói về mô hình của mình, chị Đông cho biết thêm: Mục tiêu của chị trong thời gian tới là phát triển các vùng nguyên liệu vệ tinh, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường bằng cách giúp đỡ các hộ dân ở địa phương trong việc cung cấp giống, hướng dẫn mọi người áp dụng phương thức sản xuất của mình. Bên cạnh đó mô hình của chị cũng gặp phải những khó khăn nhất định như thời hạn thuê đất chưa ổn định, lượng vốn đầu tư để mở rộng tương đối lớn nên rất cần sự hỗ trợ của các cấp quản lý nhà nước. Chỉ có như vậy mới có thể tạo ra nhiều hơn những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp một cách bền vững hơn.
Nguồn: vietq.vn