Biện pháp kỹ thuật kích thích cá rô phi, điêu hồng đẻ

Biện pháp kỹ thuật kích thích cá rô phi, điêu hồng đẻ
Cá rô phi, điêu hồng là loài cá nhập nội, có đặc tính mắn đẻ, chu kỳ đẻ khoảng 25-30 ngày, mỗi năm đẻ từ 9-11 lứa, mỗi con cá cái có thể đẻ từ vài trăm đến cả ngàn con cá bột. Để tạo ra nguồn giống cung ứng cho người nuôi cá thịt, hiện nay tại Tiền Giang có nhiều hộ quan tâm nuôi đẻ đối tượng thủy sản này vì nguồn lợi không nhỏ, ít công chăm sóc, chi phí bỏ ra ít, lấy lại vốn nhanh.

Để kích thích cá rô phi, điêu hồng đẻ thì người nuôi cần chú ý các biện pháp kỹ thuật sau:

Diện tích ao nuôi để cá đẻ tốt nhất là 2.000-3.000m2, dùng bạt lót quanh bờ nhằm tránh thất thoát nước, sau đó dùng lưới ngăn ô, mỗi ô có chiều ngang 7-10 m, chiều dài 30- 40m, để thuận lợi cho việc kéo cá bột. Mực nước ao cá đẻ từ 0,8-1,0m. Vào tháng 11-12 dương lịch hàng năm, tiến hành bơm cạn, vét bùn, bón vôi 30kg/1.000m2, phơi ao 3-5 ngày rồi cấp nước vào ao để thả cá bố mẹ.

Ao nuôi cá bố mẹ

Nên chọn cá bố mẹ cỡ 6 tháng tuổi trở lên, trọng lượng từ 100-150g/con. Mật độ nuôi đẻ 0,5 con/m2. Tỉ lệ cá đực: cái là 1:4. Sau thời gian cá đẻ 2 năm cần bán loại thải đàn cá này, thay đàn cá mới để cá đẻ tốt hơn. Nên chọn cá bố mẹ riêng, không chung đàn, nhằm tránh đồng huyết.

Trong 2 tháng đầu, cho cá bố mẹ ăn thức ăn viên loại 22-25% đạ. Sau khi cá bắt đầu đẻ, giảm xuống còn 18-22% đạm. Khẩu phần cho ăn hàng ngày khoảng 1- 2% tổng trọng lượng đàn cá bố mẹ.

Sau khi nuôi vỗ khoảng 1-2 tháng, cá bắt đầu đẻ. Trong chu kỳ cá đẻ, để kích thích cá đẻ tốt, hàng tuần nên cho cá ăn thêm rau xanh như bèo 1 lần, với liều lượng 6- 8% trọng lượng đàn cá; bổ sung vitamin A, D, E vào thức ăn; khoảng 1 tuần cấp thêm 10-15cm nước mới.

Vào mùa sinh sản, cứ khoảng 3- 4 ngày kéo cá bột 1 lần. Thao tác kéo thường là 2 người kéo bằng lưới loại 1-2mm, kéo theo chiều dài ao, đến góc ao thì dùng vợt vớt bỏ vào thau, đổ vào vèo rồi sau đó đem đi tiêu thụ.

Sau 1 thời gian đẻ, có hiện tượng cá đẻ rất ít hoặc ngưng đẻ, đồng thời trong ao xuất hiện cá tạp như lòng tong, cá con vớt xót. Muốn cá đẻ tốt trở lại, người nuôi nên cải tạo ao thay nước mới, cụ thể: bơm cạn nước, vét bùn, bón vôi, rồi cho nước mới vào ao, sau đó thả cá bố mẹ vào. Sau 3-5 ngày cá đẻ lại; sau 5-7 ngày, người nuôi kéo cá bột trở lại.

Thời gian đẻ kết thúc vào đầu mùa lũ năm sau (khoảng tháng 9 dương lịch), sau thời gian đó nên gom cá lại nuôi mật độ 3 con/m2 để cá ngưng đẻ, vì mùa lũ không tiêu thụ được cá bột.

Ks. Đặng Tấn Bá - Trạm Khuyến nông thị xã Cai Lậy, Tiền Giang

Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/