Bước đột phá trong ứng dụng mô hình 3 giảm, 3 tăng
- Thứ hai - 09/10/2017 23:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo kỹ sư Bùi Thị Thu Ngọc (Trung tâm Giống cây trồng) - giảng viên phụ trách lớp tập huấn tại xã Tân Hưng (Long Phú), với phương pháp huấn luyện cho học viên theo hình thức “vừa học, vừa hành” từ thực tế đồng ruộng, thuyết phục nông dân hơn trong việc sử dụng giống xác nhận, sạ thưa, bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp…
Nông dân Trần Thanh Đáng - chủ ruộng tại mô hình trình diễn kỹ thuật canh tác lúa 3G3T ở ấp Sóc Dong, xã Tân Hưng cho biết: “Vừa học lý thuyết, vừa áp dụng vào thực tiễn trên ruộng nhà theo quy trình 3G3T, kết quả mang lại rất thiết thực và độ tin cậy cao. Việc thực hiện các biện pháp, như: sử dụng giống xác nhận, sạ thưa 8kg lúa/ha, bón phân cân đối, điều tra và ghi chép nhật ký đồng ruộng cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết đã giúp tôi hiểu biết cơ bản về các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa; cũng như các quy luật phát sinh dịch hại, mối tương quan giữa các yếu tố trong hệ sinh thái đồng ruộng”. Cũng theo ông Đáng, để xác nhận hiệu quả thực tế rõ ràng và chính xác hơn trong việc áp dụng quy trình canh tác lúa 3G3T, trong vụ Đông - Xuân sắp tới, ông sẽ thực hiện mô hình đối chứng tại đồng ruộng của gia đình, từ đó rút ra kinh nghiệm để ứng dụng kỹ thuật cho mỗi vụ đều có hiệu quả nhất.
Nông dân Phạm Văn Nghĩa cũng ở ấp Sóc Dong góp lời: “Tôi cũng vừa tham gia lớp tập huấn và áp dụng trên đồng ruộng trong vụ Hè - Thu năm nay và nhận thấy việc áp dụng mô hình 3G3T còn giúp nông dân bón phân đạm theo đúng nhu cầu dinh dưỡng của cây, không để thừa lượng phân, giúp nông dân tiết kiệm gần 2 triệu đồng/ha chi phí phân bón so với ruộng bón phân theo tập quán cũ. Đối với diện tích lúa áp dụng mô hình sẽ đạt năng suất cao hơn trước từ 10% - 15%; trong khi đó chi phí các loại đều giảm, lợi nhuận cao hơn trước từ 30% - 40%”.
Theo ý kiến của nhiều nông dân, hiện nay, các loại chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, xăng dầu; mặt khác, lâu nay người dân đã quen với cách sản xuất truyền thống, nặng về kinh nghiệm, như: sử dụng lúa thịt (lúa thương phẩm) làm giống, đốt đồng, bón phân thừa đạm, để ruộng lúa ngập nước thường xuyên, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật... nên khi áp dụng mô hình 3G3T đã góp phần nâng cao nhận thức của nông dân, qua đó bà con đã thay đổi được thói quen canh tác cũ.
Nông dân Phan Văn Lượng ở ấp Sóc Dong bộc bạch: “Sau khi tham quan các mô hình trình diễn tại địa phương và qua tìm hiểu quy trình canh tác lúa 3G3T, mật độ sạ lúa chỉ còn 8kg - 10kg giống/công, nhưng năng suất, hiệu quả vẫn đạt cao, chi phí giảm đáng kể. Do đó, vụ Đông - Xuân tới, với diện tích 1,5ha, tôi quyết định sẽ canh tác theo quy trình 3G3T. Tuy nhiên, do không có máy sạ hàng, tôi vẫn sạ lan theo kiểu truyền thống nên chỉ giảm giống còn 14kg lúa/công, so với trước thì sạ tới 25kg lúa/công”.
Cũng là hộ dân tham gia thực hiện mô hình trình diễn, ông Lưu Hoàng Mai ở ấp Đại Úi, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) hào hứng: “Với diện tích 2ha canh tác theo quy trình 3G3T, khi thu hoạch được 750kg/công, so với ruộng bà con xung quanh, năng suất tương đương nhưng lợi nhuận cao hơn do mình đã giảm chi phí giống, phân, thuốc”.
Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Hữu Tài cho biết: “Vụ lúa Đông - Xuân năm rồi, toàn xã có 3 mô hình trình diễn áp dụng 3G3T; đến vụ Hè - Thu tăng thêm 4 mô hình trình diễn. Nhờ thực hiện mô hình trình diễn tại nông hộ mà nông dân trên địa bàn xã có điều kiện tham quan và thấy được hiệu quả thực tế. Hiện nay, có nhiều người dân áp dụng theo mô hình này, trước kia sạ lúa từ 20kg - 25kg/công, giờ giảm còn 8kg - 14kg/công và cũng giảm được phân, thuốc”.
Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Tân (Thạnh Trị) Trần Quốc Quới, việc triển khai mô hình trình diễn này, người dân ở địa phương đều đồng ý trong việc giảm lượng giống, tuy nhiên, đối với việc giảm thuốc và phân thì khó thực hiện hơn do tình hình dịch bệnh ngày càng nhiều”. Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng: “Trong vụ lúa Đông - Xuân này, dự án nên mở 7 mô hình trình diễn ở mỗi ấp của xã Lâm Tân để bà con thấy được hiệu quả thực tế và từ đó mà làm theo”.
Theo Ban Quản lý dự án VnSAT-ST, để phát huy hiệu quả các hoạt động của dự án trong thời gian tới, đơn vị sẽ gấp rút triển khai kịp thời các đợt tập huấn 3G3T vụ lúa Đông - Xuân sắp tới. Đồng thời, sẽ triển khai các lớp tập huấn theo hướng tiểu vùng có 500 hộ/500ha để hướng tới thu hút cơ sở hạ tầng khi có từ 50% số hộ áp dụng; chọn ruộng thực hành và hộ phải đáp ứng tốt các điều kiện sản xuất; mở lớp đào tạo kỹ năng để hướng dẫn nông dân cho đội ngũ giảng viên…
Trong vụ Hè - Thu năm 2017, Ban Quản lý dự án VnSAT- ST đã tổ chức 156 lớp tập huấn 3G3T trong 6 ngày cho 5.073 nông hộ và 58 lớp đào tạo 3G3T trong 3 ngày cho 1.899 nông hộ. Cùng với đó, đơn vị còn xây dựng 20 mô hình trình diễn kỹ thuật canh tác lúa 3G3T với diện tích 40ha để nông dân tham quan, thực hành các thao tác hướng dẫn của quy trình theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Hiện tất cả các lớp đã bế giảng, nhiều mô hình trình diễn đã tổ chức hội thảo tổng kết và đã thu hút được rất đông bà con trong vùng đến dự, tham quan ruộng mô hình và cùng nhau trao đổi, học tập kỹ thuật canh tác lúa theo 3G3T.
Nguồn: http://baosoctrang.org.vn