Cách trồng nấm bào ngư đơn giản, cho năng suất cao
- Chủ nhật - 20/08/2017 09:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhu cầu thực phẩm sạch hiện nay đang là một đề tài được bàn luận rất sôi nổi. Đây là một nhu cầu rất thiết thực và có ý nghĩa khi mà có quá nhiều thực phẩm kém chất lượng đang được bày khắp các chợ kể cả siêu thị mà không được kiểm tra giám sát. Sau đây là cách trồng nấm bào ngư tại nhà giúp các bạn có nấm ngon mà không phải lo về chất lượng.
1/ Lựa chọn nguồn phôi nấm bào ngư
Đây là bước cơ bản trước khi chúng ta bước vào giai đoạn mang chúng về nhà chăm sóc và thu hoạch. Khi lựa chọn nguồn phôi nấm, bà con nông dân cần lưu ý những điều sau đây:
- Nguồn phôi nấm bào ngư đó phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo số phôi nấm không bị nhiễm dịch bệnh, có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt.
- Số phôi nấm phải được trải qua quá trình tiệt trùng trước khi đến tay người trồng nhằm đảm bảo chúng không bị nhiễm bệnh, nổi mốc,...
- Nấm bào ngư phải có tỉ lệ cho ra quả thể cao nhằm mang đến năng suất cao nhất.
Nếu thiếu các yếu tố trên thì phôi nấm mà chúng ta mua sẽ không đảm bảo được các yếu tố chất lượng và sản lượng nấm khi trưởng thành.
2/ Cách chăm sóc
Chăm sóc: Sau khi đem phôi về 7 ngày, tháo bỏ giấy báo mục đích là giúp nấm ra trên cổ và tạo được kích thước cũng như hình dạng của tai nấm đồng đều hơn. Khi nấm ra, ở giai đoạn này rất dễ ảnh hưởng do các điều kiện ngoại cảnh. Vì vậy, nhà trồng phải đáp ứng các điều kiện như sau: giữ ẩm tốt ở 70 - 85%, nhiệt độ là 28-36 độ C, thoáng và sạch sẽ.
Chú ý: Phải vệ sinh nhà thật sạch (dùng vôi bột hoặc nước vôi đã pha loãng rắc tưới đều nền nhà trồng) trước khi đưa phôi vào.
7 ngày đầu không tưới sau khi xếp bịch vào nhà trồng, nhưng sau 7 ngày (kể từ lúc tháo bao) thì nấm xuất hiện quả thể trên cổ túi. Khi đó, nấm rất cần nước, vì vậy vừa phun sương vừa tạo ẩm môi trường xung quanh (nước nền 2-3 lần trong ngày). Từ lúc ra đinh ghim đến lúc thu hái là 4 ngày (khi mũ nấm từ màu xám sang trắng xám).
Nước tưới nấm phải sạch, không phèn, không chứa chất độc hại nấm và nên tưới phun sương thật mịn. Tưới nước nhiều hay ít tùy theo ẩm độ không khí của nhà nuôi nấm. Bình quân 3 lần/ ngày, nếu khô thì từ 4 - 6 lần/ ngày.
3/ Cách tưới nước
Nước có độ pH là 6.5 - 7.5 là tốt nhất.
Không tưới thẳng lên bịch phôi mà phun xịt tạo mưa nhẹ rơi từ trên xuống, tưới ướt các vách, nền nhà để tạo độ ẩm không khí cần thiết cho nhà trồng nấm. Tùy theo thời tiết mà tưới nhiều hay ít để tạo ẩm cho nhà trồng nấm, mỗi ngày tưới 2 - 4 lần (khi mưa dầm ẩm ướt, không cần tưới). Lưu ý với cách trồng nấm bào ngư là không để giọt nước bắn thẳng vào nụ nấm mà làm hư hỏng nó và biến dạng tai nấm.
Tưới nước dạng phun sương, lượng nước ít (phun sương hạt mịn) nhưng kéo dài thời gian tưới sao cho nhìn bề mặt mũ nấm có lớp nước đọng lại.
Trung bình ngày tưới 3-6 lần.
Trong thời gian này nấm rất cần độ ẩm: nếu thiếu nước, nấm sẽ cằn cỗi, ăn rất dai. Nếu tưới nhiều nước, nấm sẽ có màu vàng.
4/ Cách hái nấm
Nấm mọc tập trung thành cụm nên khi nấm đủ lớn cần hái cả cụm (trong cụm nấm có 2-3 tai lớn).
Dùng tay nắm lấy phần cuống nấm kéo nhẹ và lấy hết cả chân nấm. Khi hái xong phải quan sát và thu hết những chân nấm còn sót lại bên trong cổ túi phôi.
Sau khi thu hái nấm, vệ sinh thu hết những phần chân nấm còn lại. Dùng nắp nhựa đậy ở đầu bịch phôi sau 7 - 10 ngày thì mở nắp để thu tiếp tục.
Sau đó, tiếp tục chăm sóc như lúc ban đầu và cứ như vậy lặp lại từ 5-10 lần là kết thúc quá trình thu hái. Mỗi đợt cách nhau 15 - 25 ngày.
5/ Bảo quản sau thu hoạch
Lưu ý: Muốn bảo quản nấm tốt nhất nên thu hái sau khi tưới nước ít nhất là 3 giờ, để tai nấm khô ráo không bị ướt.
Hái nấm xong dùng dao cắt sạch phần chân nấm (không còn màu vàng), cho vào túi buộc kín miện túi. Nếu muốn bảo quản lâu phải cho túi nấm vào phòng mát hạ nhiệt độ xuống 16 - 18 độ C.
Phơi hoặc sấy khô: dùng tay xé nhỏ nấm theo chiều dọc. Phơi nấm dưới ánh nắng 1 ngày, đem sấy ở nhiệt độ 40 - 45 độ C trong vài giờ đầu, khi nấm đã se khô nâng nhiệt độ lên tối đa 50 - 55 độ C. Cho vào túi nilon kín để bảo quản.
Một vài lưu ý
Để việc trồng nấm được dễ dàng và hiệu quả, bạn lưu ý những thông tin sau nhé:
- Trước khi trồng nấm tại nhà, bạn cần vệ sinh nơi bạn dự định sẽ đặt nấm để diệt các bào tử (mầm) mốc xanh, mốc đen... gây hại cho bịch nấm của bạn. Các loại bào tử mốc này có khắp mọi nơi, gặp điều kiện thuận lợi sẽ mọc và gây hại, nhất là phôi nấm của bạn. Do đó, trước khi trồng nấm bạn cần vệ sinh khu vực trồng bằng cách rắc vôi bột hoặc dùng nước xà phòng loãng dội rửa vị trí dự định đặt nấm, để yên trong 15 phút sau đó dội lại bằng nước sạch và để khô rồi mới đặt nấm vào.
- Trong khi trồng nấm tại nhà, nếu bạn phát hiện bịch nấm mình bị nhiễm mốc xanh/ cam/ đen thì bạn cần cách ly chúng, cạo bỏ phần bị mốc, ngừng tưới nước và đem phơi nắng chúng từ 8-10 giờ. Sau đó chọn một khu vực xa nhà trồng để tưới và tận dụng để thu hoạch phần nấm còn lại. Nếu như phôi nấm của bạn đã bị nhiễm mốc xanh, mốc đen quá nhiều thì bạn nên cách ly các bịch phôi này ngay và cho chúng vào túi nylon kín và đem tiêu hủy (bỏ rác hay đốt).
- Nấm bào ngư là loại nấm có sức sống rất mạnh, tuy nhiên chúng lại rất nhạy cảm với môi trường như nhiệt độ lên xuống đột ngột cũng có thể làm nấm ngừng tăng trưởng, không mọc hoặc héo nhũn. Nơi trồng nấm nếu gần khu chăn nuôi gia súc hay gần nguồn ô nhiễm, hoặc nguồn nước tưới nấm bị phèn, bị mặn cũng làm giảm sức sống của tơ nấm nên lúc này phôi dễ bị các loại nấm bệnh xâm nhập. Để khắc phục tình trạng này bạn phải kiểm tra kỹ nguồn nước tưới, nhiệt độ của nhà trồng, quản lý thật tốt vệ sinh khu vực trồng nấm cũng như thường xuyên kiểm tra nấm bệnh để kịp thời phát hiện và xử lý những phôi nhiễm bệnh.
Nấm bào ngư là một trong những loại nấm dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, chế biến được nhiều món ăn ngon nên có thể trồng quanh năm. Cách trồng nấm bào ngư này không phải là một mô hình mới nhưng là giải pháp mới cho những ai muốn thực hiện giấc mơ trồng rau sạch cho gia đình.