Cần thay đổi tư duy sản xuất
- Thứ hai - 23/10/2017 07:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tư duy theo kiểu mới
TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, điểm khác giữa tư duy cũ và mới là làm sao nhấn mạnh vào kinh tế nông nghiệp hơn là sản xuất nông nghiệp. Tư duy theo kiểu mới là nông dân khi sản xuất phải tính đến chuyện gắn với thị trường, phải tìm hiểu thị trường đang cần gì: sản phẩm gì, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng như thế nào, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã sao cho phù hợp. Từ đó, nông dân bố trí sản xuất cho phù hợp theo yêu cầu. Sản xuất phải quy mô, gắn với tiêu thụ thông qua kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp…
Tư duy sản xuất nông nghiệp được nhận định đang là “điểm nghẽn”, “lực cản” trong phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương thời gian qua. Thấy được vấn đề này, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, từ cấp lãnh đạo đến doanh nghiệp và nông dân đang trong quá trình chuyển đổi tư duy này sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp.
Gắn với dịch vụ - du lịch
Về yêu cầu chuyển đổi tư duy đến hành động trong nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết, tỉnh đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bàn sâu về vấn đề này. Cụ thể, tỉnh đã xin dự án đầu tư vùng sản xuất phía Nam các xã thuộc huyện Chợ Lách theo hướng điều chỉnh lại để người dân trong xã biết trồng loại cây nào, trồng theo một mùa chứ không xoay nghịch vụ vào các tháng trong năm. Ví dụ, đối với trái chôm chôm, tới đây nên sản xuất theo một mùa và khai thác phát triển du lịch. Các dịch vụ kéo theo trong suốt thời gian từ khi có trái đến khi thu hoạch.
Trước mắt, tỉnh sẽ triển khai thực hiện đối với cây dừa và cây chôm chôm. Sản xuất một mùa để tận dụng lợi thế phát triển du lịch, lễ hội, ẩm thực, homestay. Nông dân có thể bán sản phẩm nông nghiệp tại vườn cho khách du lịch. Đồng thời, gián tiếp đưa trái chôm chôm đi xa hoặc xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường. Đi liền với việc làm này, không chỉ kiếm thu nhập từ cây chôm chôm mà quan trọng là thu nhập gia tăng ở các dịch vụ khác. Khả năng trong một tháng thu hoạch trái chôm chôm, người dân có thể sinh sống trong một năm bằng chính mảnh vườn của mình.
Với cây dừa, phải tiến tới liên kết những hộ trồng dừa nhỏ lẻ lại. Không chỉ tập trung vào trồng dừa, người dân phải làm cho vườn dừa sạch đẹp, hấp dẫn, khai thác được vẻ đẹp tự nhiên, phát triển những dịch vụ trải nghiệm. Có như thế sẽ khắc phục tình trạng loay hoay làm sao để bán được trái dừa. Đây chính là đáp án cho bài toán khó đang đặt ra, làm sao để người trồng dừa sống được bằng chính vườn dừa của mình? Thực tế cho thấy, nếu chỉ dựa vào bán trái dừa thì người trồng dừa thu nhập không cao.
“Nông nghiệp bây giờ đối với tỉnh phải là nông nghiệp vùng và kéo theo các dịch vụ khác chứ không chỉ dựa vào một nguồn thu nhập là bán sản phẩm nông nghiệp thô như trước đây” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng nhấn mạnh.