Chăm sóc tôm nuôi trong điều kiện mưa trái mùa
- Thứ ba - 02/05/2017 23:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Cà Mau, nhiệt độ không khí đang ở mức 36oC, vào những ngày ít gió nhiệt độ tăng trên 36oC. Khi có những cơn mưa trái mùa, nhiệt độ sẽ giảm đột ngột, lượng phèn trên bờ ao ở những ao đất theo nước tràn xuống ao nuôi và còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến môi trường nước gây tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển cho tôm nuôi.
Ông Phạm Văn Hoàng, Giám đốc HTX Hoà Mỹ, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, cho biết: “Do ảnh hưởng của những cơn mưa vừa qua, trong HTX có vài ao nuôi tôm 1 tháng tuổi bị thiệt hại, còn sự phát triển của tôm khoảng 2 tháng tuổi cũng bị ảnh hưởng”.
Ông Chiêm Văn Ngọc, Tổ hợp tác Thống Nhất, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, lo lắng: “Các tổ viên rất lo tôm nuôi bị tác động xấu do mưa trái mùa. Để đảm bảo cho tôm phát triển an toàn đến khi thu hoạch, bà con thống nhất là mỗi hộ mới thả tôm bớt 1 mô-tơ, ưu tiên cho những ao tôm lớn nhưng phải đảm bảo lượng ôxy cung cấp cho tôm nuôi, tránh hiện tượng phân tầng nước sau mưa…”.
Bên cạnh những cơn mưa trái mùa, sự cộng hưởng các yếu tố nhiệt độ tăng cao vào ban ngày, xuống thấp vào ban đêm, sự chênh lệnh nhiệt độ trong khoảng thời gian ngắn khi xuất hiện những cơn mưa cùng với sự tăng diện tích nuôi dẫn đến tình trạng nguồn điện cung cấp cho tôm nuôi thiếu. Đây là một trong những khó khăn mà người nuôi tôm đang gặp phải, nhất là những hộ có tôm nuôi đang vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.
Đối với những ao nuôi lót bạt, người nuôi tôm áp dụng giải pháp an toàn nhất đảm bảo cho sự phát triển của tôm. Ông Phạm Quang Hà, ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, cho biết: “Để bảo vệ tôm trước thời tiết mưa, nắng thất thường như hiện nay thì tôi trộn bổ sung vào thức ăn cho tôm hằng ngày các loại thuốc dinh dưỡng như: men vi sinh đường ruột, vitamin C, vitamin tổng hợp…, đặt biệt là Beta-glucan để tăng sức đề kháng là rất cần thiết cho tôm nuôi”.
Theo như nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau, nắng nóng sẽ còn diễn ra trên diện rộng, sẽ xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa và dông vào thời điểm chiều tối. Do đó, trước khi có mưa, người nuôi tôm cần bón vôi trên bờ; chạy quạt suốt trong thời gian mưa; giảm lượng thức ăn hoặc ngưng cho ăn nếu sắp mưa.
Sau mưa nên kiểm tra các yếu tố môi trường nước, đặc biệt là pH và độ kiềm để điều chỉnh về ngưỡng thích hợp. Đồng thời cần thường xuyên theo dõi thời tiết để chủ động hơn trong việc dự trữ thuốc, hoá chất phục vụ cho việc quản lý môi trường ao nuôi giúp tôm phát triển tốt đến khi thu hoạch./.