Chăm sóc tốt bưởi thời kỳ ra hoa - đậu quả để có vụ mùa bội thu

Chăm sóc tốt bưởi thời kỳ ra hoa - đậu quả để có vụ mùa bội thu
Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.300ha vườn bưởi (trong đó, bưởi Đoan Hùng 1.400ha; bưởi Diễn 2.700ha). Năm 2019, sản lượng bưởi đạt 32.600 tấn, tăng 36,1% so với năm 2018. Hiện nay đa số các vườn bưởi đang trong giai đoạn phát triển nụ, một số vườn bưởi ít năm tuổi cũng đã bắt đầu nở hoa, giống bưởi da xanh phát triển sớm hơn đã bắt đầu nở hoa rộ. Để có được vụ bưởi năng suất, chất lượng thì việc chăm sóc bưởi ở giai đoạn ra hoa - đậu quả có vai trò quan trọng.
 

bu-i-1.gif
Bà Nguyễn Thị Tâm ở khu 2, xã Vân Đồn (huyện Đoan Hùng) đang thụ phấn cho hoa bưởi
Những ngày này, gia đình bà Nguyễn Thị Tâm ở khu 2, xã Vân Đồn (huyện Đoan Hùng) đang tập trung thụ phấn cho hoa bưởi. Với kinh nghiệm trồng bưởi Diễn lâu năm, bà Tâm cho biết: Gia đình tôi hiện có 120 gốc bưởi Diễn cho thu hoạch đã 10 năm, với sản lượng đạt trên 8.000 quả/vụ. Cây bưởi Diễn là cây dễ nhiễm các loại sâu bệnh như sâu vẽ bùa, nhện đỏ, xì mủ chảy gôm, loét. Nếu không có biện pháp phòng trừ tích cực thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây bưởi. Đặc biệt, thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 là thời điểm bưởi ra hoa rộ, do vậy ngoài việc thụ phấn tự nhiên thì gia đình tôi phải tranh thủ thời gian để thụ phấn nhân tạo cho hoa. Thời gian thụ phấn từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều, tốt nhất từ 9 - 10 giờ sáng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng cho biết: Là huyện có diện tích bưởi đặc sản và bưởi Diễn lớn nhất tỉnh với trên 2.400ha - đây cũng là loại cây làm giàu cho người dân Đoan Hùng. Việc chăm sóc cây sau thu hoạch và thời kỳ ra hoa - đậu quả quyết định đến năng suất cây trồng. Công việc này đòi hỏi người trồng không chỉ biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn phải vận dụng cả những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế để có mùa bưởi năng suất cao.
Hiện nay thời tiết đang ấm dần lên, độ ẩm đất đảm bảo các vườn bưởi đang ra hoa nở rộ. Để có một mùa quả bội thu người nông dân cần duy trì đủ độ ẩm đất để lộc, hoa phát triển tốt, nếu khô hạn thì cần tưới nước từ 7 - 10 ngày/lần, đặc biệt là giai đoạn cây đang ra hoa rộ và đậu quả non. Để có lộc tốt, hoa tốt, tăng được khả năng đậu quả cần cung cấp dinh dưỡng cho cây đầy đủ bằng cách bón thúc lộc, nuôi hoa bằng phân tổng hợp NPK16.8.16 với lượng 2 - 3 lạng/cây kết hợp với phân Canxi-bo loại bón qua gốc với lượng 1kg/15 cây (tương đương 25kg/ha). Phân bón cần được lấp kín nhưng không làm ảnh hưởng đến bộ rễ để cây có thể hút dinh dưỡng tốt nhất. Tuyệt đối không được cuốc, xới sâu làm đứt rễ, bà con có thể dùng xà beng chọc từ 4 - 5 lỗ quanh hình chiếu của tán cây rồi bỏ phân vào lỗ. Trước khi hoa nở, sau khi tàn hết hoa và giai đoạn quả nhỏ có thể dùng một số loại phân qua lá như Atonic, Pomior, Botrac… để bổ sung thêm dinh dưỡng làm tăng khả năng đậu quả, hạn chế rụng quả non. Vào tháng 4 tiến hành bón thúc quả với lượng 1,5kg NPK12.5.10/cây. Bón xong tưới đẫm nước, dùng rơm rạ rải đều trong tán, cách gốc cây 40 - 45cm.
-DSC7809.gif
Người trồng bưởi dùng bút lông nhỏ lấy phấn từ hoa bưởi chua, bưởi Diễn quét lên nhuỵ hoa bưởi Đoan Hùng
Khi hoa nở cần tiến hành thụ phấn bổ sung để tăng tỷ lệ thụ, đặc biệt là đối với bưởi đặc sản Đoan Hùng. Sử dụng phấn của những bông hoa khỏe, mới nở của bưởi chua, bưởi Diễn để thụ phấn cho hoa bưởi Đoan Hùng. Thời gian thụ phấn tốt nhất từ 8 - 10 giờ và 14 - 16 giờ. Ngoài ra, trong quá trình hoa nở, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa ẩm nhiều cần thường xuyên rung cành hoa để làm rơi những cánh hoa đã nở không bị bết lại gây ra thối, rụng quả.
Khi cây ra lộc, ra hoa cần chú ý đến phòng trừ một số đối tượng sâu hại như sâu vẽ bùa, rầy mềm, bọ trĩ, bệnh thán thư... để đảm bảo sâu bệnh không gây hại trong giai đoạn hoa nở, vì khi hoa nở nếu phun thuốc sẽ làm giảm khả năng thụ phấn rất lớn. Sau khi hoa tàn, đậu quả chú ý phòng trừ đến rầy, rệp các loại, bọ trĩ, nhện, bệnh thán thư, bệnh chảy gôm, xì mủ... Khi sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn này cần phun đúng nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn. Phun quá nồng độ, liều lượng dễ gây ra vết thương trên các bộ phận non, thậm chí có thể gây rụng hoa, rụng quả non.
Theo ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn rộng rãi các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho bưởi trong thời kỳ ra hoa - đậu quả một cách cụ thể, khoa học. Do vậy, các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt cũng như chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh hại cho bưởi. Lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, người trồng phải đọc kỹ hướng dẫn in trên bao bì, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách) để phát huy tối đa hiệu quả của thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trên sẽ tạo điều kiện cho cây bưởi sinh trưởng, ra hoa - đậu quả cho vụ bưởi năng suất, chất lượng tốt.
Liên Linh/phutho.gov.vn