Chọn giống cà chua triển vọng

Chọn giống cà chua triển vọng
Cà chua là loại cây trồng được nhiều nông dân (ND) quan tâm vì chủng loại đa dạng và có thị trường tiêu thụ. Việc trồng giống cà chua mới với công nghệ sản xuất hiện đại, cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao trở nên cần thiết, tạo ra nông sản an toàn, phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp (NN) theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC) của tỉnh.

Đầu năm 2017, KS Phạm Thị Thảo Nguyên (Trạm Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật TP. Châu Đốc) đã thực hiện đề tài “Đánh giá tính thích nghi một số giống cà chua gốc ghép tại TP. Châu Đốc”. Kinh phí thực hiện đề tài trên 100 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học hỗ trợ 50 triệu đồng, còn lại do ND đối ứng. Theo đó, đề tài xây dựng mô hình trồng cà chua gốc ghép năng suất cao trong nhà màng với kỹ thuật trồng cà chua bán thủy canh. Kết quả sẽ tạo ra giống cà chua có triển vọng, đạt năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế và thích nghi với điều kiện tại TP. Châu Đốc. Đây còn là điểm để ND tham quan, học tập cũng như tiếp cận sản xuất NN CNC tại TP. Châu Đốc.

Theo KS Nguyên, cà chua là loại rau ăn quả có giá trị kinh tế, đặc biệt trong việc luân canh tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng thì đây là loại cây trồng được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua, việc canh tác cà chua ở các địa phương cũng như ở TP. Châu Đốc chưa phát triển mạnh vì còn nhiều trở ngại. “Cà chua trồng ngoài ruộng, bên cạnh việc chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết, còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là bệnh héo tươi do vi khuẩn ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và gây thiệt hại cho người sản xuất” - KS Nguyên phân tích. Bên cạnh đó, ND canh tác theo tập quán truyền thống nên rất dễ tồn dư hóa chất trong nông sản, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, gây ô nhiễm môi trường. “Đề tài thành công sẽ giúp ND canh tác cà chua tăng thêm giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất, đạt giá trị kinh tế cao với những cây trồng phù hợp, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng” - KS Nguyên giải thích.

Đề tài chọn hộ ông Hồ Tấn Phong (Tổ sản xuất rau củ an toàn Tuấn Phong, khóm Châu Long 3, phường Châu Phú B) thực hiện xây dựng mô hình với diện tích 240m2, với các giống cà chua: A Châu, VA.125 và NH-3426, Savior. Theo đó, 4 giống cà chua được trồng trong nhà màng có mái vòm, vách bằng lưới trắng bao phủ để thoáng gió và tránh côn trùng. Đồng thời, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước và giúp kiểm soát dinh dưỡng chặt chẽ. “Kỹ thuật trồng cà chua bán thủy canh trên giá thể, tưới với hệ thống nhỏ giọt cải tiến. Bên cạnh đó, giá thể trồng cà chua được trộn từ hỗn hợp phân hữu cơ ủ oai, sơ dừa, tro trấu, nấm Trichoderma, trấu sống, phân hữu cơ vi sinh, phân lân. Nhờ vậy, sẽ giúp cà chua bảo quản được lâu hơn so với bình thường, rất an toàn” - KS Nguyên cho biết thêm.

Theo đó, cả 3 giống A Châu, VA.125 và Savior sinh trưởng tốt trong điều kiện nhà màng, kỹ thuật trồng cà ghép bán thủy canh, tỷ lệ nhiễm bệnh rất thấp. Với giống NH-3426 phát triển chiều cao và năng suất thấp nhất (2,6 tấn/1.000m2). Hai giống cà chua A Châu và VA.125 có chiều cao, số lá nhiều nhất và cho năng suất cao (6,2 và 4,7 tấn/1.000m2). Cả 2 giống này được thị trường ưa chuộng, giá bán cao (trung bình 40.000 đồng/kg), ổn định, đồng thời rất có triển vọng phát triển, chất lượng trái đồng đều, ít bệnh hại. “Ở TP. Châu Đốc chỉ có hộ chú Phong trồng cà chua trong nhà màng và áp dụng kỹ thuật ghép cà cũng như trồng cà bán thủy canh trên giá thể, tưới nhỏ giọt. Ngoài ra, chú Phong còn cung cấp cây giống ghép cho ND xung quanh nhưng chỉ mới sử dụng giống Savior làm ngọn ghép. Sắp tới, chú Phong sẽ chọn 1 trong 2 giống thành công của đề tài để trồng” - KS Nguyên chia sẻ.

Nguồn: http://baoangiang.com.vn