Chuỗi liên kết phân phối trong chăn nuôi: Để thực hiện không như “hái sao trên trời”
- Thứ hai - 15/08/2016 03:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiệu quả rõ rệt
Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm, từ khâu sản xuất đến thị trường được coi là một trong những nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Trong bối cảnh hội nhập sâu, đặc biệt là TPP với nhiều cơ hội tự do thương mại, kèm theo là các yêu cầu khắt khe sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao, an toàn sẽ chiếm ưu thế trên thị trường. Do đó, xu thế tất yếu của ngành chăn nuôi Việt Nam là phải đẩy nhanh liên kết để phát triển và hội nhập.
Mô hình chuỗi liên kết giúp ổn định đầu ra cho các trang trại chăn nuôi - Ảnh: Phạm Thế Duyệt
Dù thực hiện chưa nhiều nhưng một số mô hình triển khai liên kết đã cho thấy những kết quả rõ rệt. Chương trình hợp tác thương mại giữa Sở Công thương TP. HCM và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ qua 5 năm đã có gần 1.350 hợp đồng cung cấp, tiêu thụ sản phẩm giữa thành phố với các địa phương đã được ký kết, giao thương hai chiều đạt hơn 22.100 tỷ đồng. Thông qua đây, mô hình liên kết chuỗi phân phối và tiêu thụ đã đem lại hiệu quả, được chứng minh trong thực tế thông qua những mô hình như Công ty San Hà - HTX Gò Công (tiêu thụ 1.500 con gà/ngày), Công ty Ba Huân và các trại chăn nuôi gia cầm, cơ sở chăn nuôi gà tre Hương Việt ở Chợ Gạo (Tiền Giang)… Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, qua việc tham gia vào chuỗi liên kết, đã có những đơn hàng mới mở ra, nguồn cung và nguồn cầu tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, cam kết hợp tác giữa những bên liên quan cũng góp phần giúp ổn định đầu vào cả số lượng và chất lượng.
Còn “khiêm tốn”
Mặc dù việc liên kết cho thấy hiệu quả rõ rệt, khác biệt nhưng sự tham gia của các đơn vị cũng chưa nhiều. Điển hình tại Hà Nội, toàn thành phố có 21 chuỗi liên kết về chăn nuôi với tổng sản lượng khoảng 4.500 tấn thịt, 140 triệu quả trứng, 29.000 tấn sữa tươi. Nhưng, phần lớn lượng sản phẩm này được tập trung tại các chợ đầu mối, tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể. Sự liên kết giữa cơ sở sản xuất với doanh nghiệp phân phối thực phẩm an toàn còn thiếu nên giá bán chưa cao và thiếu bền vững.
Dù biết lợi ích và hiệu quả lâu dài của việc tham gia liên kết nhưng để làm được việc này, cần có những cam kết rõ ràng, chặt chẽ của các bên tham gia. Phải có “chủ toạ” chủ trì, kết nối các mắt xích tham gia, tạo thành phong trào “xã hội hóa”, khiến các bên không “lẻ loi” thực hiện. Chia sẻ về vấn đề này, một số doanh nghiệp cho biết, tham gia chuỗi liên kết, không phải cơ sở sản xuất, trang trại nào cũng đáp ứng đủ tiêu chí về chất lượng, số lượng sản phẩm của doanh nghiệp, bởi việc này đòi hỏi những yêu cầu chuyên nghiệp của đối tác.
Hợp tác “keo sơn”
Giải pháp đưa ra để tăng thu nhập cho người chăn nuôi, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng và an toàn, cần xây dựng và tổ chức theo từng chuỗi giá trị, đã có “kim chỉ nam” trong đường lối thực hiện. Tuy nhiên, khi thực hiện, cần có sự tư vấn và giám sát từ khâu đầu vào sản xuất, giết mổ, tới khâu vạn chuyển, bảo quản, đóng gói và phân phối, có chiến lược quảng bá nhằm khai thác lợi thế của sản phẩm, tuyên truyền sâu rộng và nhân rộng hiệu ứng từ những mô hình điểm để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Nhìn rộng ra, việc tăng cường liên kết giữa cơ sở sản xuất với đơn vị kinh doanh nói chung không chỉ giúp doanh nghiệp đến gần hơn với người sản xuất mà còn góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn khép kín, chủ động kiểm soát. Tuy nhiên, để làm được việc này, cần phải có sự hợp tác bền chặt để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Cơ quan quản lý cần đề nghị các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối bắt tay chặt chẽ với nhau, giám sát việc xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm làm cầu nối để kết nối các cơ sở sản xuất và lưu thông. Đối với người nông dân tham gia, cần thực hiện theo hình thức sản xuất tập trung, sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo được kết nối tiêu thụ ổn định về số lượng về giá cả…
>> Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Cục sẽ tham mưu cho Bộ NN&PTNT sớm ban hành chính sách về xây dựng và phát triển các chuỗi. Ngoài ra, cần có chính sách vay vốn ưu đãi cho các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp, cá nhân tham gia xây dựng và phát triển chuỗi; mở rộng các chuỗi liên kết, khuyến khích người chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng sinh học…