Chuyển đổi cây trồng để “sống chung” với hạn

Chuyển đổi cây trồng để “sống chung” với hạn
Thời tiết miền Trung ngày càng khắc nghiệt, khô hạn không chỉ ở vùng “chảo lửa” mà tại tất cả các tỉnh thành. Việc chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây sử dụng ít nước là bài toán cấp thiết.

Những năm vừa qua, sản xuất nông nghiệp ở Bình Định thường xuyên bị hạn hán kéo dài gây thiệt hại. Trước bối cảnh này, ngoài việc tiết kiệm nguồn nước tưới và có kế hoạch tưới hợp lý, Bình Định còn “tăng tốc” thực hiện chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác cây trồng cạn. Đây là giải pháp căn cơ để sản xuất vừa có thể “chung sống” với hạn hán, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế canh tác trên cùng diện tích.

Đồng thuận

Nhiều địa phương trên địa bàn Bình Định đã vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích lúa thiếu nước sang canh tác các loại cây trồng cạn như lạc (đậu phụng), ngô (bắp), vừng (mè) hoặc rau màu các loại. Công cuộc chuyển đổi này đã mang lại hiệu quả trông thấy khiến nông dân đồng thuận.

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, sau 5 năm triển khai công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tính đến nay Bình Định đã chuyển đổi khoảng 5.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn vừa ít cần nước tưới hơn lúa, vừa có hiệu quả kinh tế cao như ngô, lạc, vừng.

“Bình Định có chủ trương, chính sách chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, phát triển vùng SX các loại cây trồng tập trung, có lợi thể cạnh tranh như lúa giống, ngô, lạc, rau màu... gắn với hình thức cánh đồng mẫu lớn, phát triển liên kết chuỗi từ SX đến tiêu thụ”, ông Châu cho hay.

Trồng ngô lai trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao tại phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định).

Ngoài chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, nông dân Bình Định còn chuyển đổi từ các loại cây trồng cho hiệu quả kém sang trồng các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ví như nông dân huyện Phù Cát đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1.000ha đất trồng sắn (mì)kém hiệu quả sang trồng lạc, dưa, ớt.

Hơn ai hết, nông dân thấy rất rõ hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi cây trồng. Sau khi tính toán chi li, chính họ đưa ra những con số đầy lợi ích. Ví như canh tác 1ha ngô lai họ chi phí hơn 27,5 triệu/vụ, nhưng có tổng doanh thu 39 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng gần 11,5 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi đó làm cây lúa có chi phí hơn 22,1 triệu đồng/ha/vụ, tổng doanh thu 27,5 triệu đồng, mức lãi ròng chỉ đạt gần 5,4 triệu đồng.

Hoặc như trồng lạc có chi phí SX hơn 33 triệu đồng/ha/vụ, tổng doanh thu gần 49,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng gần 16,4 triệu đồng/ha. Trong khi đó làm lúa chỉ lãi gần 5,4 triệu/đồng/vụ. Rõ ràng hiệu quả từ SX lạc cao hơn SX lúa là 11.000.000 đồng/ha/vụ.

“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây màu trên đất lúa được thực hiện trên cơ sở có quy hoạch cụ thể theo vùng, gắn với triển khai các giải pháp mùa vụ, cơ cấu cây trồng, công thức luân canh hiệu quả, phù hợp với từng chân đất, tập quán canh tác nên đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, bước đầu hình thành các vùng SX nông sản tập trung gắn với liên kết chuỗi từ SX đến tiêu thụ. Việc chuyển đổi đã làm tăng hiệu quả SX nên nông dân rất đồng thuận”, ông Trần Châu khẳng định.

Trồng rau thu nhập cao hơn lúa.

Giải pháp đối phó với hạn hán

Công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bình Định không những làm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích mà còn là giải pháp để ứng phó với thời tiết ngày càng cực đoan dẫn tới hạn hán kéo dài.

Ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn), trong những năm qua địa phương này đã tích cực vận động nông dân các thôn Thuận Nhứt, Thuận Truyền, Thuận Hiệp, Thuận Hạnh chuyển những diện tích canh tác cây lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn ít cần nước tưới với diện tích 40ha/vụ.

Cùng với Bình Thuận, các xã Bình Tân, Bình Hòa, Bình Nghi (huyện Tây Sơn) cũng chuyển đổi thành công nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Chị Mai Thị Mỹ Lệ, một người trồng rau ở xã Bình Tân, phấn khởi cho biết: “Chúng tôi chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng bầu, mướp, dưa leo, khổ qua, ớt...”.

Trồng đậu xanh hiệu quả cao.

Đến nay, huyện Tây Sơn đã chuyển đổi được gần 150ha đất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn khác như bắp, mè, dưa, rau các loại. Trên các diện tích đã chuyển đổi, bình quân mỗi năm nông dân thu lãi 30 - 40 triệu đồng/ha, có nơi lên đến 60 - 70 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa.

Ông Hồ Thành Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, quy hoạch những diện tích cần chuyển đổi; tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng phù hợp với yêu cầu; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.

Xây dựng một số mô hình như: Vùng nguyên liệu đậu xanh phục vụ hoạt động chế biến một số đặc sản của huyện, mở rộng vùng rau an toàn, trồng cỏ, trồng bắp làm thức ăn chăn nuôi. Không chỉ làm tăng thu nhập cho nông dân, việc chuyển đổi cây trồng còn là giải pháp tiết kiệm nước tưới trong điều kiện nắng nóng kéo dài”.

“Đối với cây màu chỉ cần tưới đủ độ ẩm để cây trồng phát triển, chu kỳ tưới cũng cách xa hơn so với tưới cây lúa, nắng nóng gay gắt thì 5 - 7 ngày tưới 1 lần, ít nắng nóng thì 10 - 15 ngày tưới 1 lần. Trong vụ hè thu bình quân 1ha lúa cần phải tưới 10.000m3 nước, trong khi đó cây màu chỉ cần tưới 5.000m3, vị chi trồng các loại cây màu sẽ giảm được 50% lượng nước tưới so với cây lúa”, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định nói.

Theo VŨ ĐÌNH THUNG/nongnghiep.vn