Đệm lót tốt cho gà con

Đệm lót tốt là phải khô, sạch, tơi, có khả năng hút ẩm, không bụi, không gây độc, không gây hại cho sức khỏe gà con.

 

Hỏi: Đệm lót cho gà con như thế nào là tốt?

Trả lời: Đệm lót tốt là phải khô, sạch, tơi, có khả năng hút ẩm, không bụi, không gây độc, không gây hại cho sức khỏe gà con.

Phoi bào là sản phẩm phụ do bào gỗ mà có hoặc do công nghệ chế biến gỗ tạp lấy phoi bào làm sản phẩm chính, khi phơi khô, sử dụng cho gà con rất tốt, hạn chế được những nhược điểm của trấu. Không dùng phoi bào của loại gỗ có thể gây độc (xoan, lim...).

Với gà con, nhất là giai đoạn úm, nên sử dụng phoi bào làm đệm lót; nếu không đủ phoi bào dùng toàn bộ cho đàn gà thì có thể dùng trấu đã xử lý (khô, sạch, khử trùng) trải xuống dưới (khoảng 6 - 7cm chiều dày), sau đó trải 1 lớp phoi bào lên trên (khoảng 3 - 4cm).


Hỏi: Khi chọn nguyên liệu làm đệm lót cho gà con cần chú ý gì?

Trả lời: Trấu là vật liệu dễ mua, giá rẻ nhưng khi sử dụng làm đệm lót cho gà con có nhiều nhược điểm như:

Nhiều bụi bẩn, nhất là khi lúa bị lụt, bị đổ, thóc dính bùn đất khi sử dụng để làm tổn thương đường hô hấp (đầu tiên làm viêm túi khí, sau đó là bệnh kế phát).

Nhiều đầu trấu sắc, nhọn, sử dụng không đúng, gà bới, bắn trấu vào khay thức ăn hoặc dính chân gà vào khay thức ăn, làm gà con ăn nhầm, gây tổn thương đường tiêu hóa, dễ mắc bệnh kế phát.

Đệm lót không được phơi khô, không khử trùng, dễ bị mốc, các độc tố nấm mốc (đặc biệt độc tố Aflatoxin) có thể gây hại sức khỏe, gây bệnh nấm phổi và thậm chí gây chết gà con.

Đệm lót là trấu mua/lấy từ các nhà dân làm thêm nghề xay xát, có thể nhiễm mầm bệnh từ chất thải của gà tại nhà xay xát hoặc hàng xóm, nếu không được xử lý đúng, mang về bổ sung, dùng ngay cho đàn gà nhà mình thì vô tình đã mang mầm bệnh từ ngoài vào cho đàn gà.


Hỏi: Tôi mới nuôi gà lứa đầu nên xin chuyên gia hãy cho biết cách phát hiện sớm đàn gà bị bệnh?

Trả lời: Quan sát (nhìn) toàn đàn: Trạng thái, hoạt động, cách ăn uống, phân, biểu hiện bệnh, trứng đẻ ra có bị bị méo mó, dị hình, vỏ sần sùi, vỏ mỏng hoặc không có vỏ cứng…; đặc biệt chú ý gà trống xem có biểu hiện bất thường không.

- Phát hiện mùi (ngửi): Nếu đàn gà có bệnh thường có mùi tanh, hôi…

- Phát hiện âm thanh (nghe): Tiếng thở của gà có bất thường không (hen rít, khẹc khẹc…).


Hỏi: Xin cho biết các bước thực hiện vệ sinh, khử trùng chuồng trại gà bố mẹ?

Trả lời: Bước 1, chuyển hết toàn bộ gà (nếu có) ra khỏi khu vực cần vệ sinh sau đó thu gom toàn bộ chất thải, rác thải. Dùng chổi, bàn chải, xẻng, hay khí nén để loại bỏ bụi, đất và các chất hữu cơ khô trên bề mặt thiết bị, dụng cụ và chuồng nuôi.

Bước 2, dùng bột giặt/xà phòng và nước làm ướt thiết bị, dụng cụ và diện tích cần vệ sinh; sau đó cọ rửa kỹ để loại trừ các chất hữu cơ cũng như bùn đất và chất nhờn (chỉ áp dụng đối với những thiết bị, dụng cụ và nền chuồng rửa được).

Bước 3, để khô bề mặt thiết bị, dụng cụ và chuồng nuôi.

Bước 4, phun khử trùng lên toàn bộ bề mặt với nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất và liều lượng là 3 lít dung dịch đã pha phun cho 10m2.

Theo Nguyễn Thị Hải/nongnghiep.vn