Gian nan giảm mức tăng “đầu vào” trong nuôi tôm
- Thứ hai - 20/06/2016 06:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chờ cơ hội là tăng
Mặc dù có vài thời điểm thức ăn tôm hạ nhiệt, nhưng nhìn chung giá vẫn còn ở mức cao và luôn trong tình trạng “nhấp nhổm” tăng. Mỗi kg thức ăn tăng 500 - 1.000 đồng làm người dân rất lo ngại. Vì năm 2015 ngành tôm chịu nhiều tổn thất và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tài chính cũng như niềm tin của người dân vào việc nuôi tôm.
Các công ty thức ăn khẳng định, tôm thẻ chân trắng chi phí cho thức ăn dao động 50 - 65% giá thành sản xuất. Song nhiều người dân cho rằng con số này có thể lên đến 70%. Nhiều năm lại đây, giá thức ăn tôm không giảm mà liên tục tăng như một điều vô lý. Vì các nhà máy sản xuất đều khẳng định: “Khi mở rộng hoạt động, giá thành sản xuất sẽ hạ và vì vậy giá thức ăn sẽ rẻ dần”. Nhưng rút cục giá cả chỉ giảm trong một số thời điểm, chủ yếu vào những giai đoạn người nông dân gặp khó khăn do dịch bệnh và việc tiêu thụ hạn chế, còn lại, giá thức ăn luôn có xu hướng tăng lên.
Một điều khó cho người nông dân là chủ yếu họ mua thức ăn tôm trả chậm, cuối mùa thu hoạch rồi mới tính tiền. Do đó, việc tăng giá cả của thức ăn tôm do đại lý báo xuống, đại lý “mặc sức tung hoành”, người nông dân biết vậy, nhưng không thể không mua. Đến cuối mùa, tính toán lại thì mới thấy giá này quá cao, tiền chi phí thức ăn quá nhiều, thì mọi việc đã quá muộn.
Giá thức ăn tôm cao do quá nhiều trung gian - Ảnh: Phan Thanh Cường
Mâu thuẫn lợi nhuận
Xu hướng nông nghiệp hiện đại là việc phân chia lợi nhuận hợp lý cho tất cả các thành phần tham gia vào chuỗi, từ giống, thức ăn, người nuôi, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu. Song ở Việt Nam vẫn duy trì tình trạng “đèn nhà ai nấy rạng”. Vì lý do nhập nguyên liệu giá tăng, các nhà sản xuất thức ăn lập tức tăng giá, nhưng người nông dân thì không thể tùy tiện tăng giá tôm bán ra, vì giá đầu ra của tôm phải theo quy luật thị trường, dựa vào mặt bằng giá cả quốc tế trong thời điểm thu hoạch. Rốt cuộc, người nông dân phải chịu rủi ro nhiều nhất.
Ngành sản xuất thức ăn tôm chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và hiện ngành này đang có sự canh tranh rất khốc liệt. Một số doanh nghiệp lớn đang dần chiếm lĩnh thị trường, trong khi các công ty nhỏ hơn bị “mắc kẹt” trong sản phẩm của họ, với sản lượng ít, khả năng sinh lời thấp. Một số doanh nghiệp nước ngoài thậm chí phá sản, việc mua bán, sát nhập các doanh nghiệp nhỏ trong ngành đã và đang diễn ra. Kết quả của cạnh tranh khốc liệt đã không giúp giá thành sản xuất giảm mà ngược lại ngày một tăng thêm!
Trung gian cạnh tranh
Chúng tôi đã dự một vài cuộc tổng kết khen thưởng của các công ty dành cho đại lý và việc công ty nước ngoài tặng đại lý những chiếc đồng hồ đeo tay có giá vài chục ngàn đô la là chuyện thường. Nhưng thử hỏi ở những vùng nông thôn, nơi đa số nông dân đang sống ở mức nghèo, nuôi tôm thua lỗ, thì những chiếc đồng hồ mấy trăm triệu này liệu có bình thường?
Một số đại lý cho chúng tôi biết: “Không dễ ăn tiền của công ty đâu. Họ đưa ra doanh số cao mới được thưởng lớn”. Vậy bài toán nào để lĩnh thưởng? Các đại lý nói: “Thì chúng tôi sẽ bỏ những công ty nhỏ, ít khuyến mãi, tập trung bán cho các doanh nghiệp có khuyến mãi lớn để hưởng tiền hoa hồng”. Rất nhiều đại lý đã bỏ “chủ cũ” để chạy theo các chủ mới.
Chiết khấu từ doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho các nhà phân phối, đại lý có sản lượng lớn dao động khoảng 15 - 25%, các đại lý nhỏ được hưởng chiết khấu 15 - 20%. Đây chính là cơ sở để các đại lý tranh khách hàng của nhau. Họ có thể bán thấp hơn giá công ty 2.000 - 4.000 đồng để thu hút khách hàng, từ đó hưởng các chính sách ưu tiên và thưởng, khuyến mãi từ công ty. Cuộc đua chiết khấu hoa hồng hiện chưa có dấu hiệu dừng.
Vấn đề liên kết
Lãnh đạo một công ty sản xuất thức ăn cho chúng tôi biết: “Nếu thức ăn được đưa đến tận tay người nông dân, giảm được 20% chi phí hoa hồng, thì thức ăn tôm nói riêng và thức ăn chăn nuôi Việt Nam nói chung sẽ thấp hơn các nước trong khu vực và sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Song điều này khó thực hiện, vì việc sản xuất theo chuỗi, liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân tại Việt Nam là rất yếu. Đại lý và đầu nậu do đó có thể làm mưa làm gió, thậm chí công ty cũng còn phải ngại họ”. Và thậm chí, những đại lý có doanh số trăm tỷ mỗi năm thì công ty phải “chiều chuộng, hầu hạ, muốn gì cũng được đáp ứng!”.
Sở dĩ đại lý làm mưa làm gió là họ bán hàng trả chậm cho nông dân, trong khi công ty không làm được như vậy. Họ có khả năng cho vay gối đầu, người nông dân nghèo vay trả lần hồi. Điều này, theo một cán bộ bảo hiểm thì chỉ giải quyết được nếu chuỗi liên kết có sự tham gia của nhà nước, tức là ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho công ty có thể bán trả chậm cho nông dân, theo cách mà các đại lý đang làm hiện nay.
Nhiều trang trại đã giải quyết vấn đề giá thành bằng cách đơn giản nhất là đến trực tiếp các công ty sản xuất để mua mà không qua đại lý. Ngay lập tức họ giảm được 20% chi phí thức ăn. Nghe thì đơn giản, nhưng chỉ những hộ làm ăn thắng lợi, có vốn liếng, mà phần lớn là các doanh nghiệp sản xuất đa ngành, nhiều sản phẩm, như sản xuất tiêu thụ cả con giống, thuốc… mới thực hiện được điều này, vì họ phải thanh toán bằng tiền mặt ngay khi mua hàng.
Người nông dân đang trong tình cảnh “tay không bắt giặc”, do không có vốn, phải mua thức ăn trả chậm, 70% giá thành nằm trong chi phí thức ăn, nên giá cả thức ăn cho tôm nói riêng và thức ăn thủy sản nói chung vẫn là nỗi ám ảnh lớn đối với người nông dân. Giá thức ăn không giảm nhiều thì việc tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế vẫn còn là bài toán khó, nhất là giai đoạn cuối năm nay.
>> Vấn đề liên kết đang trở nên cấp thiết. Năm 2015 nhà nước đã có chính sách ưu đãi về thuế đối với ngành sản xuất thức ăn tôm, đầu năm 2016, giá nguyên liệu thức ăn giảm mạnh, thậm chí nhiều mặt hàng giảm 30%, song giá thức ăn tôm và thức ăn chăn nuôi nói chung giảm rất chậm (năm 2015 giá thức ăn tôm chỉ giảm 5%, chủ yếu do chính sách giảm thuế). |