Giữ chất lượng cho mật ong bạc hà Mèo Vạc

Giữ chất lượng cho mật ong bạc hà Mèo Vạc
Để đảm bảo chất lượng mật ong mang thương hiệu “Mật ong bạc hà Mèo Vạc” (Hà Giang), người nuôi ong phải tuân thủ các quy định về việc cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh Hà Giang cần chủ động xây dựng quy chuẩn địa phương mật ong bạc bà…

Ngày 7.10, Bộ NNPTNT nhận được công văn của UBND tỉnh Hà Giang đề nghị giúp đỡ chỉ đạo về chuyên môn đối với chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” dùng cho sản phẩm mật ong bạc hà. Về đề nghị này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Để đảm bảo chất lượng mật ong mang thương hiệu Mật ong bạc hà Mèo Vạc, người nuôi phải tuân thủ các quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm và các văn bản liên quan.

 giu chat luong cho mat ong bac ha meo vac hinh anh 1

 Nuôi ong mật bạc hà đang mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Cây bạc hà mọc tự nhiên, gần đây có sự tác động của đồng bào để tăng diện tích và mật độ, giúp ong khai thác mật tốt hơn. Do vậy, địa phương cần căn cứ vào nguồn hoa thực tế để bố trí số lượng đàn ong phù hợp, lưu ý ưu tiên bảo tồn và phát triển đàn ong nội bản địa. Đồng thời, cần chủ động xây dựng Quy chuẩn địa phương cho ong mật và sản phẩm của ong mật, hướng dẫn các cơ sở nuôi ong xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở ong mật và sản phẩm của ong mật; xây dựng kế hoạch bảo tồn ong tại địa phương.

Ngành chức năng tỉnh Hà Giang cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng mật ong đã đăng ký theo chỉ đẫn địa lý, tránh gian lận để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm mật ong đúng chất lượng.

 giu chat luong cho mat ong bac ha meo vac hinh anh 2

 Các hộ nuôi ong mật chủ yếu tại 47 xã thuộc 4 huyện nghèo của Hà Giang.

Trước đó, làm  việc với Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, các giống ong nuôi tại cùng một địa điểm đều cho chất lượng mật tương đương nhau. Về mật độ nuôi, nếu hoa bạc hà dày thì nên nuôi không quá 40 đàn/ha, khoảng cách giữa các điểm nuôi ong tối thiểu 2km, mỗi điểm không quá 100 đàn ong.

Việc tranh chấp nguồn hoa và cướp mật của đàn ong thường xảy ra trong các trường hợp nguồn hoa khan hiếm, thời tiết bất lợi khiến mật hoa đột nhiên bị giảm. Hoặc do mật độ đàn ong quá dày, ong ngoại được nuôi gần ong nội. Ong ngoại thường khỏe hơn nên dễ xảy ra tranh chấp nguồn hoa, cướp mật, gây chia đàn, tiêu diệt nhau, phần thiệt hại nặng thường thuộc về ong nội.

Theo ông Vân, người nuôi ong cần lưu ý đảm bảo khoảng cách giữa các điểm đặt tổ ong và mật độ đàn ong theo khuyến cáo kỹ thuật, sử dụng nguồn lợi hoa tự nhiên có hiệu quả, tránh lãng phí.

Tác giả bài viết: Trần Quang

Nguồn tin: danviet.vn