Gỡ khó để trồng hoa thắng lợi
- Thứ bảy - 03/12/2016 10:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cuộc tọa đàm là cơ hội để người trồng hoa, cây ăn quả và các doanh nghiệp được trực tiếp đối thoại với các nhà khoa học, nhà quản lý nhằm tìm hướng tháo gỡ khó khăn cũng như tiếp cận với kỹ thuật mới để phát triển bền vững vùng sản xuất hoa, cây cảnh theo đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh TP.Hà Nội giai đoạn 2012-2016.
“Nóng” vấn đề sử dụng thuốc BVTV
Nghề trồng hoa đang mang lại thu nhập cao cho người dân ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Trước mắt phường Minh Khai chủ trương khôi phục lại diện tích hoa, cây cảnh, cây ăn quả đã bị giảm về diện tích do ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá. Phường sẽ tập trung áp dụng các công nghệ cao vào sản xuất hoa, cây cảnh nhằm nâng cao giá trị sản xuất, giúp nông dân có thu nhập cao hơn”. Ông Nguyễn Văn Khoa
|
Tại buổi tọa đàm, gần 200 nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất hoa, cây cảnh của quận Bắc Từ Liêm đã được các chuyên gia, nhà quản lý giải đáp trực tiếp về kỹ thuật, thời vụ, xu thế thị trường và cơ chế, chính sách liên quan đến quy hoạch phát triển vùng hoa, cây cảnh trên địa bàn quận để hỗ trợ bà con nông dân phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh bền vững. Đáng chú ý là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phòng, trị bệnh cho hoa, cây ăn quả được các nông dân rất quan tâm, các câu hỏi xung quanh vấn đề này đều được các chuyên gia giải đáp tận tình.
Bà Nguyễn Thị Quyết ở tổ 1, Nguyên Xá, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm ỏi về cách bón phân hợp lý cho bưởi Diễn, liều lượng sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh cho loại cây ăn trái này. Trả lời, TS Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện BVTV cho rằng: “Sử dụng thuốc BVTV cho hoa và cây cảnh là cần thiết và người trồng cây ngay từ ban đầu cần chủ động phòng chống sâu bệnh, chứ để đến khi bệnh bùng phát sẽ rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, bà con chú ý phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng cách), đồng thời thường xuyên thăm đồng để phát hiện những điểm bất thường trên cây, từ đó quyết định phương pháp và liều lượng thuốc BVTV để đem lại sự an toàn và hiệu quả tuyệt đối cho người trực tiếp trồng bưởi cũng như người sử dụng”.
Theo ông Viễn, cây có múi nói chung và bưởi nói riêng có thể nhiễm bệnh Greening vào bất kỳ giai đoạn nào từ thời kỳ vườn ươm tới khi cây 10 năm tuổi. Để phòng trừ được bệnh này, ông Viễn cho hay, bà con cần chú ý sử dụng cây giống sạch bệnh, có thể trồng xen ổi để xua đuổi rầy. Ngoài ra, mọi người cũng cần chú ý phun thuốc phòng trừ môi giới truyền bệnh. Nếu phát biệu cây bị bệnh cần tiến hành cắt bỏ tất cả các cành bị bệnh rồi đem đốt ngay, để tránh lây lan ra các diện tích khác. Các chủ vườn chú ý bón phân cân đối để giúp cây tăng sức đề kháng và chống chịu.
Nhiều cánh đồng hoa tiền tỷ
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm cho biết: Nhằm tăng thu nhập cho người dân, phường đã tập trung phát triển một số vùng hoa, cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay phường đã có hơn 250ha trồng hoa, khoảng 80ha bưởi. Nhiều sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, được thị trường ưa chuộng, điển hình là cây bưởi Diễn.
Bà Phạm Thị Chinh - Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm cho biết: Toàn quận hiện có khoảng 1.500ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng hoa, cây cảnh chiếm tỷ lệ lớn nhất. Nhiều cánh đồng hoa cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm, tập trung chủ yếu tại phường Tây Tựu, Minh Khai, Liên Mạc, Đông Ngạc... “Vùng hoa, cây cảnh của quận Bắc Từ Liêm đã và đang trở thành nơi cung cấp hoa chính cho thị trường Hà Nội” – bà Chinh nói.
Là một trong các hộ trồng hoa ở phường Tây Tựu, bà Phạm Thương cho biết, sản xuất hoa đang mang lại thu nhập cao cho người dân Tây Tựu, đặc biệt là nhiều diện tích trồng hoa ly cho thu nhập lên tới 1 tỷ đồng/ha/năm.
“Tuy nhiên việc sản xuất hoa tại đây vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ khiến các mô hình chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và đem lại hiệu quả kinh tế bền vững. Mong rằng thời gian tới, ngành chức năng của TP.Hà Nội có cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ hoa, cây cảnh. Đặc biệt là việc tăng cường liên kết giữa 4 nhà theo mô hình ký kết, hợp tác cùng đầu tư, cùng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm theo hợp đồng thỏa thuận và theo cơ chế thị trường” – bà Thương cho hay.