Hạn chế lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi
- Thứ hai - 17/09/2018 21:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vẫn tràn lan
Một khảo sát của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford Việt Nam thực hiện tại tỉnh Đồng Tháp về phòng chống kháng thuốc cho thấy, tình trạng người chăn nuôi quá lạm dụng kháng sinh đã đến mức báo động.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 200 trại chăn nuôi gà thịt tại khu vực ĐBSCL, kết quả cho thấy, trung bình một con gà thịt dùng tới 470 mg kháng sinh, cao gấp 5 - 7 lần so với gà thịt nuôi tại châu Âu. Trong đó, hơn 85% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh và 95% sử dụng qua đường uống. Điều đáng nói là, có đến 25% trong tổng số kháng sinh dùng trong chăn nuôi gia cầm được trộn sẵn vào thức ăn.
Năm 2017, Cục Thú y cũng đã từng thực hiện một cuộc khảo sát về tình trạng sử dụng kháng sinh tại 208 trang trại chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang. Kết quả cho thấy, lượng kháng sinh trên đầu gia cầm ở đây cao gấp 6 lần so với mức ghi nhận được ở một số nước châu Âu. Trong mỗi chu kỳ chăn nuôi, 72% số trang trại đều sử dụng ít nhất một loại kháng sinh để phòng bệnh và trị bệnh hoặc kích thích tăng trưởng. Trong ngành chăn nuôi heo, kháng sinh cũng bị lạm dụng với con số 286,6 mg hoạt chất kháng sinh/kg heo hơi.
Hiện có 3 loại kháng sinh đang lưu hành trên thị trường gồm: Kháng sinh chỉ dành riêng cho người, kháng sinh chỉ dành cho động vật và kháng sinh dành cho cả người lẫn động vật… Theo Cục Chăn nuôi, chúng ta vẫn cho phép sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản, nhằm mục đích kích thích sinh trưởng và phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, việc này chính là nguyên nhân làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc. Cũng theo đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford Việt Nam, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi sẽ gia tăng trong thời gian tới, tại Việt Nam, dự báo kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi sẽ tăng tới 157% trong giai đoạn 2010 - 2030.
Cần nhiều biện pháp
Theo ông Nguyễn Văn Chữ - Giám đốc Công ty TNHH Nam Thành (Thường Tín, Hà Nội), một doanh nghiệp có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến TĂCN, hiện nay, thức ăn chỉ là một con đường để người ta đưa kháng sinh vào vật nuôi. Ngoài cám, còn có thuốc thú y, chất bổ sung, thực phẩm chức năng... “Vì vậy, muốn hạn chế tiến tới đẩy lùi việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, cần phải ngăn từ nhiều phía” - ông Chữ nói.
Cũng theo ông Chữ, hiện nay, việc quản lý, giám sát các loại chất bổ sung trên thị trường rất lỏng lẻo, nếu không muốn nói là bị bỏ ngỏ. “Hiện, nhiều doanh nghiệp đã nói không với việc đưa kháng sinh vào TĂCN hoặc hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng kháng sinh. Nhưng, vẫn còn các loại thuốc thú y, chất bổ sung thì vẫn khó kiểm soát” - ông Chữ nói.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã khởi động kế hoạch hành động quốc gia về quản lý, sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản 2017 - 2020. Theo lộ trình, Việt Nam sẽ chỉ cho phép sử dụng kháng sinh trong TĂCN hết năm 2017 và từ năm 2018, cấm sử dụng TĂCN có pha trộn kháng sinh cho mục đích sinh trưởng mà chỉ cho phép sử dụng trong phòng và chữa bệnh.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, cái khó hiện nay là Bộ NN&PTNT cấp phép nhập khẩu, sản xuất một số loại kháng sinh trong chăn nuôi nhưng có loại lại do Bộ Y tế quản lý, cấp phép. Do vậy, để việc quản lý kháng sinh một cách chặt chẽ, đòi hỏi hai bộ đều phải cùng vào cuộc. Bộ NN&PTNT cũng sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới vào hệ thống pháp luật hiện hành.
>> Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp phản ánh việc quản lý, giám sát các loại chất bổ sung trên thị trường rất lỏng lẻo, bị bỏ ngỏ, các loại thuốc thú y, chất bổ sung đưa vào TĂCN vẫn khó kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu thông tin nêu trên và chủ động xử lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. |