Không nên xua đuổi đàn ong

Không nên xua đuổi đàn ong
Trước tình hình tại một số địa phương xảy ra tình trạng người dân xua đuổi đàn ong vì lo ngại chúng có thể gây hại năng suất cây trồng, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản chỉ đạo cụ thể.
 
Nuôi ong lấy mật ở Đồng Nai - Ảnh: Trung Hiếu

Cục Chăn nuôi khẳng định kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và thực tiễn đã chứng minh đàn ong không làm ảnh hưởng xấu đến mùa màng mà ngược lại góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ thụ phấn cho cây trồng. Cục Chăn nuôi đề nghị các sở NN-PTNT tăng cường tuyên truyền cho người dân về lợi ích của ong mật trong vai trò thụ phấn, tăng năng suất và bảo vệ môi trường sinh thái; cử cán bộ theo dõi, điều tra không để người dân xua đuổi đàn ong mật tại các điểm đặt nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại nuôi ong tiếp tục duy trì và phát triển nghề truyền thống này.
 
Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ Hồ Văn Chiến (Trung tâm bảo vệ thực vật phía nam), cho biết tại ĐBSCL, khi xảy ra dịch chổi rồng trên nhãn, một số người dân cho rằng ong mật là côn trùng môi giới mang nhện lông nhung gây ra tình trạng phát tán bệnh trên nhãn cũng như trên ruộng lúa nên đã sử dụng hóa chất tiêu diệt đàn ong. Trước tình hình đó, Trung tâm bảo vệ thực vật phía nam phối hợp với Đại học Tiền Giang và các cơ quan hữu quan tiến hành cuộc khảo sát “Tìm hiểu sự liên quan giữa ong mật, nhện lông nhung truyền bệnh chổi rồng trên nhãn” và “Ảnh hưởng của ong mật lấy phấn hoa giai đoạn trổ đến năng suất lúa”.
 
Nghiên cứu được thực hiện trên các vườn nhãn ở giai đoạn ra hoa và có bệnh chổi rồng của 79 hộ nông dân và thùng nuôi ong của 38 hộ nông dân. Kết quả phân tích cho thấy chỉ phát hiện có 1 con nhện lông nhung trên tổng số 3.945 mẫu ong mật với xác suất là 0,0002. Điều này có nghĩa là cứ 10.000 con ong mật có khả năng tìm thấy 2 con nhện lông nhung, xác suất này trong tự nhiên là rất thấp, ở mức không đáng kể. Tương tự với 1.860 mẫu ong mật được thu thập từ các thùng nuôi ong được phân bố ở 13 xã; 9 quận/huyện thuộc tỉnh/thành (riêng tỉnh Trà Vinh không có mẫu vì không nuôi ong), kết quả phân tích không phát hiện bất cứ mẫu nhện lông nhung nào. Tóm lại, với tổng số mẫu là 5.805 con ong mật được thu thập từ 2 nguồn là trên cây nhãn mang bông và thùng nuôi ong, kết quả phân tích chỉ tìm được 1 con nhện lông nhung, xác suất là 0,00017. Điều này chứng tỏ rằng trong tự nhiên, khả năng ong mật mang nhện lông nhung làm lây lan bệnh chổi rồng trên nhãn là rất khó xảy ra.
 
Để làm rõ vấn đề ong mật có làm hại lúa hay không, thí nghiệm được thực hiện ở Tiền Giang - nơi có nuôi đàn ong mật nhiều nhất, cũng cho thấy ong mật hoàn toàn không gây hại cho lúa. “Tóm lại, đứng về khía cạnh bảo vệ thực vật thì ong mật là loài rất có ích, không có hại cho cây trồng. Do đó, cần có thông tin tuyên truyền phổ biến đến nông dân những kiến thức về lợi ích cũng như vai trò của ong mật và các loài ong nói chung trong tự nhiên, có chiến lược bảo vệ đàn ong là tác nhân thụ phấn rất quan trọng cho cây trồng, đồng thời làm phong phú các loài ong và các họ hàng của ong để tăng cường khả năng “dịch vụ sinh thái” trong tự nhiên, góp phần tạo nên nền nông nghiệp bền vững, đa dạng hóa sinh học hỗ trợ được người dân nuôi ong mật”, ông Chiến khẳng định.
 
Theo các nhà khoa học, loài ong thụ phấn cho hơn 70 trong số 100 loại cây trồng cung cấp lương thực cho thế giới. Trong một nghiên cứu ở Anh, sự thụ phấn của ong mật trị giá từ 22 - 57 tỉ euro đối với nông nghiệp, một số vụ mùa rau quả sẽ giảm hơn 90% nếu không có ong mật. Như vậy ong là loài hữu ích cho cây trồng, không làm hại cây trồng như một số bà con nông dân suy tưởng.
 
Quang Thuần (Báo Thanh Niên)