Kỹ thuật chăm sóc vườn ổi Đài Loan

Để đảm bảo việc khai thác tối đa hiệu quả từ cây ổi, người sản xuất cần lưu ý một số kỹ thuật trong chăm sóc như sau:

* Tưới nước

Ổi chịu hạn khá tốt nhưng việc tưới cho cây vào mùa nắng, mùa hạn sẽ giúp cây phát triển khỏe. Tưới nước vào lúc cây cho quả giúp tăng năng suất và kích thước quả. Lượng nước tưới và thời gian tưới thay đổi tùy theo tuổi cây và mùa trong năm. Tùy vào điều kiện tự nhiên và kinh tế từng vùng để chọn phương pháp tưới thích hợp. Chỉ nên tưới đủ ẩm theo nhu cầu sinh lý của cây.

* Bón phân:

- Dinh dưỡng cây ổi cần là K>N>P>S>Mg>Ca và các vi lượng khác là Mn>Fe>Zn>Cu>B.

- Bón phân cho cây ổi 1 năm tuổi (kiến thiết cơ bản):

+ Lượng bón: Tổng lượng bón cho cây trong năm là 150 gam đạm urê + 200 gam supe lân +150 gam kaliclorua.

+ Cách bón: Tổng lượng phân bón trong năm được chia đều bón làm 4 lần vào các tháng 1, 4, 6, 8.

Bón bằng cách rải đều lên mặt gốc cây sau những trận mưa hoặc rắc đều lên hình chiếu tán cây rồi xới nhẹ cho phân bị vùi vào đất. Nên sử dụng các loại phân bón đa lượng, phân NPK tổng hợp để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây.

- Bón phân cho cây thời kỳ kinh doanh: Khống chế lượng phân bón NPK để điều chỉnh việc ra hoa, đậu quả và kiểm soát chất lượng quả. Nếu bón đạm cao quá, cây sẽ không nở hoa kết quả, muốn nở hoa, kết quả phải bón bổ sung lân, kali.

+ Lượng bón: Lượng phân bón thời kỳ cho quả tính theo tuổi cây:

 

Tuổi cây (năm)

Lượng phân bón/cây/năm

Phân chuồng (kg)

Đạm urê (gam)

Supe lân (gam)

Kaliclorua

(gam)

2-3

30-40

250-300

350-400

250-350

4-5

>50

400-500

500-600

400-550

6-7

>50

650-800

800-1.200

650-1.000

+ Cách bón: Căn cứ vào biểu hiện của cây, cách thức khai thác quả để xác định hình thức bón phân phù hợp với đặc tính sinh lý cây ổi.

Đối với cây ổi để quả chính vụ và khai thác quả 2 vụ chính/năm, chia 4 lần bón phân/năm:

Lần 1: Bón sau khi cắt tỉa vào tháng 1 (chuẩn bị cho cây ra lộc Xuân): 40% đạm urê + 50% supe lân + 20% kaliclorua + 100% phân chuồng. Có thể thay thế phân đạm, lân, kali bằng phân NPK chuyên bón lót để tăng hiệu quả.

Rạch rãnh xung quanh hình chiếu của tán cây với chiều rộng 20-30 cm (tính từ hình chiếu tán ra phía ngoài), sâu 10-15 cm, rắc phân đều vào rãnh rồi lấp đất.

Lần 2: Bón vào tháng 4 (thúc hoa, quả): 20% đạm urê + 50% supe lân + 30% kaliclorua.

Lần 3: Bón vào tháng 6 (thúc hoa, quả): 30% đạm urê + 30% kaliclorua.

Lần 4: Bón vào tháng 8 (thúc quả, dưỡng cây): 10% đạm urê + 20% kaliclorua.

Đối với bón đợt 2, 3 và 4, có thể hòa phân tưới hoặc rắc trực tiếp xung quanh gốc theo hình chiếu tán vào trong gốc rồi xới nhẹ cho phân bị vùi vào đất. Bên cạnh đó, bổ sung phân bón giữa các đợt bón nếu cây có các biểu hiện thiếu dinh dưỡng.

Lưu ý: Trong giai đoạn thời tiết mưa nhiều, ẩm độ đất cao, tuyệt đối không được bón phân chuồng, đào rãnh, gây ảnh hưởng đến rễ cây.

Đối với cây ổi để quả lệch vụ và rải vụ thu hoạch liên tục:

Lần 1: Tương tự bón để quả chính vụ vì giai đoạn này chủ yếu chăm sóc để cung cấp dinh dưỡng cho cây phục hồi sau 1 năm cho thu hoạch.

Lượng phân còn lại chia đều để bón các tháng từ tháng 4 đến tháng 12. Cách bón tương tự cách bón để quả chính vụ.

* Phòng trừ sâu bệnh:

Thường xuyên theo dõi đồng ruộng để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả.

* Xử lý ra hoa, chăm sóc quả

- Xử lý ra hoa

Ổi ra hoa trên các mầm bật từ nách lá, cây càng nhiều mầm nách càng nhiều quả. Có thể tác động để ổi ra hoa quanh năm hoặc điều chỉnh thời vụ bằng cách gây tổn thương cơ giới. Sau mỗi lần kết thúc thu quả, cần bấm ngọn hoặc vít cành, tùy theo vị trí của cành để xác định cách bấm tỉa hay vít cành cho hợp lý. Đối với cành vượt cao quá tầm với thì dùng kéo cắt hạ thấp độ cao. Đối với cành vượt ngang ngoài tán nên dùng dây mềm buộc vít cong, cành bấm tỉa sẽ phát sinh các mầm mới, thêm hoa, nhiều quả. Cần kết hợp hài hòa giữa cắt tỉa với vít cành để tránh gây tổn thương cho cây, tiêu hao năng lượng của cây, yếu cây dẫn tới giảm năng suất.

- Chăm sóc quả

+ Để quả: Muốn chất lượng quả tốt thì không để lại nhiều quả, số lượng quả giữ lại tuỳ thuộc vào cây: chú ý tỷ lệ giữa lá/quả; một cành giữ 1-2 quả, giữ lại quả hướng xuống dưới; có cành giữ lại quả, có cành không để quả; cành vụ trước cho quả thì vụ sau không để lại quả và ngược lại.

+ Bao quả: Khi quả có đường kính khoảng 2,5-3 cm tiến hành bao quả. 2-3 ngày trước khi bao quả cần phun phòng sâu bệnh.

* Thu hoạch

Thu hoạch đúng độ chín: Khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu xanh vàng; quả đang cứng, chuyển sang giòn, mềm, cùi có vị thơm.

Nên thu hái quả vào những ngày trời nắng ráo, vào buổi sáng hoặc buổi chiều; tránh thu hái vào giữa trưa khi trời quá nóng. Quả thu hoạch xong cần để nơi râm mát để đưa đến nơi tiêu thụ hoặc bảo quản.

Dùng kéo cắt quả; không nên dùng tay bẻ, tránh tình trạng làm xước cành, ảnh hưởng đến các đợt lộc và khả năng ra quả tiếp theo.

Chu Minh Trí/Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh
http://www.khuyennongvn.gov.vn/