Kỹ thuật chăn nuôi bò lai Zebu sinh sản
- Chủ nhật - 13/11/2016 08:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chọn giống
Khi chọn bò để nuôi sinh sản, người nuôi cần lựa chọn theo các tiêu chí sau: Ngoại hình cân đối; lông da bóng mượt; tiền thấp, hậu cao; chọn bò có nguồn gốc rõ ràng và đã qua kiểm dịch của Trung tâm Thú y; bốn vú đều, tuyến vú phát triển và tĩnh mạch vú nổi rõ; bốn chân thẳng, không có dị tật; móng tương đối khít nhau; bò mẹ phải đạt trọng lượng trên 180 kg mới chọn làm con giống; cơ quan sinh sản phát triển bình thường, không dị dạng, dị tật; ngoại hình đẹp, khỏe mạnh.
Chuẩn bị chuồng nuôi
Một số yêu cầu cơ bản khi chuẩn bị chuồng để nuôi bò sinh sản gồm: Chuồng nuôi cao ráo, sạch sẽ, ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè; độ dốc nền chuồng 2 - 3% về rãnh thoát, độ cao nền chuồng đạt 40 - 50 cm; Nền chuồng không nên láng trơn; diện tích chuồng nuôi phải phù hợp với từng giai đoạn của bò: với bò 13 - 24 tháng mật độ 4 - 5 m2/con, với bê theo mẹ bình quân 1,5 - 2 m2/con; máng ăn, máng uống được bố trí thuận lợi, dễ làm vệ sinh và được phân bổ hợp lý cho bò ăn. Đối với các trang trại nuôi bò sinh sản theo quy mô lớn cần phải trang bị thêm các thiết bị như quạt điện, bóng điện khi cần; bơm nước; bánh khoáng dinh dưỡng cho bò; sử dụng thêm các chế phẩm sinh học để xử lý phân, mùi hôi trong chuồng trại; có hệ thống thoát nước thải tốt, hệ thống xử lý chất thải phân và nước tiểu, chất độn chuồng... được thiết kế hợp lý; có lưới chống côn trùng cho trại bò...
Dinh dưỡng cho bò sinh sản
Để bò có đủ các chất dinh dưỡng trong quá trình nuôi, sinh sản thông thường người nuôi có thể cho bò ăn một loại thức ăn như thức ăn tinh, thức ăn xanh... Trong đó, để đảm bảo các chất dinh dưỡng được cân đối, người nuôi có thể tham khảo một số công thức phối trộn như bảng sau.
Chọn, phối giống
Để đạt kết quả tốt trong việc phối giống cần lưu ý trong việc chọn phối giống như sau: Chọn bò nuôi đạt 16 - 18 tháng tuổi có trọng lượng 180 kg trở lên mới cho phối; chọn bò đực giống tốt để tiến hành thụ tinh trực tiếp hoặc cho thụ tinh nhân tạo; thời điểm dẫn tinh 12 - 18 giờ sau khi bò bắt đầu động dục; Nên đổi số tinh bò đực giống để tránh đồng huyết.
Người nuôi cần quan sát các biểu hiện của bò cái động dục để phán đoán được khả năng thụ tinh của bò: Bò kêu rống, nhảy dựng lên lưng con khác; âm hộ đỏ, ướt có dịch nhờn tiết ra; đuôi vắt sang một bên; khi động dục bò cái đứng im cho con khác nhảy lên; sau 18 - 23 ngày bò cái không động dục trở lại là bò đã thụ tinh thành công.
Nuôi bò sinh sản mang lại thu nhập ổn định và có lãi cho bà con bởi vốn đầu tư thấp và ít rủi ro Ảnh: Xuân Trường
Nuôi dưỡng, chăm sóc
Chăm sóc bò trong giai đoạn mang thai: Khẩu phần cho ăn trong 24 giờ của bò gồm 30 - 35 kg cỏ tươi, 2 - 3 kg rơm ủ urê, 1 kg thức ăn tinh hỗn hợp, 30 - 40 g muối, 30 - 40 g bột xương hoặc bột vỏ sò.Trong giai đoạn này, không được bắt bò làm việc nặng, tránh xô đẩy, đánh đuổi bò; vào tháng thứ chín cần tiến hành xoa bóp kích thích bầu vú cho bò; tiến hành tắm rửa vệ sinh cho bò, nhất là ở bộ phận phía sau.
Chăm sóc bò đẻ, nuôi con: Những ngày dự kiến bò sắp sinh cần chăn thả gần nhà, nơi bãi chăn dễ đi lại để theo dõi và quan sát những biểu hiện của bò. Khi bò đẻ cần tiến hành đỡ đẻ cho bò bằng cách thực hiện một số thao tác như lau khô thân mình cho bê con, thắt rốn, sát trùng cuống rốn, bóc móng... cho bê; sau 1 - 2 ngày bò đẻ, cần bổ sung cho bò mẹ ăn thêm 0,5 - 1 kg thức ăn tinh hỗn hợp và 30 - 40 g muối ăn; đảm bảo đủ nhu cầu thức ăn xanh cho bò, nhất là cỏ non; Trong suốt thời gian nuôi con, bò mẹ cần được đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng để cung cấp sữa cho bê con và hồi phục sức khỏe để bò mau động dục trở lại và phối giống, khẩu phần ăn trong 24 giờ của bò sinh sản như sau: 30 kg cỏ tươi, 2 - 3 kg rơm ủ u rê, 1 - 2 kg thức ăn hỗn hợp. Từ tháng thứ 2 hoặc tháng thứ 3 sau đẻ, cần theo dõi các biểu hiện ở bò mẹ để phát hiện bò động dục trở lại nhằm phối giống kịp thời.
Chăm sóc bê con:Tiến hành cho bê được bú sữa đầu càng sớm càng tốt; bê con từ khi sinh ra đến 30 ngày tuổi được nuôi cạnh mẹ tại nhà; cần giữ ấm tránh gió lùa, chỗ nằm của bê phải khô ráo, sạch sẽ, tránh côn trùng, nơi ẩm thấp; Từ một tháng tuổi trở đi bê được chăn thả theo mẹ ở gần chuồng, đồng thời bắt đầu tập cho bê ăn thức ăn xanh và tinh hỗn hợp; từ hai tháng tuổi cho bê ăn 3 - 5 kg cỏ; 0,2 kg thức ăn tinh hỗn hợp; 3 - 6 tháng tuổi cho bê ăn theo khẩu phần sau: 5 - 10 kg cỏ, 0,4 kg thức ăn tinh hỗn hợp; đến tháng thứ 6 trở đi, tiến hành cai sữa tách mẹ, sau đó bê được chăn thả là chính. Trong quá trình chăm sóc bê, cần lưu ý các dấu hiệu để tẩy giun cho bê, tránh để bê bị còi cọc, chậm phát triển do giun gây ra.
Phòng bệnh
Để nuôi bò sinh sản thành công, khâu quan trọng nhất là công tác phòng bệnh, tiêm phòng vaccine cho bò đúng lịch. Tiến hành vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, máng uống, môi trường xung quanh và cơ thể bò để loại bỏ các mầm bệnh; định kỳ kiểm tra và tẩy ký sinh trùng cho bò; định kỳ tiêm phòng vaccine cho bò theo các đợt được khuyến cáo với các bệnh như tụ huyết trùng, long móng lở mồm...; khi bò có dấu hiệu bị bệnh cần được kiểm tra, thăm khám kịp thời, có thể nhờ cán bộ thú y có kinh nghiệm và uy tín để điều trị cho bò. Cần lưu ý rằng: Khi tiêm vaccine và điều trị cho bò khi đang mang thai cần phải đặc biệt cẩn trọng, nhất là trong 3 tháng đầu và tháng cuối trước khi bò đẻ nhằm tránh các sự cố không may xảy ra.
Phương Đông
http://nguoichannuoi.com/