Kỹ thuật chăn nuôi dê
- Thứ bảy - 17/12/2016 07:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chuẩn bị chuồng nuôi
Dê là loài động vật ưa sạch sẽ, thích nơi cao ráo. Vì vậy, chuồng dê phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng vào mùa hè, tránh gió vào mùa đông; sàn chuồng cách mặt đất 50 - 80 cm; nên làm chuồng ở nơi dễ thoát nước và có bóng cây. Sàn chuồng có thể được làm bằng gỗ, tre phẳng hoặc thép, chắc có khe rộng 1,5 - 2 cm để tránh cho dê không bị kẹt chân và đủ lọt phân.
Mái chuồng được làm bằng tre, gỗ hoặc ngói, tranh, tôn… Mái phải chắc chắn, có độ cao vừa phải, có độ dốc dễ thoát nước và nhô ra khỏi thành chuồng ít nhất 60 cm để tránh mưa hắt hay ánh nắng trực tiếp.
Nền chuồng nên được lắng bằng lớp xi măng hoặc đất nện chắc; có độ dốc khoảng 30 - 35% để thuận tiện cho việc về sinh chuồng trại.
Chuồng nuôi nên ngăn thành các gian chuồng và mỗi con nhốt một chuồng với diện tích phù hợp để thuận tiện chăm sóc và quản lý. Nên có ngăn riêng cho dê đực giống, dê đực hậu bị; dê mang thai; dê mẹ và dê con dưới 3 tuần tuổi và các loại dê khác. Và phải đảm bảo diện tích chuồng nuôi thích hợp như sau: Dê trên 6 tháng tuổi 0,7 - 1 m2/con; dê dưới 6 tháng tuổi 0,3 - 0,5 m2/con.
Chuồng phải có máng đựng thức ăn, nước uống sạch sẽ và có kích thước hợp lý cho dê; có sân chơi để thuận tiện trong quản lý phối giống và đàn dê nói chung, sân chơi phải cao ráo, không đọng nước. Sân chơi được làm trước cửa chuồng nuôi có kích thước đảm bảo tối thiểu 1,5 m2/con.
Chọn giống
Hiện nay, ở nước ta đang có một số giống dê được nuôi phổ biến như dê cỏ, dê bách thảo, dê lai, dê barbabi… Tùy thuộc vào mục đích nuôi để lựa chọn được con giống phù hợp:
Chọn dê con: Trọng lượng dê sơ sinh phải đạt 1,8 - 2 kg/con (con cái), và 2,3 kg/con (con đực). Lúc cai sữa đạt 6,5 - 7,5 kg/con trở lên thì chọn làm hậu bị. Các dê được chọn phải từ các lứa đẻ sinh đôi trở lên của các dê mẹ đẻ từ lứa thứ 2 đến lứa thứ 8.
Chọn dê cái: Là con của dê mẹ cho nhiều sữa, dê con mau lớn, ngoại hình thanh mảnh; đầu nhỏ nhẹ; mình dài, phần sau phát triển hơn phần trước; da mỏng, lông mịn; bầu vú to, mềm mại, đều.
Chọn dê đực giống: Dê đực khỏe mạnh, hăng hái, không khuyết tật; đầu to, ngắn, trán rộng; thân hình cân đối. Phần thân sau chắc chắn, bắp nở đều, bốn chân chắc khỏe, hai hòn cà đều và cân đối. Dê đực phải là dê của con mẹ cho nhiều sữa, dê con tăng trọng nhanh, khả năng chống bệnh tốt.
Cho ăn
Thức ăn thô xanh
Dê là loài ăn tạp, nguồn thức ăn chính là cỏ và các loại lá cây. Đối với dê, thức ăn thô xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi, thức ăn xanh phù hợp với đặc tính tiêu hóa của dê thông qua việc lên men vi sinh vật trọng dạ cỏ, chúng thường chiếm tới 55 - 100% trong khẩu phần ăn của dê.
Dê có thể ăn các loại lá cây mà trâu, bò không ăn được. Ngoài chăn thả dê trên các bãi chăn tự nhiên, nên cho dê ăn thêm cỏ ở chuồng 2 - 3 kg/con. Có thể trồng một số cây họ đậu và một số giống cỏ làm thức ăn cho dê như: Cỏ voi, cỏ lông Para, cây keo dậu, điền thanh, cây mía…
Một số các phụ phẩm nông nghiệp khác có thể sử dụng cho dê làm thức ăn như: rơm, thân lá cây ngô, dây lang, cây lạc… Thức ăn củ quả như sắn, khoai lang, bí đỏ… là những thức ăn có hiệu quả rõ rệt cho dễ ở giai đoạn vỗ béo và dê lấy sữa.
Thức ăn hỗn hợp:
Là những thức ăn có giá trị năng lượng cao, gồm các loại cám gạo, ngô, bột sắn… tùy theo lứa tuổi, khả năng sinh sản và khả năng tiết sữa mà bổ sung cho dê 0,2 - 0,8 kg/con/ngày.
Ngoài ra có thể bổ sung thêm khoáng chất và muối ăn thích hợp vào khẩu phần ăn của dê. Dê phải được ăn đủ khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày, nếu thiếu hụt dinh dưỡng sẽ làm cho dê sinh trưởng kém, phát triển chậm, sinh sản kém, giảm sản lượng sữa, thành thục chậm và dễ bị nhiễm bệnh.
Chăm sóc, quản lý
Tùy thuộc vào giai đoạn nuôi, mục đích nuôi mà người nuôi cần có những chế độ và chăm sóc khác nhau đối với dê. Dê được chăm sóc và quản lý tốt mới cho năng suất và hiệu quả cao. Cần phải quan sát và theo dõi các hoạt động hàng ngày của đàn dê; Thường xuyên quét dọn chuồng trại để bảo đảm chuồng nuôi được sạch sẽ và ấm áp; Khi thời tiết quá lạnh, nhiệt độ thấp phải sưởi ấm để giữ nhiệt độ cho dê chống rét.
Đối với dê nuôi sinh sản: Cần phải theo dõi để biết được thời điểm cần phối giống cho dê; phải ghi chép ngày phối, kết quả phối giống và dự định ngày dê đẻ để bố trí kế hoạch chăm sóc chính xác và hiệu quả.
Đối với dê sữa: Phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, khẩu phần của dê sữa; Cho uống nước sạch 3 - 5 lít/con/ngày, nước sạch phải có thường xuyên ở các máng trong chuồng và ngoài sân chơi. Bổ sung thường xuyên premix khoáng cho dê 0,5 kg/tháng/con trong suốt thời gian vắt sữa. Tạo điều kiện cho dê vận động ở sân chơi hoặc bãi chăn khô ráo gần chuồng nuôi 3 - 5 giờ/ngày, kết hợp xoa chải, bắt ve rận…
Phòng bệnh
Để giảm tối thiểu mức độ mắc bệnh và giúp dê sinh trưởng, phát triển tốt cần đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo và thông thoáng. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp đầy đủ cho dê nuôi. Nên tiến hành vệ sinh sàn chuồng hàng ngày. Định kỳ sát trùng tiêu độc chuồng trại; Nuôi nhốt dê ở nơi khô ráo, chống mưa gió và không để dê bị nước mưa hắt vào; Không cho dê ăn thức ăn ướt, không đảm bảo vệ sinh, cho dê uống nước sạch và có bổ sung muôi ăn; Định kỳ tẩy giun sán cho dê 7 - 9 tháng/lần; Tiêm phòng vaccine các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở dê như tụ huyết trùng, viêm hoại tử ruột…
>> Mô hình nuôi dê đang được nhiều nơi triển khai nhờ vốn ít, kỹ thuật nuôi đơn giản mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số mô hình nuôi thành công đã xuất hiện ở Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Thuận, Đắk Lắk…