Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm trong lồng trên hồ chứa thủy lợi tại Bình Định
- Thứ tư - 10/04/2019 21:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
1. Thiết kế lồng bè
a. Khung lồng
Lồng có dạng khối hình hộp chữ nhật có kích thước 24 m3 (4 x 3 x 2 m) hoặc 40 m3 (5 x 4 x 2 m). Khung lồng là phần kiên cố nhất, giữ cho lồng có hình dạng cố định và chống chịu với sóng nước. Khung lồng làm bằng gỗ, các thanh gỗ có kích cỡ 5 x 10 cm, dài 3 – 5 m được liên kết với nhau.
b. Lồng nuôi
Lồng được làm bằng gỗ, tre hoặc lưới đảm bảo yêu cầu dễ vệ sinh, dễ khử trùng và không gây ô nhiễm cho môi trường cá nuôi.
- Lồng tre hoặc gỗ (24 m3): Kích thước lồng làm bằng tre hoặc gỗ: 4 x 3 x 2,5 m; dung tích ngập nước 4 x 3 x 2 m (24 m3). Các mặt lồng nuôi được ghép kín bằng các thanh gỗ hoặc các thanh tre (rộng 2 – 3 cm) và cách nhau 1 – 1,5 cm. Đóng các thanh tre hoặc gỗ theo chiều đứng của lồng. Trên lồng có 1 ô cửa có nắp đậy để cho ăn và theo dõi hoạt động của cá.
- Lồng lưới (40 m3): Lồng làm bằng lưới, hình hộp lập phương hoặc hình chữ nhật, có 01 mặt đáy và 04 mặt xung quanh, mặt để hở gọi là miệng lồng. Kích thước lồng lưới: 5 x 4 x 2,5 m, dung tích ngập nước 40 m3 (5 x 4 x 2 m). Lưới làm lồng là loại cước sợi PE 380 D1/8 dệt không gút để mắc lưới có kích cỡ (2a) = 15 – 18 mm, có chiều dài, rộng bằng khung ô nuôi, chiều cao 2,5 – 3 m. Cố định lồng bằng dây giềng và neo. Áp lớp lưới ruồi vào mặt trong của lồng nuôi. Chiều cao lớp lưới ruồi 50 – 60 cm, cao hơn mực nước trong lồng 20 – 30cm.
c. Hệ thống phao
Các lồng được giữ nổi bằng hệ thống phao làm bằng thùng phuy sắt hoặc nhựa (60 x 90 cm) và được liên kết với khung lồng bằng dây thép, dùng khoảng 8 thùng cho một lồng nuôi. Một bè nuôi có thể có nhiều lồng nuôi và được cố định bằng hệ thống dây neo, đường kính dây neo khoảng 2 – 3 cm.
Hệ thống lồng nuôi tại hồ Định Bình, huyện Vĩnh Thạnh
2. Lựa chọn địa điểm nuôi
- Địa điểm đặt lồng nuôi phải có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp.
- Đặt bè nuôi thuận lợi cho việc vận chuyển thức ăn và cá giống.
- Nơi đặt lồng nên có dòng nước chảy nhẹ (lưu tốc nước 0,2 – 0,5 m/s), tránh những nơi nước chảy quá mạnh.
- Môi trường nuôi phải đảm bảo các yếu tố sau: pH: 6 – 8; tốt nhất là từ 6,5 – 7,5; Oxy hòa tan > 5 mg/lít; NH3 < 0,01 mg/lít; độ trong 50 – 80 cm.
- Chọn nơi thông thoáng, không nên nuôi tại các điểm cuối của eo ngách. Nơi đặt lồng nuôi phải có độ sâu lớn hơn 4 m tại thời điểm mực nước hồ xuống thấp nhất.
3. Chọn giống
- Cá giống khỏe mạnh, không dị hình, không xây xát, không bị mất nhớt, có đuôi và râu không bị bạc màu, kích cỡ đồng đều. Cá bơi lội linh hoạt, nhanh nhẹn, tập trung theo đàn. Kích cỡ giống thả: 50 g/con.
- Mật độ cá thả: 60 con/m3.
4. Mùa vụ thả giống
- Có thể thả giống bất kỳ thời điểm nào trong năm, tốt nhất nên thả giống vào tháng 3 – 4 dương lịch. Không thả giống vào thời điểm bất lợi như mưa, gió, áp thấp nhiệt đới,…
- Thả giống vào lúc trời mát, tốt nhất là vào lúc sáng sớm. Trước khi thả nên ngâm bao cá trong nước khoảng 15 phút, sau đó thả cá từ từ vào lồng nuôi.
5. Cho ăn và quản lý thức ăn
- Thức ăn dùng nuôi cá lăng nha thương phẩm là thức ăn viên công nghiệp độ đạm 30%.
- Cần bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hóa, chế phẩm sinh học,… vào thức ăn giúp cá tiêu hóa tốt hơn và tăng cường sức đề kháng.
- Trước khi cho ăn, thức ăn phải được nhào trộn với nước và khẩu phần ăn trung bình 3 – 4 % so với khối lượng thân.
- Từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 2, cho cá ăn 3 lần/ngày vào sáng, chiều, tối.
- Từ tháng thứ 2 trở đi, ngày cho ăn 2 lần vào sáng sớm và lúc chiều mát.
Bảng 1: Khẩu phần thức ăn cho cá
Giai đoạn nuôi (gam/con) | Tỷ lệ thức ăn hàng ngày theo trọng lượng thân |
< 150 g | 5 – 7 % |
150 – 500 g | 3 – 5 % |
> 500 g | 2 – 3 % |
- Lượng thức ăn buổi tối chiếm 50% tổng lượng thức ăn trong ngày. Phương pháp tính lượng thức ăn: Lượng thức ăn cho cá ăn hàng ngày = Số lượng cá trong ao (con) x khối lượng thân trung bình (g/con) x % thức ăn theo khối lượng.
- Thức ăn được cho vào sàng ăn làm bằng tre (1 x 1 m), được đặt dưới mặt nước 20 – 40 cm.
- Sau 2 giờ cho ăn, kiểm tra sàng ăn. Qua đó ta có thể điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp để tránh hiện tượng thiếu hoặc thừa thức ăn.
- Chà rửa sàng ăn mỗi ngày để tránh nấm, sinh vật ký sinh, vi khuẩn bám làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.
6. Quản lý môi trường nước
Các yếu tố môi trường nước (nhiệt độ, pH, hàm lượng oxy hoà tan, độ trong) được theo dõi thường xuyên và đo bằng các dụng cụ chuyên dùng theo định kỳ để điều chỉnh lượng thức ăn và di chuyển vị trí đặt lồng.
Bảng 2: Quản lý các yếu tố môi trường nước
Các yếu tố môi trường | Giá trị thích hợp |
pH | 6 – 8 |
Oxy hòa tan | > 5 mg/lít |
NH3 | < 0,01 mg/lít |
Độ trong | 50 – 80 cm |
7. Quản lý lồng nuôi
- Treo các túi vôi ở các góc lồng nuôi nhằm khử khuẩn, ổn định môi trường nước, phòng mầm bệnh.
- Khử trùng lồng nuôi 15 ngày/lần bằng BKC 0,5 lít/1000 m3 nước hoặc Sanmolt F 0,7 – 1 lít/1000 m3, phun trực tiếp xuống bè.
- Hàng ngày quan sát hoạt động của cá trong các lồng nuôi, khả năng bắt mồi và các hiện tượng bất thường khác để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi (1 lần/tuần), đặc biệt vào mùa mưa nước trong hồ mang nhiều phù sa và lắng đọng nhiều ở đáy lồng. Việc vệ sinh lồng diễn ra trước khi cho ăn.
- Loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng.
- Vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra các dây neo bè, di chuyển lồng bè vào vị trí an toàn.
8. Thu hoạch
Sau 13 tháng nuôi, cá lăng nha đạt kích cỡ thương phẩm 1 kg/con thì có thể thu hoạch.
Bảng 3: Các chỉ tiêu kỹ thuật
TT | Chỉ tiêu | ĐVT | Giá trị |
1 | Kích cỡ giống | gam/con | 50 |
2 | Mật độ | con/m3 | 60 |
3 | Tỷ lệ sống | % | 90 |
4 | Kích cỡ cá thương phẩm | kg/con | 1 |
5 | Năng suất | kg/m3 | 54 |
6 | Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) |
| 3,45 |
7 | Thời gian nuôi | tháng | 13 |
Lưu ý: Sử dụng thức ăn viên công nghiệp (CP,UP hoặc Grobest) độ đạm 30%.
Thành Nguyên
Trung tâm Khuyến nông Bình Định/ Khuyennongvn.gov