Kỹ thuật nuôi cua xanh thương phẩm

Kỹ thuật nuôi cua xanh thương phẩm
Nuôi cua thương phẩm trong ao đất chi phí đầu tư ít nhưng giá trị kinh tế mang lại rất lớn, đặc biệt là ít rủi ro hơn so với nuôi tôm. TSVN giới thiệu cùng bạn đọc kỹ thuật nuôi cua xanh trong ao đất.
Lựa chọn vị trí ao nuôi

Ao nuôi cua nằm ở vùng trung hoặc cao triều, có nguồn nước tốt, không bị ô nhiễm. Nước cấp cho ao nuôi có độ mặn từ 15-25‰.
Diện tích ao từ 3.000 - 10.000m2, chất đáy là bùn cát, mỗi ao có cống cấp và thoát nước, bờ ao chắc chắn, không rò rỉ. Mực nước trong ao dao động từ 0,8 - 1,5m.
 
 

Chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi tháo cạn nước, phơi khô đáy ít nhất 15 ngày. Sau đó bón vôi với lượng 1.000 - 1.500 kg/ha tùy thuộc vào pH đất và nước.
Dùng lưới 2a = 1cm, khổ lưới cao 0,5 - 0,7m để bao quanh ao, tránh cua đi mất.
Cấp nước vào ao nuôi, khi đảm bảo các yếu tố như: pH từ 7,2 - 8; ôxy hòa tan từ 4 - 6mg/l; nhiệt độ nước >200C... thì tiến hành thả giống.
 
Chọn và thả giống

Cua giống khỏe mạnh, có kích thước đồng đều, chân và phần phụ đầy đủ. Tùy thuộc vào kích cỡ cua: cua hột tiêu thả với mật độ 2 - 3 con/m2; cua hột me thả từ 1 - 2 con/m2. Trước khi thả giống cần tắm cho cua giống bằng formalin để phòng bệnh.
Thả giống vào lúc trời mát, thả ở nhiều điểm để cua phân bố khắp ao.
 
Chăm sóc và quản lý

Thức ăn của cua xanh nên phối hợp với tỷ lệ là: cá tạp (60%), nhuyễn thể (30 - 40%), giáp xác nhỏ (10%). Bên cạnh đó, bổ sung thức ăn tổng hợp dạng viên. Lượng thức ăn hàng ngày từ 4 - 6% trọng lượng thân.

Thức ăn cho vào sàng ăn, đặt đều trong ao. Ngày cho ăn 1 - 2 bữa, thời điểm cua ăn mồi mạnh nhất từ 17 - 19h.

Lưu ý: Cần kiểm tra lượng thường xuyên để tránh tình trạng cua bị thiếu thức ăn, cua đói sẽ tranh ăn và cua lớn sẽ ăn thịt cua bé, gây hao hụt. Vì vậy, cần dự trữ thức ăn khô (cá khô), những ngày không có thức ăn tươi có thể dùng thức ăn khô.

Hàng ngày kiểm tra chất lượng nước và sức khỏe cua, đặc biệt là bệnh tật do ký sinh trùng gây ra và tìm biện pháp phòng trị.
Càng về những tháng cuối, môi trường càng ô nhiễm, vì vậy cần thay nước thường xuyên để đảm bảo nước sạch, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý khí độc trong ao.
 
Thu hoạch

Sau khoảng 4 - 6 tháng nuôi, có thể bắt đầu thu hoạch cua theo cách thu tỉa những con đạt cỡ thương phẩm. Việc thu tỉa sẽ giúp giảm mật độ cua, hạn chế được hiện tượng cua ăn nhau.

 Trong ao nuôi cua thương phẩm cần bố trí nơi ẩn nấp cho cua bằng cách thả chà bằng tre, gỗ, lốp xe... để khi cua lột có nơi ẩn nấp và lột xác được dễ dàng hơn, tránh bị ăn thịt khi lột xác, từ đó nâng cao được tỷ lệ sống.


Theo thuysanvietnam