Kỹ thuật nuôi lợn nái sau khi sinh và lợn con theo mẹ

Thời kỳ này lợn nái cần lượng nước rất lớn để tiết sữa nuôi con. Trung bình lợn nái và đàn lợn con cần 35 – 50 lít nước/ngày tuỳ theo điều kiện nhiệt độ và thời tiết.
1. Chăm sóc lợn nái sau khi sinh:
Thời kỳ này lợn nái cần lượng nước rất lớn để tiết sữa nuôi con. Trung bình lợn nái và đàn lợn con cần 35 – 50 lít nước/ngày tuỳ theo điều kiện nhiệt độ và thời tiết. Cần cung cấp đủ nước sạch cho đàn lợn uống. Lượng sữa lợn nái tiết ra ngay sau khi đẻ sẽ tăng dần cho đến ngày thứ 20 – 25 thì bắt đầu giảm dần. Cần cho lợn mẹ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để có thể tiết nhiều sữa nuôi con và lợn nái ít bị hao mòn. Lợn nái có thể trạng vừa phải sẽ tiết sữa cao, lợn nái quá béo sẽ tiết sữa kém.
 
Chăm sóc lợn nái sau khi sinh
 
Theo dõi số lượng nhau ra bằng cách gom nhau lại bỏ vào xô có nắp đậy, đếm số cuống rốn phải bằng số con đẻ ra.
 
Dùng nước muối sinh lý 0,9%, thuốc tím 0,1% lau rửa mép âm môn, rửa bầu vú trước khi cho lợn con bú.
 
Theo dõi tình trạng sức khỏe lợn mẹ sau khi đẻ; màu sắc, lượng và mùi dịch hậu sản; kiểm tra thân nhiệt lợn mẹ ngày 2 lần (sáng, chiều) liên tục trong 3 ngày đầu để can thiệp kịp thời, tránh trường hợp lợn mẹ bị sốt gây mất sữa, nếu sốt cao phải tiêm hạ sốt và tùy nguyên nhân cụ thể mà can thiệp.
 
Thường xuyên quan sát theo dõi đàn lợn, tránh hiện tượng lợn mẹ đè chết lợn con.
 
Cho lợn mẹ uống nước sạch có pha thêm muối, ngày đầu sau sinh thường cho ăn cháo, hoặc thức ăn hỗn hợp với số lượng ít (tránh viêm vú), sau đó cho ăn tự do.
 
Thức ăn và cách cho ăn: Khẩu phần ăn cho lợn nái đẻ phụ thuộc vào số lượng lợn con theo mẹ và thể trạng của lợn nái.
 
Lượng thức ăn cho nái sau đẻ tăng dần từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 7. Từ ngày thứ 8 trở đi cho lợn nái ăn theo khả năng. Nếu lợn nái nuôi từ 8 – 10 con thường cho lợn nái ăn 3,5 – 4,5 kg/ngày. Lợn nái nuôi trên 10 con cho ăn 4,5 – 6 kg/ngày.
 
Cho lợn nái ăn từ 4 – 5 bữa/ngày sẽ giúp lợn ăn được nhiều hơn và tiêu hoá tốt hơn. Mùa hè nên cho ăn nhiều vào buổi sáng sớm và buổi chiều mát.
 
Có máng ăn, máng uống riêng và cung cấp đủ nước sạch cho lợn mẹ uống.
 
Xử lý hiện tượng viêm vú của lợn nái nuôi con:
 
Biểu hiện của viêm vú: Bầu vú sưng đỏ và nóng, lợn nái không chịu cho lợn con bú, thân nhiệt lợn nái lên tới 40 độ C.
 
Dùng vải mềm tẩm nước nóng (60 độ C) xoa bóp bầu vú và nặn bỏ sữa đi để vú bớt căng sữa và điều trị kháng sinh theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
 
Khi lợn mẹ bị viêm vú, lợn con cần được cho uống dung dịch đường glucose 30% từ 2 – 3 lần/1 ngày, mỗi lần uống 10 ml/1 con.
 
Vệ sinh thú y: Vệ sinh chuồng trại máng ăn, máng uống thường xuyên, giữ chuồng luôn khô ráo sạch sẽ, che chắn để tránh mưa tạt, gió lùa.
 
Trong 3 tuần đầu sau khi đẻ, không nên tắm cho lợn mẹ và lợn con.
 
2. Chăm sóc lợn con theo mẹ
 
Bấm nanh và cắt đuôi: Bấm nanh và cắt đuôi cho lợn con sau 1 ngày tuổi (khi bú no sữa đầu và ngủ dậy). Để chống nhiễm trùng và cầm máu nên dùng kìm (kéo) nhiệt, không nên bấm nanh quá sát lợi, cắt đuôi sát khấu đuôi.
 
Sau khi bấm nanh, cắt đuôi, thả lợn con vào chuồng úm đã lót sẵn rơm, lá chuối khô hoặc vải mềm và đèn úm đã được bật. Do khả năng điều tiết thân nhiệt rất kém, sức đề kháng yếu, rất nhạy cảm với những tác động bất lợi của môi trường, vì vậy, cần giữ cho lợn con đủ ấm, tránh bị gió lùa.
 
Giữ ấm cho lợn con: Quan sát trạng thái của lợn con để xác định nhiệt độ có phù hợp không, khi con nọ nằm cạnh con kia là nhiệt độ thích hợp. Chú ý giữ đủ nhiệt cho lợn con trong những ngày đầu (1-7 ngày) đặc biệt vào mùa đông, giá lạnh thường làm cho lợn con bị viêm phổi, tiêu chảy và tỷ lệ chết rất cao.
kĩ thuật nuôi lợn nái sinh sản
 
Cho lợn con bú: Cho lợn con bú sữa đầu càng sớm càng tốt (sữa của lợn nái 3 ngày đầu sau đẻ) vì là nguồn cung cấp kháng thể giúp lợn con đề kháng bệnh tật, đặc biệt trong 3 tuần đầu.
 
Cố định vú bú, giữ cho những con yếu, nhỏ trong đàn được bú hai cặp vú đầu liên tục trong 2 – 3 ngày đầu để giúp đàn lợn con phát triển đồng đều.
 
Nếu số lợn con đẻ ra nhiều hơn số vú của lợn mẹ thì nên chia làm hai nhóm và thực hiện cho bú luân phiên. Nhóm 1 bú xong cho vào ổ ấm, chờ lợn mẹ xuống sữa tiếp (sau 1 – 2 giờ) cho nhóm 2 bú. Hai ngày đầu cứ 1 giờ cho bú một lần. Dùng mực màu đánh dấu 2 nhóm lợn để dễ phân biệt khi bắt lợn con cho bú theo đợt.
 
Tiêm sắt cho lợn con: Cần bổ sung sắt để chống thiếu máu cho lợn con. Tiêm vào bắp cổ hoặc cơ đùi dung dịch sắt (Dextran Fe). Tiêm vào vị trí cơ bắp cổ sẽ dễ hơn.
 
Lợn nội cần được tiêm hai lần. Lần tiêm thứ 1 vào ngày thứ 3 sau đẻ, liều 1 ml (100 mg). Lần tiêm thứ 2 vào ngày thứ 10 sau đẻ, liều 1ml (100 mg).
 
Lợn lai F1, lợn ngoại chỉ cần tiêm 1 lần 2ml (200 mg) vào ngày thứ 2-3 sau đẻ.
 
Thiến lợn con: Lợn đực không làm giống nên thiến vào lúc 7 – 10 ngày tuổi.
 
Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ: dao thiến sắc không rỉ, panh kẹp, kim khâu cong, chỉ, bông và cồn I-ốt 2,5%, thuốc kháng sinh dạng bột…
 
Đề phòng nhiễm trùng sau khi thiến: Sát trùng dụng cụ trước khi thiến; Sát trùng vị trí mổ trên bao tinh hoàn bằng cồn I-ốt. Rắc bột kháng sinh vào vết mổ trước khi khâu. Sau khi khâu xong vết mổ, sát trùng lại một lần nữa bằng cồn I-ốt.
 
Cho lợn con tập ăn sớm:
 
Lợn con sau sơ sinh có tốc độ lớn rất nhanh. Sau 10 ngày tuổi khối lượng có thể tăng gấp 2 lần, 20 ngày tuổi tăng gấp 5 lần khối lượng sơ sinh. Cần coi trọng đặc điểm này để chăm sóc nuôi dưỡng tốt cho lợn con lớn nhanh nhất đồng thời khi lượng sữa mẹ đã giảm và giúp cai sữa sớm cho lợn con, nên chuẩn bị sẵn thức ăn tập ăn cho lợn con. Lợn con có bộ máy tiêu hoá phát triển chưa hoàn chỉnh, do đó thức ăn cho lợn con tập ăn phải phù hợp và dễ tiêu hoá: Thức ăn tự phối chế hoặc thức ăn hỗn hợp phải có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ tiêu, ngon miệng và đảm bảo vệ sinh. Thức ăn tự phối chế phải nấu chín, để nguội trước lúc cho ăn và không dùng thức ăn đã bị ôi chua, kém chất lượng.
 
Cách cho lợn con tập ăn: Cho lợn con tập ăn từ lúc 7 ngày tuổi. Cho lợn làm quen dần với thức ăn bằng cách bôi thức ăn vào bầu vú của lợn mẹ hoặc bôi vào miệng của lợn con hoặc rắc thức ăn viên cho lợn làm quen.
 
Cho lợn con ăn nhiều lần trong ngày.
 
Vệ sinh máng ăn, máng uống thường xuyên (2 – 3 lần/ngày). Không giữ thức ăn lâu trong máng gây lên men chua, dẫn đến bệnh tiêu chảy, phân trắng ở lợn con.
 
Lịch dùng thuốc và vắc xin cho lợn con theo mẹ:
 
2-3 ngày 7-10 ngày 21-23 ngày 21 -28 ngày
 
Sắt Myco 1 Myco 2 Cai sữa
 
Chú ý: Ở những vùng có bệnh tai xanh, cần tiêm vắc xin tai xanh, lợn từ 14 – 30 ngày tuổi, tiêm 1ml/con, sau 28 ngày tiêm nhắc lại 2ml/con, 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.
 
Tuổi cai sữa ở lợn ngoại thường là 21 ngày tuổi, lợn lai là 28 ngày tuổi.
 
Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia