Kỹ thuật nuôi lươn không bùn.
- Thứ sáu - 23/06/2017 03:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mô hình nuôi lươn không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý, chăm sóc
Xây dựng bể nuôi lươn không bùn
Bể hình chữ nhật, diện tích 6 - 20 m2, chiều cao khoảng 0,7 - 1 m. Được xây bằng xi măng. Mặt trong ốp gạch men/gạch tàu hoặc lót bạt (để tránh cho lươn bị trầy xướt) hay đơn giản hơn là dùng tre đóng thành khung nổi trên mặt đất và lót bạt. Bố trí 2 ống cấp và thoát nước nằm đối diện ở 2 góc của bể, riêng ống cấp có đường kính 42 mm được thiết kế nhiều lỗ nhỏ dạng vòi sen nhằm cung cấp ôxy cho bể nuôi trong quá trình thay nước.
Giá thể cho lươn trú ẩn (đồng thời là “sàn ăn”) gồm 3 khung tre (gỗ) đặt chồng lên nhau chiếm khoảng 1/3 diện tích bể, mỗi khung bao gồm các thanh tre (gỗ) được đóng song song cách nhau 10 cm. Khung trên cùng được đan thêm các dây nilon để có thể giữ được thức ăn khi cho lươn ăn.
Chọn giống và thả giống nuôi
Sử dụng lươn giống thu gom từ tự nhiên kích cỡ tốt nhất là 40 - 60 con/kg. Chọn lươn giống đồng cỡ có da màu sáng, nhiều nhớt, hoạt động nhanh nhẹn, không xây xát, không đỏ rốn. Lươn có màu vàng sẫm, phát triển tốt nhất. Không chọn lươn câu bằng lưỡi câu, nhử thuốc, kích điện hay bị vuốt làm gãy sống lưng (chất lượng con giống yếu và hao hụt nhiều).
Mật độ thả nuôi thích hợp 200 - 250 con/m2. Trước khi thả vào bể, lươn phải được sát trùng bằng cách tắm với nước muối loãng nồng độ 3 - 5% trong 15 phút.
Thức ăn
Trong tuần đầu tiên nuôi, chỉ nên cho lươn ăn giun đất và chỉ ăn vào buổi tối. Sau này, khi lươn đã quen với điều kiện nuôi thả của gia đình, có thể ăn các loại thức ăn khác nhau như cá, ốc, cua… được nghiền nhỏ. Lưu ý, không cho lươn ăn thức ăn ôi, với thức ăn thừa nên vớt ra khỏi bồn tránh làm ô nhiễm nguồn nước.
Cho ăn: Trong 2 tháng đầu cho ăn 1 lần/ngày, sau 2 tháng cho ăn 2 lần/ngày, sáng 7 giờ, chiều 17 giờ. Lượng thức ăn cho lươn nhỏ: 3 - 4% trọng lượng lươn; lươn lớn: 5 - 8%. Chú ý tránh cho thiếu thức ăn vì khi đó lươn có thể ăn thịt lẫn nhau.
Chăm sóc
Là loài thủy sản có da không vảy nên lươn rất mẫn cảm với chất lượng nước của môi trường sống. Giữ nước sạch, hàm lượng ôxy hòa tan trên 2 mg/l. Thay nước bể lươn mỗi ngày (100%) sau khi cho từ ăn 2 - 3 giờ để giữ nước bể nuôi luôn sạch. Luôn duy trì mực nước trong ao khoảng từ 30 - 35 cm vừa ngập các giá thể. Hàng ngày, kiểm tra loại bỏ lươn chết và thường xuyên kiểm tra cống để tránh lươn thoát ra ngoài. Lươn thả nuôi sau 1 tháng rưỡi tiến hành phân loại nhằm tránh lươn ăn nhau. Trời nắng, nóng nâng mức nước đến 40 cm. Duy trì nhiệt độ nước bể nuôi trong khoảng 23 - 280C, nhiệt độ thấp (lạnh) thì tháo cạn nước trong bể, đắp lên đáy bể 1 lớp rơm hay cỏ, để giữ ấm cho lươn và thông khí cho lươn thở.
Phương pháp phòng bệnh khị nuôi lươn không bùn
Đây là biện pháp kỹ thuật quan trọng tác động rất lớn đến hiệu quả sản xuất do lươn được nuôi với mật độ cao, chất thải của lươn và thức ăn dư thừa làm môi trường nước ô nhiễm, nguy cơ phát sinh bệnh rất cao. Vì thế, định kỳ cần sát trùng bể để hạn chế mầm bệnh. Sổ giun cho lươn bằng các sản phẩm trị nội ký sinh (2 tuần/lần).
Nên bổ sung thêm men tiêu hóa, Vitamin C, khoáng để hỗ trợ tiêu hóa, bổ sung dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho lươn nuôi, đồng thời cho ăn thức ăn sạch, giữ vệ sinh bể nuôi và thường xuyên theo dõi hoạt động của lươn để có biện pháp điều trị thích hợp khi dịch bệnh xảy ra.
Thu hoạch
Nếu thả giống lớn, sau 5 tháng nuôi có thể lựa chọn lươn lớn để bán, sau 6 tháng lươn đạt kích cỡ 200 - 250 g/con thì tiến hành thu hoạch toàn bộ. Để nâng cao hiệu quả nên tính toán thời vụ nuôi thích hợp sao cho thu hoạch rơi vào thời điểm gần đến sau Tết Nguyên đán sẽ bán được giá cao.
Mô hình nuôi lươn không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý, chăm sóc, nhu cầu tiêu thụ loại lươn này rất lớn, tận dụng được diện tích đất nhỏ trong gia đình để nuôi.