Màu xen liếp mía, lấy ngắn nuôi dài

Màu xen liếp mía, lấy ngắn nuôi dài
Trồng xen màu trên liếp mía được xem là mô hình “lấy ngắn nuôi dài” do tận dụng được không gian, thời gian khi mía còn nhỏ, tăng thu nhập cho nông dân trên cùng diện tích canh tác.

Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía nhiều nhất khu vực ĐBSCL, với khoảng 11.000ha, trong đó riêng huyện Phụng Hiệp chiếm 7.500ha. Để nâng cao thu nhập cho nông dân, thay đổi tập quán sản xuất, phá vỡ thế độc canh, Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang đã xây dựng dự án “Trồng xen canh rẫy dây trên liếp mía”, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.

17-55-07_trong_xen_mu_tren_liep_mi_duoc_xem_l_mo_hinh_ly_ngn_nuoi_di_giup_tng_thu_nhp_cho_nong_dn_tren_cung_dien_tich_cnh_tc_2
Trồng xen màu trên liếp mía giúp tăng thu nhập cho nông dân trên cùng diện tích canh tác

Cây màu trồng xen trên liếp mía chủ yếu là các loại dây leo (nông dân gọi là rẫy dây) như: dưa leo, khổ qua, bầu, mướp... được trồng chủ yếu ở đầu liếp. Ông Giang Trung Tính ở ấp Sậy Nếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, có 0,6ha đất canh tác mía, trồng được 400 tầm dưa leo xen ở đầu các liếp, cho biết: “Dưa leo từ khi xuống giống đến thu hoạch chỉ khoảng 30 - 35 ngày, tôi thu được 6.700kg (thời gian thu hoạch kéo dài 20 - 30 ngày), bán giá 7.000 đồng/kg, doanh thu gần 47 triệu đồng. Trong khi chi phí mua hạt giống, phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc chưa tới 9 triệu đồng, tính ra lợi nhuận rất cao”.

Theo ông Tính, độc canh cây mía thời gian rất dài, mỗi năm thu hoạch được 1 vụ, chi phí đầu tư cao, đầu ra bấp bênh nên lợi nhuận không được nhiều. Nhờ tham gia mô hình xen canh rẫy dây trên liếp mía mà nông dân nhanh có thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Mỗi vụ mía nông dân có thể trồng xen canh được 2 vụ rẫy, với nguồn thu nhập tăng thêm đáng kể.

Ông Bành Đức Tín, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang cho biết, năm 2016, đơn vị đã triển khai dự án “Trồng xen canh rẫy dây trên liếp mía” với tổng diện tích 3ha, có 12 hộ nông dân ở các xã Phụng Hiệp, Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp) tham gia, mỗi hộ 0,25 - 0,3ha. Nông dân tham gia được hỗ trợ hạt giống (dưa leo, khổ qua), một phần phân bón hữu cơ vi sinh, được tập huấn quy trình kỹ thuật... Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, lợi nhuận nông dân thu được đạt gần 40 triệu đồng/ha sau mỗi mùa rẫy.

“Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tiếp tục triển khai và vận động nông dân nhân rộng mô hình này, do mang lại nhiều lợi ích cả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Về kinh tế, do thu hoạch được hai đối tượng (rau màu và mía) trên cùng một diện tích nên tăng thu nhập. Quá trình canh tác, sử dụng phân bón hữu cơ nên giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, áp dụng biện pháp quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM), hạn chế phun thuốc BVTV, góp phần bảo vệ thiên địch, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra sạch phẩm sạch...”, ông Tín chia sẻ về hiệu quả dự án.

Đ.T.CHÁNH/ Nông nghiệp