Một số kinh nghiệm nuôi ghép cua với cá dìa tại Bình Định (phần 1)

Một số kinh nghiệm nuôi ghép cua với cá dìa tại Bình Định (phần 1)
Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện Hoài Nhơn và Phù Cát xây dựng mô hình “Nuôi ghép cua với cá dìa” tại những vùng có ao nuôi đạt hiệu quả thấp.

Đây là bước đi quan trọng nhằm hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản giảm bớt các rủi ro về dịch bệnh, cải thiện môi trường sinh thái vùng nuôi và góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi thủy sản. Mô hình thành công đã mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản ngày càng ổn định và bền vững hơn. Dưới đây xin giới thiệu với bà con một số kinh nghiệm triển khai mô hình này như sau:

1. Lựa chọn địa điểm

- Nên chọn nơi giao thông thuận tiện, có điện lưới, đảm bảo an ninh.

- Bờ ao chắc chắn, giữ được nước, có cống cấp và cống thoát nước. Chất đáy cát bùn, bùn cát.

- Ao nuôi nằm ở vùng cao triều hoặc trung triều, nơi có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm do chất thải nông, công nghiệp và sinh hoạt.

- Ao có mực nước sâu trên 1 m.

- Diện tích ao nuôi: > 3.000 m2.

2. Chuẩn bị ao nuôi

a. Cải tạo ao

- Tháo cạn nước. Nếu cần, đào mương thoát ở giữa ao hoặc xung quanh ao sao cho dốc về phía cửa thoát để nước chảy ra dễ dàng.

- Phơi khô cho đến khi đất đáy ao nứt ra để thúc đẩy nhanh quá trình oxy hóa, giải phóng khí độc và khử các loài vi sinh vật không cần thiết.

- Vét bùn đáy và mang ra xa ao để đề phòng không chảy ngược lại ao khi có mưa lớn.

- Thau rửa ao bằng cách lấy nước vào đến độ sâu 30 cm, giữ trong 24 giờ rồi tháo ra.

- Gia cố cống, làm đăng lưới chắn quanh cống, phía trong ao. Tu sửa lại những nơi xung yếu, lấp hết những lỗ mọi để tránh thất thoát nước, thẩm lậu.

- Ao có đăng chắn quanh bờ bằng lưới nylon loại thưa hoặng đăng tre,... nghiêng về phía trong ao một góc 600, đăng phải cao từ 0,8 – 1 m.

- Trong ao nên bỏ chà cho cua ẩn nấp, cắm chà đều khắp ao, số lượng nhiều hơn ở khu vực gần bờ.

b. Bón vôi

Sau khi cải tạo ao, tiến hành bón vôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Tùy vào giá trị pH đất ở mỗi ao nuôi khác nhau mà ta tiến hành bón lượng vôi khác nhau:

Độ pH đất

Vôi nông nghiệp CaCO3(tấn/ha)

Vôi tôi Ca(OH)2 (tấn/ha)

> 6

1

0,5

5 – 6

2

1

< 5

3

1,5

c. Gây màu nước

Hai ngày sau khi cấp nước vào ao nuôi, tiến hành gây màu  nước bằng một trong 2 cách:

* Cách 1: Cám gạo + bột đậu nành + bột cá phối trộn theo tỷ lệ 2:2:1. Nấu chín, ủ trong 2 – 3 ngày.

+ Bước 1: Lúc 7 – 8h sáng: bón vôi đen Dolomite CaMg(CO3)2 hoặc vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 100 – 150 kg/1.000 m3.

+ Bước 2: Lúc 10 – 12h trưa: bón cám ủ liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3.

Lặp lại 2 bước trên liên tục trong 3 – 5 ngày đến khi độ trong của nước đạt 30 – 40 cm.

* Cách 2: Mật đường + cám gạo + bột đậu nành theo tỷ lệ 3:1:3, ủ trong 12 giờ.

Lúc 9 – 10 giờ sáng: bón mật đường + cám gạo + bột đậu nành đã qua ủ với liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3 nước ao, tạt liên tục 3 ngày.

* Các chỉ tiêu môi trường trước khi thả:

- Oxy hòa tan: > 4 ppm

- NH3: < 0,1 ppm

- pH nước: 7,5 – 8,5

- Độ trong: 30 – 40 cm

- Nhiệt độ: 28 – 32oC

- Độ mặn: 10 – 25‰

- Độ sâu của nước: 1 – 1,5 m

- Màu nước: xanh lá cây pha nâu.

3. Chọn giống và thả giống

a. Chọn giống

- Cua giống có kích thước đồng đều, linh hoạt; không bệnh tật, dị hình; màu sắc tươi sáng, đầy đủ các phần phụ và khỏe mạnh. Cua có chiều mai rộng từ 0,5 – 0,7 cm.

 

Chọn cua giống có kích thước đồng đều

 

- Cá dìa giống có màu sắc tươi sáng, không dị hình, không bị sây sát, lở loét. Cá hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, kích cỡ tốt nhất 4 – 6 cm.

 

Chọn cá dìa giống có màu sắc tươi sáng, nhanh nhẹn

 

b. Thả giống

- Mật độ thả giống: cua 2 con/m2, cá dìa 0,2 con/m2.

- Cua 1, 2 kích cỡ 0,5 – 0,7cm sau 20 ngày thả nuôi đạt kích cỡ khoảng 2cm thì sau đó mới tiến hành thả cá dìa.

- Trước khi thả giống cần so sánh các yếu tố môi trường (pH, độ mặn, độ kiềm,...) để điều chỉnh, tránh gây sốc cho đối tượng nuôi.

- Nên thả giống lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Chọn đầu hướng gió để thả.

- Đối với cua, thả ở nhiều điểm trong ao để cua tự bò xuống. Những con yếu thường nằm tại chỗ hoặc bò chậm thì thu lại cho vào giai để theo dõi, nếu phục hồi thì tiếp tục thả nuôi.

Thành Nguyễn/ KNVN