Một số kinh nghiệm thực hiện mô hình trình diễn tái canh cà phê tại Đắk Nông

Để ngành cà phê Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng phát triển ổn định, bền vững ổn định thị phần xuất khẩu trên thế giới thì vấn đề tái canh lại diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp đang được áp dụng, triển khai đồng bộ bằng các loại cà phê giống mới năng suất cao, ổn định.

Tuy nhiên, vấn đề tái canh cà phê hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề sâu bệnh gây hại đối với cây cà phê trồng lại trên đất tái canh. Qua quá trình thu thập, điều tra tại các vùng trồng cà phê trọng điểm thì đa số các hộ tái canh đều bị thất bại sau 2-3 năm trồng, thậm chí có những vườn bước vào giai đoạn kinh doanh vẫn còn bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ và chết hàng loạt. Nguyên nhân chính là do các hộ trồng tái canh cà phê chủ quan không áp dụng đúng quy trình trồng, chăm sóc đối với việc tái canh cà phê, cụ thể: xác định mật độ nấm, tuyến trùng trong đất trước khi trồng lại để có giải pháp xử lý phù hợp, xử lý cải tạo đất, cày bừa thu gom tàn dư thực vật, loại bỏ rễ của cây cà phê ở chu kỳ trước, luân canh với cây trồng khác họ.

Đứng trước thực trạng trên, bằng nguồn kinh phí của Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tỉnh Đắk Nông, trong năm 2017, 2018 Trung tâm Khuyến nông kết hợp với chính quyền địa phương các xã thuộc các huyện, thị xã để khảo sát và chọn các điểm triển khai mô hình trình diễn với quy mô 27 mô hình, mỗi mô hình có diện tích 0,5 ha/hộ. Bên cạnh việc thực hiện các mô hình kết hợp tổ chức hội thảo để tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong tái canh cà phê. Thông qua mô hình các hộ dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn chuyển giao quy trình tái canh cà phê bền vững do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành nhằm hạn chế sâu bệnh hại rễ do nấm, tuyến trùng gây hại bệnh vàng lá thối rễ.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cây giống, hạt giống và 50% vật tư các loại trong thời gian cây cà phê ở giai đoạn kiến thiết cơ bản. Các loại vật tư sử dụng cho mô hình đảm bảo đúng số lượng, chủng loại, chất lượng và kịp tiến độ theo yêu cầu của hợp đồng, thời vụ và nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng. Giống cà phê được sử dụng cho mô hình là các dòng vô tính (TR4, TR9, TR11) được Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên chọn tạo có ưu thế vượt trội như: giữ nguyên đặc tính của cây mẹ, độ đồng đều và năng suất cao, ổn định.

Về kết quả triển khai đến thời điểm hiện nay: Tỷ lệ cây sống đạt trung bình 96%. Tỷ lệ cây bị bệnh vàng lá trung bình 5%. Về chỉ tiêu sinh trưởng của cây: chiều cao cây trung bình 110 - 130cm, đường kính tán trung bình 120-130 cm, đường kính thân trung bình 2,4- 3,0 cm (không tính cây trồng dặm), số cặp cành 14 - 17 cặp. Mô hình triển khai đảm bảo yêu cầu và được bà con nông dân đồng tình hưởng ứng và đánh giá cao.

 

Các đại biểu tham quan mô hình tái cánh cà phê thuộc dự án VnSat

 

Như vậy, để tái canh cây cà phê thành công, hiệu quả cần thực hiện đồng bộ các biện pháp tổng hợp từ việc chọn cây giống, xử lý đất, cày bừa kỹ, rà rễ sạch, luân canh đảm bảo thời gian, đồng thời phải thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình kỹ thuật, chú trọng bón bón phân hữu cơ. Áp dụng tốt một số nội dung sau nội dung sau:

 Về khâu làm đất, đào hố: Trước khi làm đất thì phải xác định vườn cây để đưa ra phương án trồng ngay hay luân canh, bằng biện pháp phân tích chẩn đoán mật độ tuyến trùng trong đất, rễ cây cà phê của niên vụ trước.

Thứ nhất: Trước khi tái canh cần tiến hành kiểm tra vườn cây và phân tích mật độ tuyến trùng, nấm bệnh gây hại cà phê ở độ sâu từ 0 - 30 cm để xác định thời gian luân canh, cải tạo tiếp theo. Có thể tái canh ngay ở các vườn cà phê có tỷ lệ nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ nhẹ <10%, luân canh 1 năm khi vườn cây có tỷ lệ nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ  <20% và luân canh 2 năm khi vườn cây có tỷ lệ nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ >20%. Các loại cây luân canh là cây đậu đỗ, ngô, bông vải, cây phân xanh họ đậu (cây muồng hoa vàng)...

Thứ hai: Sau thu hoạch tiến hành dùng máy nhổ vườn cà phê cần tái canh và thu gom toàn bộ thân, cánh, lá, rễ ra khỏi vườn. Cày 2 lần ở độ sâu 40 cm theo chiều ngang và chiều dọc của lô. Sau 1,5 - 2,0 tháng phơi đất, tiến hành bừa ở độ sâu 20 - 30 cm theo chiều ngang và chiều dọc lô. Trong quá trình cày bừa tiếp tục gom nhặt rễ còn sót lại và đốt. Trước khi bừa lần 1, bón rải đều trên bề mặt đất 1.000 kg vôi bột/ha.

Thứ ba: Thời gian đào hố: vào cuối mùa khô (tháng 3 - 4); Khoảng cách hố: 3 x 3 m (mật độ 1.111 hố/ha); Kích thước hố: 80 x 80 x 80 cm (dài x rộng x sâu), hố trồng tái canh cà phê không đào trùng với hố trồng cà phê đã thanh lý. Trong thời gian này người dân có thể trồng một số loại cây để cải tạo đất như cây họ đậu, muồng hoa vàng....

Thứ 4: Bón lót: Phân chuồng hoai mục, vôi, phân lân trộn đều với lớp đất mặt cho xuống hố, theo lượng bón như sau: 15-18 kg phân chuồng + 0,7-1 kg vôi + 0,5 kg lân nung chảy/hố. Công việc đào hố và bón lót phải hoàn thành ít nhất 01 tháng trước khi trồng. Trước khi trồng và sau khi trồng nên phun một số loại thuốc phòng trừ nấm, tuyến trùng gây hại.

Về khâu chọn giống và tiêu chuẩn cây giống: Tiến hành chọn các loại giống có năng suất cao, phẩm chất tốt, cây giống khỏe, sạch nguồn bệnh có nguồn gốc rõ ràng được mua tại các cơ sở tin cậy. Các dòng được người dân lựa chọn là TR4, TR9, TR12,... do Viện KHKTNLN Tây Nguyên chọn tạo, dòng cà phê Dây do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông công nhận. Tiêu chuẩn cây giống phải tuân thủ theo quy trình tái canh cà phê vối do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Quyết định số 2085/QĐ-BNN -TT ngày 31/5/2016.

Về chăm sóc, bón phân: Chia nhỏ lượng phân bón trong năm, bón cân đối phân hoá học và bón đa dạng các loại phân, đặc biệt chú trọng bón phân hữu cơ. Với phân vô cơ thì dùng phân đơn bón theo từng thời điểm cây cần N,P,K mà không bón kết hợp cùng một lúc. Ngoài ra cần phải bón vôi theo định kỳ để cải tạo đất. Mở rộng bồn theo tán cây để rễ cây phát triển theo nhiều hướng, việc làm bồn được thực hiện ngay năm trồng đầu tiên để đất tơi xốp, tạo điều kiện cho rễ phát triển. Tích cực sử dụng các chế phẩm sinh học có chứa các chủng vi sinh đối kháng nấm bệnh tuyến trùng và chú ý phòng trị bệnh hại rễ, côn trùng tiềm ẩn trong đất.

Về phương pháp trồng cây che chắn gióNên trồng xen, trồng cây che bóng trong vườn cà phê như sầu riêng, bơ vừa che bóng vừa cho thu nhập. Trong những năm đầu kiến thiết cơ bản nên trồng các loại cây họ đậu và cây muồng hoa vàng để cải tạo đất. Đối với các giống cà phê cao sản cho năng suất cao do đó đòi hỏi chế độ chăm sóc cũng như lượng phân đầu tư phải cao hơn những giống cà phê trước đây.

Để khắc phục tình trạng vườn cà phê tái canh bị nhiễm bệnh hại rễ gây vàng lá và chết đang xảy ra tại nhiều vườn hiện nay, ngoài các kinh nghiệm trên bà con nông dân nên áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 2085/QĐ-BNN -TT ngày 31/5/2016.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông
http://www.khuyennongvn.gov.vn/