Một số loại thuốc sát trùng, tiêu độc sử dụng trong chăn nuôi

Xác định thuốc sát trùng, tiêu độc nhằm trang bị cho người chăn nuôi những kiến thức cơ bản về một số thuốc sát trùng, tiêu độc thường dùng. Đây là những loại thuốc độc hại đối với mọi vi sinh vật gây bệnh nhưng trong quá trình sử dụng không ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu cách sử dụng một số loại thuốc sát trùng, bà con có thể tham khảo:
Một số loại thuốc sát trùng, tiêu độc sử dụng trong chăn nuôi

1. Cồn iốt

Cồn i ốt là dung dịch thuốc sát trùng dùng nhiều trong thú y để sát trùng vết thương, vết mổ và điều trị bệnh viêm tử cung, viêm vú ở nồng độ. Dung dịch được pha iốt trong cồn 900 ở nồng độ khác nhau từ 0,1 - 10% tùy theo mục đích sử dụng.

- Ứng dụng: Sát trùng trong ngoại khoa: Nơi tiêm, nơi phẫu thuật, các vết thương bị nhiễm trùng, các vết loét, mụn, nhọt, băng rốn cho gia súc non, diệt các tổ chức nấm da, hắc lào... Cồn iốt dùng điều trị bệnh gia súc: Viêm tử cung, âm đạo.

- Cách sử dụng: Chà xát thuốc lên da gia súc: Dùng cồn Iod 5%; Thụt rửa bộ phận bị bệnh: Dùng Lugol 1% để thụt, rửa trong trường hợp viêm tử cung, âm đạo.

- Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời, tránh nguồn nhiệt, nơi ẩm ướt và hóa chất độc hại.

2. Cồn trắng

Cồn trắng có màu trắng, trong, hòa tan trong nước, dễ bay hơi ở điều kiện thường. Tác dụng: Phá hủy men hoặc những chất cần thiết để sinh trưởng của tế bào vi khuẩn, từ đó làm vi khuẩn chết.

- Ứng dụng: Sát trùng trong ngoại khoa: Nơi tiêm, nơi phẫu thuật, các vết thương bị nhiễm trùng, các vết loét, mụn, nhọt... Sát trùng tay trước khi phẫu thuật. Kích thích toàn thân chống cảm lạnh, tăng sức đề kháng. Sát trùng dụng thú y như panh, dao, kéo, kim... dùng để phẫu thuật gia súc.

- Cách sử dụng: Chà xát thuốc lên da, vết thương, thường dùng cồn 70; ngâm sát trùng dụng cụ thú y trong chậu thủy tinh.

- Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời, tránh nguồn nhiệt, nơi ẩm ướt và hóa chất độc hại.

3. Thuốc tím

Thuốc tím có dạng kết tinh lăng trụ ánh kim loại, màu đen lục, dễ tan trong nước. Có tính ăn da, làm han gỉ kim loại, làm thủng vải. Đây là loại thuốc sát trùng có tác dụng diệt khuẩn  mạnh, tẩy uế, tạo màng phủ ngăn cách. Phá hủy các chất hữu cơ (máu, mủ...) làm mất mùi hôi thối và se da. Dung dịch đậm đặc có thể gây cháy các tổ chức hữu cơ bề mặt, gây đau, đồng thời tác dụng cầm máu.

- Ứng dụng: Điều trị vết thương trong ngoại khoa: Ổ apce, vết thương bị nhiễm trùng hôi thối, lở loét, hoại tử... Điều trị viêm tử cung, viêm vú ở trâu, bò, lợn. Tẩy uế chuồng trại, thiết bị, dụng cụ. Hun khói xông hơi với formol  để  diệt nấm mốc trong máy ấp gà.

Cách sử dụng: Rửa vết mổ, vết thương với dung dịch thuốc tím 1%, hoại tử hôi thối trước khi xử lý, cắt bỏ tổ chức... Khử nọc độc của rắn bằng cách tiêm  dung dịch 1% xung quanh vết rắn cắn và tiêm vào tĩnh mạch (ở ngựa với liều 500 ml). Thụt rửa bộ phận bị bệnh: Dùng dung dịch thuốc tím 1% để thụt rửa tử cung, âm đạo trong trường hợp bị viêm nhiễm hoặc bảo lưu thai. Xông khử trùng: Dùng  dung dịch: thuốc tím (20 g) + formol (30 ml) + nước (20 ml) để xông khử trùng buồng cấy vi khuẩn, buồng ấp trứng.

- Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời, tránh nguồn nhiệt, nơi ẩm ướt và hóa chất độc hại.

4. Xanh methylen

Thuốc dạng bột kết tinh, màu xanh, dễ hút ẩm, rất ít độc. Dễ tan trong nước hoặc cồn.

Ứng dụng: Sát trùng ngoại khoa: Dùng dung dịch 1% bôi vào vết thương nhiễm trùng hoặc các mụn đậu (bệnh đậu mùa), các nốt viêm loét ở mồm, chân (bệnh lở mồm long móng); Điều trị trúng độc sắn ở gia súc.

- Cách sử dụng: Chà xát hoặc bôi thuốc lên da, vết thương nhiễm trùng, các mụn đậu, tổ chức da bị viêm loét... Tiêm tĩnh mạch chậm hoặc dưới da với dung dịch 1% trong trường hợp gia súc bị ngộ độc sắn: Trâu, bò: 1 - 1,5 g; Ngựa: 1 g; Dê, cừu: 0,5 - 0,6 g; Lợn: 0,2 - 0,4 g; Chó: 0,1 - 0,2 g.

5. Vôi bột

Tác dụng: Có tính chất sát trùng mạnh, diệt các cầu khuẩn sinh mủ, các liên cầu khuẩn, E.coli, trực khuẩn đóng dấu lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn...

- Ứng dụng: Tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi: Dùng vôi bột để trước cửa ra, vào của các ô chuồng chăn nuôi, rắc trên nền chuồng, sân chơi, cống rãnh, dùng dung dịch để quét tường chuồng, ô chuồng, xung quanh bờ tường toàn khu vực chăn nuôi ... Tiêu hủy xác chết động vật mắc bệnh truyền nhiễm: Rắc trên xác súc vật chết khi chôn...

Trường hợp gia súc bị bệnh bại liệt trước và sau khi đẻ do thiếu khoáng, có thể bổ sung nước vôi trong vào thức ăn hoặc nước uống để điều trị bệnh có kết quả tốt.

 

Khử trùng nền chuồng bằng vôi bột

 

- Cách sử dụng:

Rắc nền chuồng, đường đi, cống rãnh, cổng ra, vào chuồng chăn nuôi; rắc trên nền đất và trên đệm lót chuồng, chất độn chuồng (rắc trên đất trước khi đưa chất độn chuồng vào) với tỷ lệ trung bình 100 g/m2. Chuồng lợn: 150 – 200 g/m3; Chuồng trâu, bò: 100 – 150 g/m3; Chuồng gà: 20 – 25 g/m3, 2 lần trong tuần.

Quét hoặc phun vôi: Dùng nước vôi 5% hoặc 20% quét tường chuồng, nền chuồng, máng ăn, dụng cụ chăn nuôi...

Bảo quản: Tại kho, khô ráo, tránh ẩm.

6. Cloramin B

Dạng bột, màu trắng hay hơi trắng ngà, có mùi “clo” nhẹ, dễ tan trong nước.

- Tác dụng: Sát trùng, tiêu độc, diệt hầu hết các loại vi khuẩn hiếu khí, yếm khí, nấm mốc và siêu vi khuẩn. Tiêu độc chuồng trại, dụng cụ và môi trường chăn nuôi, rửa bầu vú bò sữa,  khử trùng tay, khử trùng nước, tóc, lông, vải, quần, áo... Tiêu độc, tẩy uế chuồng trại thường xuyên hoặc những vùng xẩy ra ổ dịch các bệnh do vi khuẩn hoặc siêu vi khuẩn gây nên. Tiêu hủy xác chết động vật, tiêu độc môi trường.

Khử trùng nguồn nước uống, trung hòa các chất độc hóa học, khử mùi hôi thối trong nước. Chữa bệnh đen mang cá và thối đuôi tôm và bệnh nấm; bệnh đốm đỏ trên da, mang đuôi cá; các bệnh ngoài da tôm, cá...; sát trùng các vết thương chân, miệng do bệnh lở mồm, long móng.

- Cách sử dụng: Sát trùng chuồng trại dùng nồng độ 0,3 - 0,5% (3 - 5 g pha với 1 lít nước). Phun đều lên bề mặt chuồng trại, tường, vách... Cứ 250 lít dung dịch này phun cho 1.000 m2 diện tích chuồng trại. Sau khi phun để từ 3 – 5 giờ rồi rửa kỹ bằng nước sạch.

Với những nơi đang có mầm mống bệnh truyền nhiễm (những ổ dịch) hoặc diệt nấm thì dùng liều 10 – 50 g/lít nước để pha ( dung dịch 5%). Với những bệnh tạo nha bào dùng 50g/1lít nước (dung dịch 5%). Với siêu vi khuẩn dùng 30 – 50 g/1 lít nước (dung dịch 3 - 5%). Sát khuẩn ngoại khoa, phẫu thuật, vết thương lở mồm, long móng dùng 1,0 – 5,0 g/1 lít nước (dung dịch 0,1 – 5,0%). Rửa bầu vú bò sữa dùng 0,5 – 1,0g/1lit nước (dung dịch 0,05 - 0,1%). Khử trùng nguồn nước uống: Pha 3g với 1 m3 nước. Để ngâm 24 giờ sau mới dùng nước này cho gia súc, gia cầm uống. Mỗi tuần xử lý một lần. Chữa bệnh cho tôm, cá: Dùng 5 g thuốc cho 1 m3nước, tắm cho tôm hoặc cá từ 1 – 2 giờ; dùng liên tục 2 – 4 ngày.

- Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời, tránh nguồn nhiệt, nơi ẩm ướt và hóa chất độc hại.

Theo Thông tin Khuyến nông Việt Nam, Số 20/2014