Muốn nuôi tốt, giống phải tốt

(Thủy sản Việt Nam) - Đó là điều kiện đầu tiên và quan trọng trong nuôi tôm hiện nay. Bởi chỉ có quản lý được chất lượng con giống tốt thì mới đảm bảo cho việc sản xuất tôm sạch và tạo dựng thương hiệu tôm Việt.

Quản lý chặt chẽ

Vấn đề chất lượng con giống không phải là chuyện “ngày một ngày hai” ở nước ta mà kéo dài từ rất lâu. Trong khi nuôi trồng thủy sản phát triển, đặc biệt là phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng bùng phát một cách nhanh chóng nhu cầu con giống sẽ theo đó mà tăng cao. Điều này dẫn tới việc mất kiểm soát trong chất lượng con giống bởi những cơ sở sản xuất, kinh doanh không uy tín, không đảm bảo chất lượng mà chỉ hòng chuộc lợi. Cùng đó, là những khó khăn do phụ thuộc vào nguồn giống phải nhập khẩu từ nước ngoài. 

Chất lượng con giống luôn được chú trọng - Ảnh: PTC

Chất lượng con giống luôn được chú trọng - Ảnh: PTC 

Tính đến tháng 9/2016, Tổng cục Thủy sản đã tiến hành kiểm tra tổng số lượng TTCT bố mẹ nhập khẩu đạt 138.239 con của 115 cơ sở nhập khẩu trên cả nước. Đứng trước những lo ngại trên, Bộ NN&PTNT cũng như Tổng cục thủy sản đã xác định được vấn đề quan trọng của việc quản lý chất lượng con giống là vấn đề cốt lõi cho ngành thủy sản. Từ đó, các quy định về quản lý giống thủy sản được ban hành để từng bước giải quyết khó khăn và kiểm soát được con giống ở nước ta. Trong đó phải kể đến Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản (GTS) do Bộ NN&PTNT ban hành ngày 22/5/2013; Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi; Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ NN& PTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản đủ điều kiện ATTP. Nhờ đó mà vấn đề về con giống được quan tâm nhiều hơn và quản lý được tốt hơn.

Hay như mới đây, ngày 7/10/2016, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 4088/QĐ-BNN-TY về Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Thông qua đó, để UBND các tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm ban hành kế hoạch, bố trí kinh phí và chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để tạo ra các vùng có nguy cơ thấp về dịch bệnh tôm, các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh. Kết thúc năm 2017, có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm post đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 2/6/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

 Như vậy có thể thấy rằng, việc kiểm tra, kiểm soát con giống đang ngày càng được quản lý tốt hơn và tạo dựng cơ sở để phát triển ngành thủy sản nước ta.

 Giải quyết tồn tại

Tuy được siết chặt quản lý, nhưng theo các ngành chức năng, cũng có một số cơ sở sản xuất tôm giống vẫn “lộng hành” sản xuất tôm giống không đảm bảo chất lượng, gây nguy hại cho người nuôi. Mới đây, Bộ NN& PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Cục An ninh Kinh tế Nông, Lâm, Ngư nghiệp thuộc Bộ Công an tiến hành thanh tra đột xuất tại 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Phú Yên gồm: Cơ sở sản xuất giống tôm Nhã; Cở sở tôm giống Hữu Thận; Cơ sở sản xuất giống Úc Việt; Cơ sở sản xuất giống Văn Khanh; Cơ sở  sản xuất giống Trọng Huỳnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại thời điểm thanh tra 5/5 cơ sở không cung cấp được các giấy tờ liên quan như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Biên bản kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất giống thủy sản, hồ sơ giấy tờ liên quan đến hoạt động kiểm dịch đối với tôm giống bố mẹ và các giấy tờ hồ sơ khác có liên quan; 5/5 các cơ sở chưa được kiểm tra, đánh giá phân loại theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT; không thực hiện ghi chép hồ sơ và công bố chất lượng tôm giống theo quy định tại Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT; Đặc biệt, các cơ sở sử dụng tôm bố mẹ tôm thẻ chân trắng không rõ nguồn gốc, tôm từ ao nuôi thương phẩm, không đảm bảo chất lượng cho sản xuất giống cung cấp Nauplius và tôm giống ra thị trường.

Được biết, trong quá trình kiểm tra Tổng cục Thủy sản gặp khá nhiều khó khăn như việc xác minh địa chỉ của một số công ty gặp nhiều khó khăn do địa chỉ, số điện thoại không có hoặc không rõ ràng; một số đối tượng bị thanh tra đã có biểu hiện trốn tránh và chống đối... Gặp những khó khăn này, không thể không nói rằng, trách nhiệm một phần là ở Chi cục Thủy sản và Chi cục Chăn nuôi Thú y địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và kiểm dịch đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ theo quy định. 


 

Thanh tra, kiểm soát chất lượng con giống mang lại những động thái tích cực cho ngành thủy sản nước ta. Tuy nhiên, để có thể đảm bảo được việc thực hiện nghiêm túc và quy trình kiểm soát chặt chẽ  trong quản lý con giống đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành.

Lê Cung
http://thuysanvietnam.com.vn/