Nguy hiểm trong sử dụng điện nuôi tôm

Nguy hiểm trong sử dụng điện nuôi tôm
Những năm gần đây, các vùng nuôi tôm tập trung ở ĐBSCL đã được Nhà nước đầu tư hạ thế điện 3 pha, còn những hộ nuôi ngoài quy hoạch, phát sinh nhỏ lẻ không lắp được bình biến áp thì lén lút sử dụng điện sinh hoạt để chạy mô tơ phục vụ hoạt động nuôi tôm.
Qua khảo sát hiện trạng các vùng nuôi tôm, thông thường đường dây điện kéo từ bình hạ thế hoặc từ đồng hồ điện trong nhà đến các ao nuôi tôm rất dài, nhưng người nuôi tôm không sử dụng các cột xi măng để làm trụ đỡ mà chỉ sử dụng những cây gỗ tạp hoặc treo trên cây xanh. 

Trong khi đó, dây điện được mắc trực tiếp vào trụ đỡ mà không có sứ cách điện, nhiều nơi để dây điện treo lòng thòng trên đầu người, thậm chí rải dây diện trên mặt đất dọc theo bờ ao tôm.

Nhiều người nuôi tôm ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang sử dụng điện không an toàn.
Nhiều người nuôi tôm ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang sử dụng điện không an toàn.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân chỉ sử dụng điện một pha để tiết kiệm chi phí. Dây điện không được kiểm tra, thay thế định kỳ mà để bong tróc, có nơi chỉ còn lõi đồng. Mối nối giữa các dây điện không được quấn băng keo cách điện cẩn thận, rất nguy hiểm do vô tình chạm phải. Đa số nông dân khi lắp đặt mô-tơ điện không sử dụng dây nối đất an toàn để giảm nguy hiểm khi có sự cố về điện. 

Để đảm bảo hệ thống điện được an toàn, khi kéo điện nên sử dụng đủ dây nóng và dây nguội để bảo đảm dòng điện đi qua đủ tải, bởi nếu chỉ kéo một dây thì dòng điện sẽ tản làm tốn kém điện năng và dễ hư hỏng thiết bị điện. 

Cầu dao, công tắc, ổ cắm phải đặt ở nơi khô ráo, thuận tiện cho việc sử dụng, tránh được mực nước xâm phạm. 

Các hộ nuôi tôm khi sử dụng mô-tơ điện nên lắp đặt thiết bị chống giật để đảm bảo an toàn. Các thiết bị điện phải dùng phích cắm điện hoặc công tắc, không được dùng các vật liệu bằng kim loại tự chế câu móc vào dây dẫn...
Nguồn: danviet.vn