Nông dân mới của nông nghiệp thời hội nhập
- Thứ ba - 17/10/2017 11:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong các thời kỳ lịch sử, nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, đóng góp lớn lao cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Ở giai đoạn lịch sử nào, nông dân cũng luôn giữ vị thế vô cùng quan trọng và cũng là lực lượng phải đương đầu với nhiều thử thách, khó khăn. Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp hội nông dân xác định cần phải có người nông dân “mới” nhằm đáp ứng tốt cho công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Việc xây dựng hình mẫu này được dựa trên cơ sở thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, giải pháp của Chính phủ, góp phần thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, hình mẫu người nông dân trong thời kỳ CNH, HĐH phải có 5 cái mới, đó là: Tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, đời sống văn hóa mới và quyết tâm mới. Từ 5 cái mới này sẽ dẫn đến nguồn thu nhập mới.
Xác định được điều đó, thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân phát huy nội lực, tích cực học tập, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi các mô hình kinh tế nhỏ lẻ, manh mún sang các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các loại hình kinh doanh tổng hợp, dịch vụ, chế biến, ngành nghề truyền thống... Bên cạnh đó, hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Gắn công tác tuyên truyền, vận động với các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập; hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết hợp tác trong phát triển kinh tế... Tính đến tháng 7-2017, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tín chấp và ủy thác cho hơn 214.000 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với mức dư nợ trên 8.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hội phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng trên 10.000 tấn phân bón trả chậm các loại cho nông dân phát triển sản xuất. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp tổ chức lớp tập huấn cho nhiều lượt hội viên nông dân. Nội dung tập huấn chủ yếu tập trung vào khai thác sử dụng internet, các kỹ năng sản xuất nông sản sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi các loại cây cho giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây phù hợp cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hộ gia đình sang sản xuất mang tính chất nhóm, tổ... Qua đó, giúp nông dân nâng cao kiến thức, trình độ ứng dụng trong sản xuất đạt hiệu quả cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm... Từ trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam. Toàn tỉnh đã có 235.277 hộ đạt danh hiệu gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Những nhân tố điển hình
Tốt nghiệp Khoa Nông học chuyên ngành trồng trọt Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) từ năm 2008, với niềm đam mê học hỏi nghiên cứu sáng tạo, kỹ sư nông nghiệp Trịnh Quốc Toản, ở xã Định Bình (Yên Định) đã tiếp tục học lên thạc sĩ và may mắn trong một chương trình hợp tác đào tạo giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với nước bạn, Toản đã được tham gia đợt thực tập tại Israel. Tại đây anh đã học hỏi tiếp thu được nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Trở về Việt Nam anh được nhận vào làm việc tại một số công ty lớn về nông nghiệp. Tuy nhiên, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, muốn đem sức lực và kiến thức của mình vào việc đóng góp xây dựng quê hương, Trịnh Quốc Toản đã tìm gặp và rủ thêm một số bạn cùng lớp trở về quê hương lập nghiệp. Công ty TNHH Nông nghiệp VietGAP tại huyện Yên Định do anh làm giám đốc đã thu hút được 6 kỹ sư trẻ cùng hùn vốn thuê đất tạo lập nên những điểm sáng về mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp bằng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như các mô hình trang trại tại xã Yên Phong, Định Bình, Yên Ninh.
Trên diện tích đồng đất lúa không chủ động được tưới tiêu, gia đình anh Lê Phi Chiều, ở thôn Ảng, xã Quang Hiến (Lang Chánh) cũng đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới đưa vào trồng giống dưa thơm Kim hoàng hậu, hoa Dạ yến thảo và các loại rau với quy trình khép kín. Quá trình trồng anh đều áp dụng quy trình chăm sóc sạch, vườn ươm riêng, không sử dụng hóa chất bảo quản sau thu hoạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy các sản phẩm cho thu hoạch không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh mà còn cả tỉnh ngoài.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh, ở thôn Yên Cẩm 1, xã Đông Yên (Đông Sơn) cũng rất thành công khi trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ nhà kính. Năm 2015, anh Tuấn Anh đầu tư hơn 800 triệu đồng xây dựng màng lưới nhà kính trên diện tích 2.000m2 để trồng rau an toàn. Rau trồng trong nhà kính nên hạn chế được sâu bệnh xâm nhập, tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm hơn một nửa so với trồng ngoài trời. Nhất là có thể trồng quanh năm vì không phụ thuộc vào thời tiết, năng suất đạt cao và bảo đảm rau an toàn. Anh Tuấn Anh cho hay: Do sử dụng hệ thống phun tưới tự động, tự điều chỉnh độ ẩm bên trong nên khi nhiệt độ lên cao, hệ thống phun sương trong nhà kính sẽ tự bật lên làm mát vườn. Trường hợp thời tiết bất thường, như quá nắng, hệ thống màng cản quang sẽ tự động kéo ra tạo bóng mát và khi có mưa, hệ thống cũng sẽ tự kéo mái không cho mưa lọt vào bên trong nhà kính.
Để khẳng định vai trò của nông dân thời kỳ hội nhập, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên; nhân rộng và áp dụng thành công những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục có những định hướng chiến lược cho sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, dự báo thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp...