Nuôi bò thịt cũng cần phải… học

Nuôi bò là việc đơn giản, ai cũng biết. Tuy nhiên, chỉ đến khi học nghề bài bản, nhiều nông dân miền Trung mới hiểu, chỉ chăn nuôi theo kinh nghiệm, chịu khó là chưa đủ, bởi việc học nghề, được đào tạo nghề là vấn đề quan trọng không kém.
Nhiều hộ ND được cập nhật kiến thức mới trong sản xuất chăn nuôi bò thịt (Ảnh chụp tại một nông trại nuôi bò ở Phú Yên). Ảnh: M.N

Thay đổi chăn nuôi truyền thống

Không mất quá nhiều thời gian để tham gia các lớp dạy nghề, học nghề bài bản, giờ đây nhờ việc trao đổi kiến thức thường xuyên, nhiều hộ chăn nuôi bò ở Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên – Huế… đã có thể áp dụng kiến thức mới vào để chăn nuôi  quy mô nhỏ. Điều đáng mừng là nhờ vậy, giá trị hàng hóa sản phẩm đã tăng cao hơn trước.

Dự án hỗ trợ nông hộ chăn nuôi bò ở  miền Trung Việt Nam của Trung tâm ACIAR được thực hiện trong vòng 4 năm. Thời gian bắt đầu từ tháng 2.2014 với tổng kinh phí hơn 1 triệu USD. Ngoài việc cung cấp những kiến thức mới trong chăn nuôi, dự án cũng đã thực hiện tập huấn cho cán bộ dự án và cán bộ , Sở NNPTNT các địa phương có tham gia dự án”.

Ông Nguyễn Hữu Văn

Ông Nguyễn Hữu Văn (Trường Đại học Huế), phụ trách dự án “Nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các nông hộ chăn nuôi bò ở miền Trung Việt Nam” (với sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu  quốc tế Australia) chia sẻ, so với cách dạy truyền thống, việc trao đổi kiến thức trong nhóm nông dân (ND) ở các nông hộ trăn nuôi bò ở miền Trung cho thấy việc ND tiếp cận thông tin hiệu quả hơn nhiều lần.

“Mặc dù kiến thức là tài sản vô hình, nhưng có giá trị vô cùng quan trọng, giúp người ND có thể thay đổi sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, nhưng không phải ND nào cũng biết và tận dụng điều này. Số khác dù biết, nhưng lại gặp rào cản trong việc tiếp thu kiến thức mới do không được tập huấn hay không được cập nhật” – ông Văn  nói.

Theo đó, phương thức chính để trao đổi là nói chuyện với những ND khác; thăm nông trại của ND giỏi để học tập; ND giỏi đến tận các trang trại để xem xét và đưa lời khuyên hợp lý. Ngoài ra,  cũng thường xuyên xuống thực địa các nông trại để “cầm tay chỉ việc” cho ND. Sau đó, ND lại đến các hội thảo để chia sẻ kiến thức thực tế mình có được, nhân rộng các  hiệu quả.

“Phất” nhanh từ nuôi bò

Ông Hồ Sĩ Lượng (trú tại xã An Chấn, Tuy An, Phú Yên) tạo dựng sự nghiệp nuôi bò bắt đầu từ 3 con bò năm 2013. Thấy có hiệu quả, anh mở rộng dần quy mô và giờ đã, đang thành công. Anh Lượng tâm sự: “Tháng nào tôi cũng có bò xuất chuồng, sau đó mua bò mới về. Lúc nào trong chuồng cũng duy trì số lượng từ 20 con trở lên”. Bò mua về anh tẩy giun sán ngay, bổ sung vitamin, thuốc bổ, duy trì chế độ nuôi vỗ béo được cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Anh cũng cẩn thận chuẩn bị khẩu phần ăn cho bò, chủ yếu là cháo gạo nấu với cám, rau, bổ sung thêm rơm khô và cỏ voi. Bình quân 2 – 3 tháng anh xuất bán một lứa, trừ hết chi phí còn lãi 3 – 4 triệu đồng/con. Ông Lượng khẳng định: “Ở nông thôn bây giờ, không làm gì nhanh kiếm tiền bằng nuôi bò vỗ béo”.

Anh Lượng cho biết, ban đầu, khi anh vừa được tiếp cận dự án anh được học nhiều kiến thức mới. Đến giờ, anh không chỉ biết nuôi dưỡng bò tốt, mà còn biết quản lý sử dụng các nguồn thức ăn sẵn có. “Những kiến thức vô giá đã giúp tôi và bà con trong xã tiết kiệm được nhiều tiền chăn nuôi mà bò lại lớn nhanh, nặng cân” – anh Lượng tâm sự.

Ông Trần Sáu – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tuy An, cho biết: “Mấy năm gần đây, ND trong huyện  nuôi bò rất mạnh, chủ yếu bò lai với số lượng ngày càng lớn, chất lượng ngày càng cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giàu. Đến nay, địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh với 34.500 con, trong đó bò lai chiếm 74% tổng đàn. Nhiều hộ ND đã đổi đời, thoát nghèo, làm giàu nhờ thành công trong nuôi bò”. 

Nguồn: nhanong.com