Nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh cải tiến

Đây là vấn đề được các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tại Hội thảo Nghiên cứu tác động về môi trường, dịch bệnh và hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh tại ĐBSCL, ngày 3/3, tại Hà Nội, do Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.
Mô hình nuôi tôm QCCT

Hiện các mô hình nuôi tôm mặn lợ ở ĐBSCL gồm nuôi thâm canh, bán thâm canh (chiếm 5,59% tổng diện tích nuôi), nuôi tôm quảng canh cải tiến (chiếm 30,98%), nuôi tôm luân canh với trồng lúa (28,92%) và nuôi tôm sinh thái (43,16%) . Toàn ĐBSCL có khoảng 175.000 ha là mô hình tôm QCCT chuyên tôm từ đất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển đổi, hầu hết là các hộ nuôi nhỏ lẻ, hoạt động động lập và thiếu sự liên kết. Tôm thẻ chân trắng được đưa vào nuôi trong mô hình QCCT chuyên tôm vài năm trở lại đây, tuy nhiên cho đến nay chưa có đánh giá nào về thực trạng canh tác của mô hình này. Hiện TTCT được xác định là đối tượng thủy sản quan trọng và có tiềm năng phát triển mạnh tại ĐBSCL. Hơn nữa, TTCT có dư địa lớn và có khả năng tăng sản lượng và giá trị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã triển khai “Khảo sát hiện trạng nuôi TTCT trong mô hình QCCT chuyên tôm tại một số tỉnh trọng điểm ĐBSCL”. Kết quả, kết cấu ao nuôi và công trình nuôi hiện nay có thể không thích hợp cho nuôi mật độ dày như TTCT, vẫn còn nhiều hộ chưa thực hiện quy định trong việc xả thải ra ngoài tự nhiên, còn nhiều hạn chế trong quản lý dịch bệnh và kỹ thuật canh tác...

Theo Phòng Thủy sản, Cục Thú y, hiện có nhiều loại mầm bệnh trên tôm, trong khi môi trường ngày càng ô nhiễm, biến đổi khí hậu có nhiều bất lợi. Dịch bệnh trên TTCT bị thiệt hại cao hơn nuôi tôm sú. Song TTCT có lợi thế là chịu được phổ độ mặn và khoảng nhiệt độ rộng hơn nên có khả năng thích nghi với khu vực ĐBSCL. Ý thức phòng bệnh của người nuôi tôm và công tác quản lý dịch bệnh của các địa phương cũng còn nhiều vấn đề.

TS Lê Thanh Lựu, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững, cho biết xét trên góc độ kinh tế, thị trường, sinh học, kinh nghiệm nên ưu tiên thả tôm sú hơn TTCT. Đây là sự lựa chọn mang tính chiến lược cho trên 500.000 ha tôm - rừng, tôm - lúa, quảng canh; Cần có những nghiên cứu, thử nghiệm tiếp theo so sánh đánh giá hiệu quả giữa tôm sú được gia hóa và tôm sú tự nhiên; Cần nghiên cứu các biện pháp quản lý, tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất…

Tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi sang nuôi TTCT trong mô hình nuôi tôm QCCT chuyên tôm cần phải được cân nhắc thêm, đặc biệt về nhu cầu con giống chất lượng lớn, trong khi nguồn giống bố mẹ vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và chất lượng con giống vẫn chưa đảm bảo; Hạn chế trong kỹ thuật canh tác và quản lý của người dân; Dịch bệnh có xu hướng gia tăng; Năng suất còn thấp, cơ sở hạ tấng vẫn chưa đáp ứng được… Vì vậy, cần thí điểm, khảo nghiệm và đánh giá tác động mô hình TTCT theo hình thức nuôi quảng canh, QCCT tại một số địa phương từ đó có cơ sở đề xuất cho các giải pháp phát triển và quản lý.

Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam