Phân bón và triển vọng dài hạn

Phân bón và triển vọng dài hạn
Các yếu tố chính sách về thuế và quản lý thị trường được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực đến các DN trong ngành.

Nếu nhìn vào bức tranh hiện tại, có vẻ như ngành phân bón trong nước đang yếu thế trong bối cảnh đầu tư ảm đạm. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán vẫn chỉ ra tiềm năng dài hạn từ những cơ hội đến từ chuyển dịch nội ngành và các chính sách hỗ trợ.

Hiện các DN sản xuất Việt Nam chỉ có thể sản xuất phân NPK, ure, phân lân và DAP trong khi hầu hết phân kali và lưu huỳnh đều phải nhập khẩu… Cùng với xu hướng đi xuống của giá cả hàng hóa cơ bản, chỉ số giá phân bón thế giới đã giảm 12% mỗi năm từ đỉnh điểm năm 2011 - dựa theo tổ chức FAO.

Các sản phẩm thay thế cao cấp như phân NPK hòa tan trong nước và phân hữu cơ đang dần trở thành mối đe dọa lớn thay thế sản phẩm phân đơn truyền thống để đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe và môi trường của GlobalGAP hay VietGAP. Phân bón nhập khẩu, đặc biệt là phân đạm đơn hay phân kép (như ure hay DAP/SA) đã tạo ra cuộc chiến khốc liệt về giá và trở thành động lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất trong nước nhiều năm nay. Sản phẩm nhập khẩu 60% đến từ các quốc gia công nghiệp phát triển như Trung Quốc và Nga, với mức giá bán lẻ thường thấp hơn 10%-20% so với phân bón trong nước...

Các chuyên gia chỉ ra tiềm năng dài hạn từ chuyển dịch nội ngành và các chính sách hỗ trợ

Mặc dù mối đe dọa lớn từ các dự án quy mô lớn cả trong và ngoài nước như Kaltim V. Indonesia (1,5 triệu tấn phân ure mỗi năm), hoặc PVFCCo (250 nghìn tấn phân NPK mỗi năm) đang được xây dựng, song KIS kỳ vọng các công ty có lịch sử lâu đời như: DPM, LAS, BFC, SFG sẽ duy trì sức cạnh tranh mạnh mẽ trong dài hạn nhờ vào việc sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp Việt Nam.

Thực trạng 800 DN sản xuất, hầu hết đều áp dụng chiến lược “chi phí thấp” bằng cách tăng lợi thế quy mô và diện tích phân phối cũng mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất phân bón nội địa có thể tăng trưởng doanh thu từ việc chiếm lĩnh thị phần của các nhà sản xuất nhỏ lẻ, cấp thấp khác hoặc mở rộng chuỗi giá trị sang các mảng hóa chất phụ trợ thay vì nhập khẩu.

“Chúng tôi nhận thấy rằng những công ty phân bón sản xuất chi phí cao, chẳng hạn như các nhà máy sản xuất phân đạm bằng than như: Đạm Hà Bắc (DHB), Đạm Ninh Bình… đang thua lỗ nặng nề vì chi phí đầu vào gia tăng trong khi lượng bán ra suy giảm. Theo đó, DAP Đình Vũ, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình lần lượt chịu lỗ lũy kế 507 tỷ, 1900 tỷ và 3.000 tỷ đồng”, KIS vẽ ra bức tranh.

“…Trong dài hạn, phân bón hỗn hợp NPK chất lượng cao là động lực tăng trưởng chủ yếu đối với ngành phân bón vô cơ Việt Nam”, phân tích của CTCK FPT. Thị trường phân NPK (phân đa) đang dựng nên một bức tranh tích cực khác với nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào sự thay đổi trong xu hướng tiêu thụ. Nhiều công ty như DPM, LAS và BFC đang nhanh chóng hoàn thành các nhà máy mới để tăng khoảng 30% nguồn cung trong 2017-2019. Các DN đang nhắm đến những phân khúc chưa bị độc chiếm bởi các nhà sản xuất ngoại như DAP/SA/Kali sẽ có lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng cao hơn.

Chiến lược khác biệt hóa sản phẩm cũng cộng hưởng những kỳ vọng mới cho các DN trong ngành. Ví như DCM liên tục phát triển các sản phẩm phân ure hạt chất lượng cao, DPM và BFC đã thực hiện chiến lược thị trường cao cấp tương tự bằng việc mở rộng sang phân NPK cao cấp, các chất hóa học cơ bản phụ trợ (NH3, UFC85, CO2, H2O2) và phân bón hữu cơ tương ứng. Nhờ vào sự chuyển dịch trong tiêu dùng tập trung vào an toàn thực phẩm và sự ưa thích hơn các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ (organic). Xu hương khởi nghiệp trong nông nhiệp sạch công nghệ cao được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM dự phòng đến năm 2020 sẽ có đến 1.500 DN trong lĩnh vực nông nghiệp được lập ra, gần gấp ba lần so với cách đây một thập kỷ.

“Những nhà sản xuất năng động, có chiến lược phát triển phân bón hữu cơ hay các loại phân bón hàm lượng dinh dưỡng cao sẽ có thể kiếm lời và tồn tại mạnh mẽ trong xu thế này”, KIS đưa ra quan điểm.

Bên cạnh đó, các yếu tố chính sách về thuế và quản lý thị trường được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực đến các DN trong ngành. Dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng với mức 0% cho ngành phân bón theo kế hoạch sẽ được trình lên Quốc hội đầu năm 2018. Nếu được thông qua, thì nó sẽ có tác động sớm nhất vào 1/1/2019.