Phát triển cây có múi: Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Phát triển cây có múi: Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Nếu như năm 2017, cả nước có 186,8 ngàn hecta cây có múi (CCM) thì đến tháng 9/2018 đã là 192,7 ngàn hecta.
1.jpg
Thu hoạch cam không hạt trồng theo quy trình VietGAP tại gia đình ông Phạm Văn Đảo ở xã Tân Thới (Phong Điền - TP. Cần Thơ). Ảnh: Khánh Nam.

Sự phát triển CCM đang rơi vào tình trạng khó kiểm soát. Lại thêm sâu bệnh, thiên tai, chất lượng nguồn giống và khâu chế biến còn yếu kém.

Nếu không có những giải pháp đồng bộ thì cung vượt cầu và câu chuyện trồng - chặt, giải cứu có thể sẽ tái diễn!

Tiến sỹ Cao Văn Chí, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả có múi, cho biết: ”Khi cam bị bệnh, phải tiêu huỷ toàn bộ, cải tạo đất bằng cách trồng cây ngắn ngày như lạc, đậu tương. Khi cây ngắn ngày có hạt, nghĩa là chất lượng đất đã được cải thiện, khi ấy mới có thể trồng lại cam. Muốn cây phát triển tốt, chất lượng cao, phải có giống tốt, sạch bệnh, và phải tăng cường bón phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh. Hiện, nhiều nhà vườn đã sử dụng phân hữu cơ lên đến 70%”.

2.jpg
Nhờ trồng cam VietGAP, năm 2018, ông Trần Văn Dàu, xã Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) có thu nhập hơn 10 tỷ đồng.  Ảnh: Thu Hà.

Theo ông Cao Đăng Tâm, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, CCM đã vượt quy hoạch đến năm 2030, vì vậy, tỉnh sẽ thắt chặt vùng quy hoạch, thanh - kiểm tra thường xuyên, nhất là cấp xã. Tập trung trồng ở vùng đất phù hợp, trong quy hoạch, gắn vùng quy hoạch với chế biến. Áp dụng sản xuất VietGAP, bảo tồn quỹ gen, cấp chứng chỉ cây đầu dòng để sản xuất giống; trồng rải vụ, tránh áp lực thu hoạch. Vận động bà con bỏ giống cũ, già cỗi thay bằng giống sạch bệnh; sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai, chế phẩm sinh học từ thiên nhiên”.

Để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất thiệt hại ở vùng cam Vũ Quang (Hà Tĩnh), Trung tâm Ứng dụng khoa học và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Vũ Quang khuyến cáo, người dân cần triển khai làm bẫy đồng loạt để diệt côn trùng; tiến hành bao quả, vừa phòng ngừa côn trùng, vừa đảm bảo chất lượng quả cam khi thu hoạch. Đối với diện tích bị ngập úng, cần thường xuyên khơi thông, thoát nước ở bộ phận gốc, rễ...

Còn theo ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành (Hậu Giang), việc trồng cam sành ồ ạt, tự phát, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng và nhà khoa học, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, khó kiểm soát; tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh lây lan, trong đó có bệnh vàng lá gân xanh, hiện chưa có thuốc đặc trị.

3.jpg
Mô hình trồng cam VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai tại xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang).

 “Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con phải ổn định diện tích, không nên tăng “nóng”, đồng thời tuân thủ quy trình kỹ thuật. Nếu người ta trồng khoảng cách 1-1,2 m/cây thì huyện khuyến cáo chỉ nên trồng 1,8- 2 m/cây, để cây “ăn” phân lâu dài. Hơn nữa, nên tuân thủ quy trình kỹ thuật để tăng chất lượng trái cam”, ông Đức nói.

Mặt khác, lâu nay, nhà vườn cam sành tại ĐBSCL chưa có đầu mối bao tiêu ổn định, chủ yếu bán cho thương lái. Vì vậy, các địa phương cần xem xét để có hướng quy hoạch, chuyển đổi diện tích sao cho phù hợp. Tránh tình trạng chạy theo phong trào, khiến cung vượt cầu, rơi vào vòng luẩn quẩn: trồng - chặt, chặt - trồng. 

Chủ tịch Hội Nông dân Bắc Kạn, Giám đốc HTX Đại Hà Cao Xuân Lãng, lý giải, quýt Bắc Kạn bán ở chợ không ai mua, do người dân trồng tự phát, ngoài quy hoạch. Theo đó, quy hoạch của tỉnh năm 2012, vùng chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn có 12 xã, nhưng nay mở rộng trên 50 xã, khiến cung vượt cầu. Mặt khác, quýt ở 50 xã trên thiếu đầu tư, chất lượng, mẫu mã kém.

“Chúng tôi tuyên truyền bà con thâm canh diện tích đã có, không trồng mới. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, trồng ít, thâm canh tốt, thu nhập cao hơn trồng nhiều không chăm sóc. Chú trọng xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thành lập HTX để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Quy hoạch vùng sản xuất cây giống, lựa chọn cây đầu dòng để nhân giống và cơ sở giống đáp ứng nhu cầu để cấp phép”, ông Lãng khuyến cáo.     

Để phát triển bền vững CCM, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ, như: Chú trọng sử dụng giống mới, chất lượng cao, ít hạt hoặc không có hạt. Cơ cấu giống rải vụ: chín sớm, chính vụ và chín muộn, thuận lợi cho thu hái, tiêu thụ tươi và chế biến. Đối với cây bưởi, tăng cường giống đặc sản có giá trị hàng hóa, để thay thế giống ít phù hợp. Sử dụng cây giống có nguồn gốc, đảm bảo  chất lượng, sạch bệnh.

img_4532.JPG
Khách mua hàng tại quầy của Hội Nông dân Bắc Kạn.

Tăng cường tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nhà vườn theo hướng giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng. Tưới tiết kiệm, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học phòng sâu bệnh. Tăng cường công tác truy xuất, nhận diện nguồn gốc cam, bưởi trên thị trường (tem nhãn, bao bì,...).

Vận động nông dân liên kết với  doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh liên kết địa phương, vùng, miền trong sản xuất rải vụ và tiêu thụ sản phẩm. Đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý. Chú trọng thị trường nội địa, đặc biệt là vùng đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ du lịch. Xúc tiến thương mại tại một số thị trường xuất khẩu tiềm năng…

Còn theo TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, từ nhu cầu của thị trường xuất khẩu cho thấy, thế giới đang theo xu hướng dùng sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Để đáp ứng yêu cầu này, người trồng cây ăn trái cần liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, nhà vườn cần thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP. Bên cạnh đó, cái thiếu lớn nhất của chúng ta hiện nay là công nghệ sau thu hoạch. Phải giải quyết được hai vấn đề này thì cây ăn quả nói chung, CCM nói riêng mới có bước tiến mới.

Tác giả bài viết: Dương An Như
Nguồn tin: http://kinhtenongthon.vn/