Phòng trị bệnh thương hàn ở chim bồ câu

Phòng trị bệnh thương hàn ở chim bồ câu
Bệnh thương hàn là bệnh phổ biến trên các loài gia cầm, trong đó có chim bồ câu. Phòng và trị bệnh cho chim nhằm giảm các thiệt hại về kinh tế là rất cần thiết.

Nguyên nhân

Kỹ thuật nuôi bồ câu

Bệnh thương hàn trên bồ câu chủ yếu do vi khuẩn Salmonella gallinacerum và S. enteritidis gây ra. Vi khuẩn có thể nuôi cấy, phát triển tốt ở môi trường thạch nước thịt và peptone ở pH là 7,2, nhiệt độ 370C. Vi khuẩn bị diệt ở nhiệt độ 600C trong 10 phút, dưới ánh sáng mặt trời trong 24 giờ. Nhưng chúng có thể tồn tại 20 ngày khi đặt trong bóng tối. Một số hóa chất có thể diệt được vi khuẩn như KMnO4 1/1.000 trong 3 - 5 phút. 

Trong tự nhiên, nhóm vi khuẩn thương hàn có thể gây bệnh cho nhiều loại gia cầm khác nhau như bồ câu, gà, vịt, các loài chim trời... Bồ câu ở các lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh. Nhưng chim non dưới 1 năm tuổi thường thấy phát bệnh nặng và chết với tỷ lệ cao (50 - 60%). Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Khi ăn uống phải thức ăn hoặc nước uống có vi khuẩn, bồ câu sẽ bị nhiễm bệnh. Bệnh cũng có thể lây qua trứng khi bồ câu mẹ bị nhiễm bệnh hoặc lây từ loài gia cầm khác sang bồ câu. Bệnh có thể lây nhiễm quanh năm, nhưng thường xuất hiện nhiều vào các tháng có thời tiết ấm áp và ẩm ướt trong mùa xuân, đầu mùa hè và cuối mùa thu. 

  

Triệu chứng, bệnh tích

Thời gian ủ bệnh thường 1 - 2 ngày, bồ cầu bị bệnh thường có các thể hiện: Ít hoạt động, kém ăn, uống nước nhiều. Sau đó, thân nhiệt tăng, chim đứng ủ rũ một chỗ, thở gấp, đặc biệt là ỉa chảy, phân màu xanh hoặc xám vàng, giai đoạn cuối có lẫn máu. Nếu bệnh nặng, bồ cầu có thể chết sau 3 - 5 ngày. 

Một số bệnh tích khi mổ khám gồm: Các niêm mạc bị sưng huyết, niêm mạc diều, dạ dày tuyến và ruột tụ huyết từng đám. Ở ruột non và ruột già còn thấy niêm mạc bị tổn thương, tróc ra và có các điểm hoại tử ở phần ruột gà. Chùm hạch lâm ba ruột cũng bị tụ huyết. 

  

Phòng bệnh 

Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho chim bồ câu như: Ðảm bảo chuồng nuôi thoáng mát, có ánh nắng chiều vào; Thức ăn phải đủ chất dinh dưỡng, không ẩm mốc; Nước uống phải sạch và được thay thường xuyên; Ðịnh kỳ vệ sinh, sát trùng chuồng trại bằng Formalin 2 - 3%, Iodine 0,5% hoặc Cloramin T 0,5 - 2%... toàn bộ nền và tường chuồng nuôi; Chăm sóc nuôi dưỡng tốt; Ngăn ngừa tiếp xúc với động vật gặm nhấm, gián và các loài chim hoang dã. Thực hiện nguyên tắc cùng ra cùng vào; Dọn vệ sinh sạch sẽ, sát trùng dụng cụ chăn nuôi sau mỗi đợt xuất chuồng, để trống chuồng trại 10 - 15 ngày mới nuôi tiếp đợt khác. Thường xuyên tiêm chủng chống lại vi khuẩn Salmonella; Bổ sung vitamin C, chất bổ trợ để tăng sức đề kháng, giảm stress và tạo miễn dịch tốt cho bồ câu nuôi. 

Khi có bệnh xảy ra cần cách ly chim ốm để điều trị; Phun thuốc sát trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi liên tục 2 - 3 lần trong tuần đầu; Chuồng nuôi phải để nguyên trạng, phun thuốc sát trùng và ủ trong 5 - 7 ngày; Hạn chế ra vào trại; Thực hiện quét dọn, thu gom và tiêu hủy phân rác, chất độn chuồng; Rửa sạch chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi, để khô sau đó phun thuốc sát trùng 2 lần, cách nhau 10 - 15 ngày bằng các dung dịch sau: Nước vôi tôi 10%, Formalin 2 - 3%, Crezin 5%; Bổ sung các chất dinh dưỡng bổ trợ để tăng cường sức đề kháng cho đàn bồ câu. Toàn bộ số chim trong chuồng có chim ốm cho uống dung dịch chloramphenicol 2/1.000 hoặc Sulfamethazone 5/1.000 trong 3 ngày liền. 

  

Trị bệnh

Bệnh do vi khuẩn gây ra nên có thể sử dụng kháng sinh để điều trị. Người nuôi có thể sử dụng một số loại kháng sinh sau: Chloramphenicol liều 50 mg/kg thể trọng; Thuốc pha với nước theo tỷ lệ 1 thuốc + 10 nước; Hoặc dùng phối hợp Tetracyclin liều 50 mg/kg thể trọng và Bisepton với liều 50 mg/kg thể trọng, cho chim uống trực tiếp, liên tục trong 3 - 4 ngày. Kết hợp với vitamin B1, C, K để bổ trợ cho bồ câu trong quá trình điều trị. Trong quá trình trị bệnh, người nuôi nên cho chim ăn thức ăn mềm dễ tiêu như thức hỗn hợp dạng bột để tránh tổn thương niêm mạc tiêu hóa.
 

Nguồn: nguoichannuoi.vn