Phương pháp chăn nuôi tạo nạc an toàn.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Dương, để sản phẩm thịt heo nhiều nạc, ít mỡ, màu sắc đỏ tươi, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo thịt sạch, người chăn nuôi cần chú ý các biện pháp sau:
Có rất nhiều phương pháp để bà con chăn nuôi tạo nạc an toàn

Con giống

 Hiện nay, nước ta đã có những giống heo ngoại nhập, heo thuần hoặc lai 3,4 máu có tỷ lệ nạc cao, như: Duroc, Pietrain, Landdrace, Yorshirk, Hamshirk.

Các công ty giống sẵn sàng cung cấp heo nái hậu bị và tinh heo tạo ra dòng thương phẩm 3, 4 máu chất lượng tốt, tạo nhiều nạc. Với các biện pháp nuôi dưỡng thích hợp sẽ tạo ra những sản phẩm thịt tỷ lệ nạc cao mà không cần đến tác động của các hóa chất.

Tuy nhiên, những dòng heo này đòi hỏi người chăn nuôi phải đáp ứng các yêu cầu như kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng; yêu cầu tiểu khí hậu chuồng trại thích hợp, đồng nghĩa với việc chuồng trại phải được xây dựng thiết kế phù hợp, trình độ chăn nuôi tiên tiến.

Dinh dưỡng

Trong chăn nuôi, thức ăn chiếm 70 - 80% giá thành sản phẩm. Vì vậy, sử dụng thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, giúp tiết kiệm chi phí và làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn. Để tăng tỷ lệ nạc trong thịt heo, phát huy tối đa hiệu quả chất lượng giống, việc cân đối các chất dinh dưỡng trong thức ăn rất quan trọng.

Ngoài việc phải đảm bảo hàm lượng đạm tối thiểu theo nhu cầu vật nuôi, thì cần bổ sung các vi khoáng, vitamin, các axit amin thiết yếu, bởi các chất này thường thiếu trong các nguyên liệu khi phối hợp thức ăn.

Để tạo cho gà có màu vàng ở da, ở chân, lòng đỏ trứng thì trong quá trình chăn nuôi nên sử dụng tỷ lệ bắp cao. Đối với gà thịt nên sử dụng thời gian 2 - 3 tuần trước khi xuất chuồng, đối với gà đẻ nên sử dụng trong giai đoạn đẻ trứng. Ngoài ra cần cho gà ăn bổ sung thêm rau có màu xanh lục cũng là tạo màu cho gà, vì màu xanh lục là tiền vitamin A.

Nhằm góp phần giảm sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, giảm tồn dư kháng sinh trong thịt, có thể sử dụng các chế phẩm sinh học; men vi sinh hoạt tính; áp dụng mô hình đệm lót sinh học, giúp hệ tiêu hóa vật nuôi phát triển sớm và hoàn thiện hơn, tỷ lệ hấp thụ tiêu hóa thức ăn được nâng cao, giảm chi phí thức ăn, chất lượng thịt thơm ngon, giảm dịch bệnh.

Vệ sinh phòng bệnh

Người chăn nuôi cần thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh lên vật nuôi, đồng thời hạn chế sự lan truyền bệnh của vật nuôi ra môi trường. Áp dụng tốt biện pháp an toàn sinh học sẽ giúp heo tăng trưởng phát triển nhanh, phát huy tối đa năng suất của giống, nhằm tạo sản phẩm có chất lượng thịt xẻ cao, nhiều nạc.

Bà con cũng cần thực hiện tốt công tác phòng bệnh bằng vacxin, vệ sinh sát trùng chuồng trại, sát trùng dụng cụ chăn nuôi, người chăm sóc, khách tham quan; cách ly heo mới nhập, heo bệnh…

Trong điều kiện sử dụng thuốc thú y trong phòng bệnh thì tuyệt đối thực hiện đúng nguyên tắc “ngưng thuốc trước khi giết mổ” theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất.

Để “nói không với chất cấm”, các địa phương cần đẩy mạnh triển khai mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, nhằm thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc và gắn trách nhiệm của từng khâu trong chuỗi khi phát hiện sản phẩm có chất cấm. Khuyến khích các cơ sở chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Đồng thời, hàng năm triển khi ký cam kết “nói không với chất cấm” và kiên quyết xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ và nhất là các thương lái cố tình sai phạm.

Theo nongnghiep.vn