Phương pháp rửa mặn trong canh tác lúa, tôm
- Thứ tư - 10/08/2016 04:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong canh tác lúa tôm, để canh tác vụ lúa trên đất nuôi tôm thành công thì khâu quan trọng nhất là phải rửa mặn triệt để và đúng kỹ thuật, vì cây lúa ở giai đoạn mạ chịu được độ mặn dưới 2‰. Để khâu rửa mặn được triệt để khi trời có mưa to, khuyến cáo một số biện pháp như sau:
1. Thời điểm rửa mặn:
- Cần bố trí vụ tôm kết thúc sớm để có thời gian rửa mặn triệt để (tốt nhất kết thúc vụ tôm vào tháng 7). Thời gian rửa mặn hợp lý nhất là từ cuối tháng 7 đến tháng 8 dương lịch, từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch là thời vụ canh tác lúa.
2. Phương pháp rửa mặn:
* Sử dụng nước mưa để rửa mặn:
- Cần theo dõi các kênh thông tin thông báo có mưa lớn, áp thấp hay bão vào vùng biển Đông thì cần phải xổ cạn đến khô nước trên bề mặt ruộng hoặc xổ khô cả lòng mương nếu nước còn quá mặn.
- Đón các trận mưa lớn, giữ cho ngập mặt ruộng, ngâm ruộng qua 2 đến 3 đêm, sau đó lại xổ cạn như trước và lặp lại từ 3 đến 5 lần.
* Xới đất kết hợp bón vôi:
- Cày xới giúp đất tơi xốp, tăng khả năng thấm rút nước giúp cho việc rửa các muối trong đất được dễ dàng. Trước tiên, bón vôi (CaO hoặc CaCO3) đều trên mặt ruộng với liều lượng 300 - 500 kg/ha.
- Sau đó, bà con nên tiến hành xới đất nhằm giúp vôi trộn đều trong đất. Khi có mưa, hứng nước mưa ngập mặt ruộng (mặt trảng) ngâm khoảng 2 đến 3 đêm, sau đó xổ cạn và lặp lại từ 3 đến 5 lần đến khi độ mặn trong nước còn 2‰ thì tiến hành gieo sạ.
* Cách xác định độ mặn để gieo sạ
- Bà con nông dân thường đo độ mặn trong nước, khi đạt dưới 2‰ là tiến hành gieo sạ. Tuy nhiên, việc giữ nước mặn vào nuôi tôm trong thời gian dài đã khiến tình trạng đất giữ mặn và rất khó rửa, đó là lý do hiệu quả rửa mặn chưa triệt để dẫn đến cây lúa dễ bị chết trong giai đoạn mới sạ nếu gặp thời tiết nắng nóng (nhất là gặp phải “hạn bà chằn” thường xuất hiện vào tháng 7, tháng 8 dương lịch).
Để xác định tương đối chính xác độ mặn để gieo sạ thì sau khi đã áp dụng đồng bộ các biện pháp rửa mặn trên, đo độ mặn nước dưới 2‰, tiến hành rút cạn nước trên mặt ruộng, phơi khoảng 1 - 2 ngày. Dùng tay khoét giữa ruộng 1 lỗ rộng và sâu khoảng 2 - 3 tấc, chờ nước trong đất rịn ra, lắng trong và đo độ mặn. Nếu đo độ mặn dao động từ 2 - 3‰, thì tiến hành gieo sạ. Nếu độ mặn cao hơn 2 - 3‰, thì tiếp tục rửa mặn.
3. Cộng đồng rửa mặn
- Khi tiến hành rửa mặn, nông dân trong vùng cần liên kết lại để rửa mặn đồng loạt sẽ giúp độ mặn giảm nhanh hơn và giảm chi phí. Nhằm tăng cường mối liên kết giữa nông dân với nông dân thì vai trò của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền vận động rất quan trọng.
Tóm lại, muốn vụ lúa trên đất nuôi tôm thành công, khâu quan trọng nhất là phải rửa mặn cho thật tốt, đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, bà con cần chọn thời điểm gieo cấy phù hợp, chấm dứt vụ tôm đúng lúc, phải chuẩn bị giống lúa chịu mặn tốt./.
Theo Trần Ngọc Lãm/khuyennongvn.gov.vn