Probiotic cho heo sau cai sữa và nuôi thịt
- Thứ tư - 17/01/2018 02:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đối tượng nghiên cứu
Thí nghiệm tiến hành trên 24 heo lai F1 (Large White × Móng Cái), 35 ngày tuổi, khối lượng trung bình 7,5 kg ± 0,12 và chế phẩm probiotic từ 2 chủng Bacillus subtilis và Lactobacillus plantarum được nuôi cấy trong môi trường bã đậu nành (hàm lượng protein của bã đậu nành tính theo dạng ướt đạt 4,8%). Trong đó vi khuẩn Bacillus subtilis và Lactobacillus plantarum được phân lập và định danh bởi Đỗ Thị Bích Thủy (2011, 2013 và 2014).
Bổ sung probiotic giơp tăng tốc độ sinh trưởng cho heo Ảnh: Lechones
Phương pháp nghiên cứu
Bố trí thí nghiệm: 24 con heo lai F1 được bố trí ngẫu nhiên vào 4 nghiệm thức, trong đó lô đối chứng (không bổ sung chế phẩm probiotic và 3 lô thí nghiệm còn lại bổ sung 3 mức probiotic khác nhau là 1×108 CFU/g thức ăn, 2×108 CFU/g thức ăn và 3×108 CFU/g thức ăn trong khẩu phần giai đoạn heo con sau cai sữa và heo thịt. Mỗi lô thí nghiệm gồm 6 heo (trong đó có 3 heo đực và 3 heo cái) với 3 lần lặp lại (2 heo/ô chuồng).
Ghi chú: Nghiệm thức 1 (CT0): không bổ sung chế phẩm; 2 (CTBL1): bổ sung mức 1 × 108 CFU/g thức ăn; 3 (CTBL2): bổ sung mức 2 × 108 CFU/g thức ăn; và 4 (CTBL3): bổ sung mức 3 ×108 CFU/g thức ăn.
Thức ăn thí nghiệm gồm các nguyên liệu: bột ngô, bột sắn, cám gạo, tấm gạo tẻ, thức ăn đậm đặc. Tỷ lệ phối trộn thức ăn và giá trị dinh dưỡng của các khẩu phần thức ăn ở heo qua ba giai đoạn được trình bày ở bảng 2. Khẩu phần thí nghiệm được nuôi theo ba giai đoạn khác nhau: Giai đoạn I: heo có khối lượng từ 7 - 20 kg, giai đoạn II: heo có khối lượng từ 20 - 50 kg và giai đoạn III: heo có khối lượng từ 50 - 80 kg.
Probiotic được tạo thành từ hỗn hợp vi khuẩn Bacillus subtilis và Lactobacillus plantarum với tỷ lệ 2:1 (2 Bacillus subtilis + 1 Lactobacillus plantarum). Đối với vi khuẩn Lactobacillus plantarum, chuẩn bị môi trường 50 ml dung dịch MRS broth (đã tiệt trùng) là môi trường tăng sinh của giống vi khuẩn probiotic. Làm nguội dung dịch đến nhiệt độ 370 C. Vi khuẩn Lactobacillus plantarum từ ống eppendorf (bảo quản trong tủ đông ở nhiệt độ -800C) được rã đông và cho vào dung dịch MRS broth. Sau các khoảng thời gian ủ tăng sinh 1 ngày ở nhiệt độ 370 C, thực hiện đếm số khuẩn lạc và tính mật số vi khuẩn lactic để tiến hành cấy vào mẫu bã đậu nành theo tỷ lệ của thí nghiệm.
Đối với vi khuẩn Bacillus subtilis, chuẩn bị 50 ml dung dịch môi trường cơ bản bao gồm: 10 g pepton, 3 g NaCl, 5 g cao thịt và nước cất sau đó được tiệt trùng trong vòng 60 phút ở nhiệt độ 1210 C rồi làm nguội dung dịch đến nhiệt độ 370 C. Vi khuẩn Bacillus subtilis DC5 từ ống eppendorf bảo quản trong tủ đông ở nhiệt độ -800 C được rã đông và cho vào dung dịch môi trường cơ bản. Tất cả các thao tác đều tiến hành trong điều kiện vô trùng. Sau khoảng thời gian ủ tăng sinh 1 ngày ở nhiệt độ 370 C, thực hiện đếm số khuẩn lạc và tính mật số vi khuẩn để tiến hành cấy vào mẫu bã đậu nành theo các tỷ lệ của thí nghiệm. Probiotic chỉ bổ sung vào khẩu phần ăn của heo giai đoạn 7 - 20 kg và giai đoạn 20 - 50 kg, giai đoạn 50 - 80 kg không bổ sung chế phẩm probiotic.
Chăm sóc nuôi dưỡng: heo được cho ăn 3 lần/ngày vào các thời điểm 8, 12 và 18 giờ. Lượng thức ăn cho ăn và thức ăn thừa được cân hàng ngày. Nước uống tự do bằng hệ thống vòi tự động. Chế phẩm probiotic ở dạng ướt được trộn theo từng ngày trước khi cho ăn. Thời điểm cho ăn cuối cùng của ngày khống chế lượng ăn vào, đảm bảo heo ăn khẩu phần hạn chế được thức ăn thừa trong ngày. (Liều lượng bổ sung lô thí nghiệm 1×108 CFU/g thức ăn là 0,1 kg VCK/100 kg TĂ, lô thí nghiệm 2×108 CFU/g thức ăn tương ứng mức phối trộn là 0,2 kg VCK/100 kg TĂ và lô thí nghiệm 3×108 CFU/g thức ăn là 0,3 kg VCK/100 kg TĂ).
Các chỉ tiêu nghiên cứu: Tăng trọng (g/ngày); khả năng ăn vào (kg DM/ngày); chuyển hóa thức ăn (kg DM/kg tăng trọng) và chi phí thức ăn/kg tăng trọng.
Kết quả
Giai đoạn I: Sau một tháng nuôi (giai đoạn từ 7 - 20 kg), khối lượng trung bình cao nhất là lô thí nghiệm CTBL3 (23,92 kg) thấp nhất là lô CT0 (19,49 kg). Ở các lô thí nghiệm còn lại: CTBL1, CTBL2 và CTBL3 tương ứng là 21,06; 22,99; 23,92 kg/con.
Giai đoạn 20 - 50 kg, cao nhất ở nghiệm thức CTBL3 là 43,50 kg/con và thấp nhất là nghiệm thức đối chứng CT0 36,42 kg/con. Về tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng của heo ở giai đoạn nuôi 7 - 20 kg của các lô thí nghiệm thấp hơn so với lô đối chứng (CT0).
Giai đoạn III: Tăng trọng cơ thể heo trong giai đoạn sinh trưởng và vỗ béo (50 - 80 kg) lớn nhất ở công thức bổ sung CTBL3 (702,1 g/ngày), thấp nhất là CTBL1 (597,9 g/ngày). Tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng trọng trong giai đoạn này ở các công thức CT0, CTBL1, CTBL2 cao hơn so với công thức CTBL3.
Mặc dù chỉ bổ sung chế phẩm probiotic ở giai đoạn từ 7 - 50 kg và ngừng bổ sung ở giai đoạn từ 50 - 80 kg, nhưng kết quả cho thấy có sự ảnh hưởng của chế phẩm này ở giai đoạn kết thúc. Tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng trọng của heo giữa các công thức CTBL3 và CTBL2 thấp hơn so với công thức CT0 và CTBL1. Chi phí thức ăn tính bình quân cho toàn bộ giai đoạn thí nghiệm của heo ở công thức CTBL3 giảm 16% so với công thức CT0.
Kết luận
Bổ sung hỗn hợp chế phẩm probiotic (Bacillus subtilis và Lactobacillus plantarum) vào khẩu phần thức ăn đã ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn. Mức độ bổ sung (3×108 CFU/g TĂ) vào khẩu phần thức ăn đạt tốc độ sinh trưởng và chuyển hóa thức ăn là tốt nhất. Đồng thời chi phí thức ăn giảm 16% trong toàn bộ giai đoạn thí nghiệm so với lô đối chứng (không bổ sung).
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp
Đại học Nông lâm Huế