Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi mùa mưa
- Thứ hai - 07/09/2015 20:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ao nuôi bị nhiễm phèn
Sau những trận mưa, nước sẽ rửa trôi phèn làm pH trong ao giảm đột ngột; tôm, cá có thể chết hàng loạt, đặc biệt là những ao nuôi trong những vùng đất bị nhiễm phèn. Vì vậy, những ao nuôi có đất bị nhiễm phèn, khi cải tạo cần tăng lượng vôi nông nghiệp bón xuống ao, liều lượng 15 - 18 kg/100 m2. Dùng bạt phủ kín từ đáy ao lên mặt bờ xung quanh ngăn không cho nước mưa thấm qua bờ tràn xuống, hoặc đắp gờ đất ngăn không cho nước mưa chảy trực tiếp xuống ao. Sau mưa, cần tháo bớt lượng nước ở tầng mặt tránh tôm, cá bị sốc pH.
Trong quá trình nuôi, sử dụng vôi bột hoặc vôi tôi hòa loãng với nước té đều xuống ao, liều lượng 0,5 - 10 kg/1.000 m2, định kỳ 20 ngày/lần; trước khi trời mưa nên rải vôi quanh bờ ao với liều lượng 10 kg/1.000 m2. Thường xuyên kiểm tra pH nước bằng giấy quỳ hay máy đo pH của nước, mức thích hợp cho tôm cá sinh trưởng và phát triển 6,5 - 7,5. Nếu pH thấp hơn ngưỡng cho phép thì phải té vôi ngay liều lượng 1 - 2 kg/100 m2. Đối với ao nuôi tôm, khi pH hạ thấp ngoài dùng vôi, người nuôi còn có thể sử dụng sản phẩm Sitto Thio 5000, liều lượng 1 lít/300 m3 nước và kết hợp thêm Zeolite 10 kg/1.000 m3 nước để ổn định môi trường nước.
Thường xuyên kiểm tra môi trường nước vào mùa mưa - Ảnh: PTC
Nước quá trong
Thường gặp ở những vùng đất phèn hoặc đất cát. Sau mưa, độ kiềm và CO2 của nước ao biến động lớn làm giảm đột ngột mật độ tảo trong ao nuôi. Nước có độ trong cao, ao nghèo dinh dưỡng, tảo không phát triển, do vậy, nên thay nước cũ thêm nước mới vào hoặc dùng vôi dolomite liều lượng 15 - 18 kg/1.000 m2, sau đó tiến hành gây lại màu nước trong ao nuôi bằng 2 - 3 ngày bón phân cho ao nuôi 1 lần, liên tục trong vòng 20 ngày đầu để gây và giữ màu nước cho ao nuôi. Nếu nước vẫn tiếp tục trong và tảo đáy phát triển thì có thể dùng màu nhân tạo (màu giả) để giảm cường độ ánh sáng chiếu xuống ao.
Vi khuẩn gây bệnh phát triển
Sau khi mưa vài ngày, thời tiết nắng, tạo điều kiện vi khuẩn có hại phát triển, cần diệt khuẩn để giảm bớt mầm bệnh. Cấy vi sinh lại sau 2 ngày kết hợp với quạt nước, máy bơm, tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan, kích thích vi khuẩn có lợi trong ao phát triển, ức chế vi khuẩn có hại, tăng cường phân hủy chất hữu cơ, hạn chế hiện tượng tảo phát triển quá mức. Bên canh đó cần tăng cường sức đề kháng cho tôm, cá nuôi.
Nhiều chất rắn lơ lửng
Đối với các ao nuôi tôm nền đáy cát, cát bùn sau những cơn mưa lớn thường có nhiều hạt rắn lơ lửng, bụi đất trong nước, các chất bẩn này bám vào mang làm tôm, cá dễ bị sưng và tổn thương mang. Để khắc phục dùng vôi nông nghiệp CaCO3, liều lượng 10 - 20 kg/1.000 m3/ngày, kết hợp tạt Zeolite (liều lượng 10 - 15 kg/1.000 m3) để lắng tụ các hạt lơ lửng, bụi đất; Sau đó dùng chế phẩm sinh học để ổn định màu nước. Đồng thời nâng cao mực nước lên và tăng cường máy quạt nước. Khi gặp hiện tượng này tôm sẽ giảm ăn vì vậy phải giảm lượng thức ăn từ 20 - 50%.
Tăng cường sức đề kháng cho tôm, cá
Mùa mưa, môi trường nước nhiều biến động, tôm, cá ăn kém, sức đề kháng giảm và dễ bị cảm nhiễm một số bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Vì vậy, cần sử dụng thức ăn đảm bảo dinh dưỡng và thường xuyên bổ sung một số chất tăng cường sức đề kháng và giúp cho tôm cá nuôi chuyển hóa thức ăn tốt hơn như Beta-Glucan, Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, chế phẩm sinh học. Đặc biệt, tôm nuôi thường gặp phải hiện tượng khó lột vỏ vào mùa mưa, nhất là ở những vùng đất nhiễm phèn và những nơi có độ cứng thấp do các chất khoáng trong nước sông không cân bằng, tôm sẽ yếu. Cách xử lý dùng Dolomite 20 - 30 kg/1.600 m2 từ 1 - 2 lần trong vòng 50 ngày nuôi đầu sẽ tránh được hiện tượng này. Trong quá trình nuôi sử dụng thức ăn đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt vào mùa mưa, cần tăng cường bổ sung khoáng chất và men vi sinh để tăng cường chuyển hóa thức ăn cho tôm nuôi.
>> Vào mùa mưa các yếu tố thủy lý, thủy hóa biến động liên tục, người nuôi cần phải theo dõi chất lượng nước, sức khỏe của tôm, cá nuôi để kịp thời khắc phục khi xảy ra sự cố, giảm thiểu thiệt hại. |