Quản lý dịch bệnh trong giai đoạn úm heo
- Thứ hai - 22/08/2016 21:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Heo con giai đoạn theo mẹ chủ yếu bị ảnh hưởng nặng do quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tuy nhiên cũng có không ít các tác nhân gây bệnh có ảnh hưởng tới heo trong giai đoạn này. Việc quản lý chăm sóc heo con trong giai đoạn này rất qua trọng, đặc biệt là kỹ thuật úm heo giúp giảm thiểu các tác nhân gây bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe đàn heo. Với điều kiện miền bắc nước ta đặc biệt cần chú ý tới việc quản lý nhiệt và gió trong quá trình úm heo con.
Việc chăm sóc nuôi dưỡng heo con giai đoạn theo mẹ để giảm thiểu hiện tượng heo con bị ốm, chết hay phát triển không bình thường chúng ta cần chú ý tới các nguyên nhân sau: Heo mẹ, tác nhân môi trường, các tác nhân gây bệnh.
Heo mẹ ảnh hưởng tới heo con giai đoạn này là có thể do: Trong thời gian mang thai, heo mẹ bị bệnh suy dinh dưỡng, các bệnh truyền nhiễm như: dịch tả, phó thương hàn, Aujeszky, leptospirosis, brucellosis, PRRS… Trong thời gian nuôi con; do heo mẹ mắc hội chứng MMA, bệnh sốt hậu sản hiện tượng sót nhau … hay do thay đổi thức ăn
Các tác nhân trên gây ảnh hưởng lớn tới heo mẹ dẫn tới nguồn sữa cung cấp cho heo con không ổn định hoặc mất hẳn, làm rối loạn tiêu hóa dẫn tới hiện tượng tiêu chảy trên heo con, đối với việc hiện tượng này cần chú ý đặc biệt tới việc chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý heo mẹ trong giai đoạn mang thai và cho con bú. Đặc biệt chú ý tới việc phòng bệnh cho heo mẹ và sử dụng thức ăn hợp lý cho heo mẹ, với heo mẹ giai đoạn cho con bú cần cho heo mẹ ăn tự do (không hạn chế heo mẹ ăn) mức trung bình mà heo mẹ có thể ăn được trong giai đoạn này là 4 - 6kg thức ăn hỗn hợp.
- Thức ăn cho heo mẹ = thức ăn cho heo mẹ duy trì cơ thể + thức ăn cho việc tiết sữa nuôi con
- Heo mẹ cần 1,8kg thức ăn hỗn hợp duy trì cơ thể.
- Để nuôi 1 heo con heo mẹ cần ăn 0,3kg thức ăn hỗn hợp
- Như vậy thức ăn cần thiết trong quá trình heo mẹ nuôi con là: 1,8 + 0,3 x n (n là số heo con trong ổ)
- VD để nuôi một đàn 10 heo con cần cho heo mẹ ăn 1,8 + 0,3 x10 = 4,8 kg thức ăn hỗn hợp
Ngoài các yếu tố trên còn có một số yếu tố quan trọng nữa mà chúng ta cần quan tâm đó là vấn đề về các mầm bệnh thường trực, dễ mắc cho heo trong giai đoạn này.
Heo con theo mẹ rất mẫn cảm với các điều kiện môi trường do vậy việc chăm sóc không đúng kỹ thuật sẽ dẫn tới việc heo con mắc phải những bệnh thông thường gây ra hiện tượng tiêu chảy như E.coli, PED, cầu trùng, TGE, Rotavirus . . . tuy nhiên việc xử lý trong giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn do heo con chưa hoàn thiện hệ thống tiêu hóa, sức đề kháng còn yếu trước các tác nhân môi trường.
- Bệnh E.coli là bệnh phổ biến với heo con theo mẹ không được chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Nguyên nhân là do vi khuẩn E.coli có trong ruột của heo gây ra. Các biểu hiện đặc trưng của bệnh là tiêu chảy phân trắng, phân trắng và có thêm bọt. Heo con không chịu bú mẹ dẫn tới bệnh càng thêm trầm trọng.
Ta có thể xử lý bằng cách cho heo con uống Colistin, Amoxicillin,Ampicilin, Lincomycin nặng có thể tiêm cho heo tuy nhiên nên hạn chế vì ảnh hưởng tới sự phát triển của heo ở các giai đoạn sau.
- Bệnh PED là bệnh do Coronavirus gây ra làm ảnh hưởng nặng nề tới heo con, bệnh có tỷ lệ chết rất cao.
Các biểu hiện của bệnh
+ Lười bú.
+ Nôn mửa.
+ Phân lỏng, có màu vàng, có sữa không tiêu và mùi rất tanh.
+ Heo con sụt cân nhanh do mất nước, heo con thích nằm lên bụng mẹ.
+ Lây lan rất nhanh (gần như 100%), chết trong 3-4 ngày, xác gầy
Đối với PED việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị tiêu chảy thường không hiệu quả ta có thể sử dụng vaccine chuồng để hạn chế sự lây lan của bệnh
- Bệnh cầu trùng heo con do ký sinh trùng Isospora suis, thuộc nhóm protozoa nội bào gây ra, thường xảy ra đối với các trại có quy trình vệ sinh kém và mật độ nuôi cao, độ aame chuồng cao.
+ Đầu tiên heo tiêu chảy phân sệt, sau đó trở nên lỏng (có thể lẫn bọt) thường có màu trắng sữa.
+ Tiêu chảy kéo dài 5-6 ngày, phân có màu trắng chuyển dần sang màu vàng, nhưng cũng có khi có màu nâu nhạt hoặc hơi xám, phân tiêu chảy thường mịn và có dịch nhày.
+ Heo nhiễm bệnh nặng, xù lông, gầy ốm, heo mất nước, mệt mỏi nhưng vẫn bú
+ Tỉ lệ chết do bệnh cầu trùng thấp (khoảng 20% heo mắc bệnh) nhưng làm tăng trưởng kém cho heo con cả giai đoạn trước và sau cai sữa.
Việc xử lý cầu trùng thường có tiên lượng tốt khi sử dụng Toltrazuril cho uống.
- Ngoài ra các nguyên nhân do TGE, Clostridium, Rotavirus thường ít gặp trong giai đoạn này, chúng thường xuất hiện khi môi trường chăn nuôi không phù hợp như thiếu nhiệt trong mùa đông, bị gió lùa . . .
Các tác nhân trên gây thiệt hại nặng nề cho chăn nuôi heo dẫn tới việc heo con phát triển không đồng đều, thiệt hại đầu con và lưu cữu mầm bệnh trong môi trường nuôi.
Ngoài ra các tác nhân trên yếu tố dinh dưỡng trong giai đoạn cuối của giai đoạn này cũng ảnh hưởng sự phát triển của heo.
Việc cung cấp thiếu nước sạch cho heo con cũng là một nguyên nhân dẫn tới hiện tượng tiêu chảy trên heo con.
Chăm sóc heo con giai đoạn theo mẹ việc giữ ấm, khô và sạch là 3 yếu tố hàng đầu và quan trọng nhất quyết định thàng công trong chăn nuôi heo con. Ngoài ra công tác phòng bệnh cũng cần chú ý tới.
Như vậy ngoài việc chăm sóc quản lý heo con giai đoạn theo mẹ, ta cần chú ý tới các nguyên nhân dẫn tới heo con bị nhiễm các tác nhân bên ngoài gây hiện tượng tiêu chảy, mất nước, giảm chất lượng con giống, ảnh hưởng tới các giai đoạn chăn nuôi sau và gây thiệt hại kinh tế nặng nề.
Theo VietDVM