Cải thảo hay tên gọi khác cải bao là giống rau nhập nội được sử dụng ngày một nhiều hơn do là nguồn nguyên liệu để SX kim chi. Nắm bắt được nhu cầu trồng cải thảo tăng cao tại Thủ đô, năm 2011 Sở NN-PTNT Hà Nội đã ban hành quy trình kỹ thuật SX cải thảo an toàn nhằm hỗ trợ nông dân.
Qua tài liệu do Chi cục BVTV Hà Nội cung cấp thì cải thảo có thể gieo trồng ở nhiều thời điểm khác nhau. Nếu như vụ sớm gieo tháng 8, trồng tháng 9 thì chính gieo tháng 9, trồng tháng 10 và vụ muộn gieo tháng 12, trồng tháng 1 - 2 năm sau. Thời gian sinh trưởng của cải thảo dao động từ 75 - 90 ngày, lượng hạt giống cần 550 - 700 gram/ha.
Anh Nguyễn Minh Công - Phó Phòng Quản lý chất lượng (Chi cục BVTV Hà Nội) cho biết: "Vườn ươm cải thảo cần đảm bảo đất tơi xốp, giầu mùn, giữ ẩm và dễ thoát nước. Sau khi hoàn thành khâu làm đất, lượng hạt giống gieo từ 1,0 - 1,5 gram/m2, gieo làm 2 lượt để hạt phân bố đều trên mặt luống (khi gieo nên trộn hạt với đất bột).
Gieo hạt xong, lấy đất bột phủ đều kín hạt, sau đó phủ một lớp rơm rạ băm nhỏ hoặc trấu mỏng trên mặt luống và dùng ô doa tưới nước đủ ẩm (tưới 2 lần/ngày vào sáng sớm hoặc chiều mát trong vòng 3 - 5 ngày đầu, khi hạt nảy mầm nhô lên mặt đất 2 ngày tưới một lần)".
Theo anh Công, nên để khoảng cách cây với cây từ 3 - 4 cm. Sau khi nhổ tỉa kết hợp tưới thúc bằng phân chuồng ngâm ủ hoai pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:1 (tuyệt đối không tưới đạm ure).
Đất phù hợp nhất cho cải bao là đất thịt nhẹ, cát pha, phù sa có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp, giàu mùn, pH từ 6,0 - 6,5. Trước khi trồng cây giống, làm đất kỹ, tơi nhỏ, dọn sạch cỏ và tàn dư thực vật, lên luống cao 25 - 30 cm, mặt luống rộng 1,2 m, rãnh rộng 25 cm, bằng phẳng, dễ thoát nước để tránh ngập úng khi gặp mưa.
Kinh nghiệm cho thấy, trồng cải thảo 2 hàng/luống kiểu nanh sấu là hiệu quả và tiết kiệm diện tích nhất. Tuy nhiên, mật độ cần phù hợp theo thời vụ. Vụ sớm, cây x cây là 40 x 40 cm (khoảng 50.000 - 55.000 cây/ha); Chính vụ, cây x cây 50 x 40 cm (khoảng 40.000 - 45.000 cây/ha).
+ Chú ý, phải đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Trong trường hợp đặc biệt như mật độ sâu rất cao, thuốc sinh học không có khả năng khống chế thì lựa chọn sử dụng thuốc hóa học ít độc, nhanh phân giải theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. + Khi cải thảo cuộn chặt tiến hành thu hoạch tỉa dần (cây lớn trước, cây bé sau). Chặt cao sát thân bắp để dễ thu hồi và xử lý gốc rau trên ruộng. Sau khi chặt cây, cần loại bỏ lá ngoài, lá già, lá bị sâu hại trên bắp, trước khi đóng gói đưa đi tiêu thụ. |
Chi cục BVTV Hà Nội khuyến cáo, cần đảm bảo thời gian cách ly với phân đạm ure ít nhất 15 ngày trước khi thu hoạch. Trường hợp không có phân chuồng hoai mục, có thể dùng phân hữu cơ vi sinh để thay thế với lượng dùng theo hướng dẫn, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Bên cạnh đó, cần sử dụng nguồn nước đủ tiêu chuẩn theo quy định (nguồn nước sông, hồ lớn, nước ngầm và nước giếng khoan đã qua xử lý). Tuyệt đối không sử dụng nguồn nước ô nhiễm (nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc, ao tù đọng, nước thải sinh hoạt,...) để tưới cho rau.
Về công tác phòng trừ sâu bệnh cho cải thảo, các cán bộ BVTV khuyến cáo, nên trồng cải bao luân canh với cây khác rau họ thập tự, đối với các vùng không chuyên rau nên luân canh với cây lúa nước nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển tiếp. Tưới phun mưa vào buổi chiều tối có tác dụng rửa trôi bớt trứng, sâu non sâu tơ và hạn chế bướm sâu tơ đến đẻ trứng.
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại. Dùng biện pháp thủ công như ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non khi mật độ sâu thấp (áp dụng với sâu xám, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang,...) hoặc phát hiện và nhổ bỏ những cây bị bệnh đem tiêu huỷ.
Quây nilon kín quanh ruộng (cao 0,9 - 1,2m) trước khi gieo hạt, để ngăn chặn bọ nhảy vào gây hại. Sử dụng bẫy pheromone để bắt trưởng thành sâu tơ trong suốt thời gian sinh trưởng của cây (cả vụ).
Trong trường hợp mật độ sâu bệnh có mật độ quá lớn có thể tiến hành sử dụng thuốc BVTV. Giai đoạn vườn ươm cần chú ý các đối tượng rệp, sâu xám, bệnh sương mai và bệnh thối gốc... phòng trừ bằng các thuốc sinh học thế hệ mới. Giai đoạn giữa vụ (trải lá bàng - cuốn nhỏ) lưu ý các đối tượng sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang và rệp muội.
Sử dụng các loại thuốc thảo mộc, sinh học, nguồn gốc sinh học để phòng trừ khi mật độ sâu bệnh cao như: Sâu tơ > 30 - 40 con/m2; sâu xanh, sâu khoang ≥ 4 - 5 con/m2 ; rệp muội > 40%. Giai đoạn cuối vụ (15 - 20 ngày trước thu hoạch), đặc biệt quan tâm các đối tượng như: Rệp muội, sâu tơ, sâu khoang và bệnh thối nhũn.
Khi mật độ sâu cao (rệp muội > 50 % cây bị hại cấp 2 - 3; sâu tơ > 90 - 100 con/m2; sâu khoang > 5 - 6 con/m2) xử lý thuốc thảo mộc có hoạt chất matrine thuốc sinh học Bt và các loại nguồn gốc sinh học tương tự như giai đoạn giữa vụ để phòng trừ.
Theo Nongnghiep.vn