Quy trình nuôi ếch sinh sản

Đến mùa sinh sản phát hiện thấy ếch kêu gọi nhau thì tiến hành chọn theo cặp rồi nhốt riêng cho đẻ, có thể tiêm kích dục tố hoặc không (tốt nhất là tiêm kích dục tố) sau đó tiến hành phun mưa nhân tạo...

 

Hỏi: Xin cho biết quy trình nuôi ếch sinh sản?

Trả lời: Nếu hướng dẫn hết thì rất dài nên tôi chỉ xin nói ngắn gọn như sau: Để cho ếch sinh sản tốt, trước hết phải chọn ếch hậu bị vào nuôi vỗ từ năm trước. Cách chọn như sau: Chọn ếch bố mẹ từ 8 tháng đến 1 năm tuổi, cỡ đều nhau, khỏe mạnh, không bệnh, không dị hình, chọn theo tỷ lệ 1 cái 2 đực hoặc 1,5 đực. Khi nuôi vỗ có thể nuôi riêng đực cái, đến mùa sinh sản ghép chung hoặc khi phát hiện ếch phát dục kên gọi nhau thì chọn nuôi chung.

Đến mùa sinh sản phát hiện thấy ếch kêu gọi nhau thì tiến hành chọn theo cặp rồi nhốt riêng cho đẻ, có thể tiêm kích dục tố hoặc không (tốt nhất là tiêm kích dục tố) sau đó tiến hành phun mưa nhân tạo vào ban đêm, gần sáng ếch sẽ đẻ. Khi ếch đẻ xong vớt trứng đi ấp, khi trứng nở thành nòng nọc sau 2 ngày cho ăn lòng đỏ trứng hoặc Artemia. Chú ý giai đọan này cần kiểm soát nước tốt để không bị ô nhiễm.


Hỏi: Thuốc kích dục cho ếch ở Hà Nội có cơ sở nào bán không?

Trả lời: Thuốc kích dục cho ếch thường dùng LRHA cộng với Dôm, quý vị hỏi các cơ sở thủy sản đều bán rất nhiều hoặc hỏi các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (rất dễ mua), không chỉ Hà Nội mà rất nhiều nơi bán.


Hỏi: Xin cho biết cách loại bỏ váng xanh nổi trên mặt ao? (ao thường xuyên được thay nước, nguồn nước sạch, ao thường nổi váng vào ngày nắng nóng, ao nuôi cá)

Trả lời: Nguyên nhân do tảo già chết tạo thành váng. Sở dĩ tảo nhiều do ao thừa dinh dưỡng từ thức ăn thừa, bón nhiều phân, do chất thải của cá, vệ sinh ao không tốt. Để hạn chế tảo phải loại trừ được các nguyên nhân gây ra như cho ăn theo nguyên tắc "4 đúng", hạn chế bón phân, thay nước định kỳ và vệ sinh ao thường xuyên.

Khắc phục: Bón chế phẩm sinh học định kỳ, thay nước không để ô nhiễm, thay 30%/ngày, thay 3 ngày liên tục. Bón vôi định kỳ 2 - 4kg/100m3 nước, bón 2 lần/tháng. Chú ý sau mỗi vụ nuôi phải xử lý ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật.


Hỏi: Bắp cải vùng chúng tôi thường bị bệnh bã trầu gây hại rất nhiều, xin được hướng dẫn cách phòng trị sao cho có kết quả cao?

Trả lời: Bệnh bã trầu (chuyên môn gọi là bệnh cháy bìa lá vi khuẩn) là một bệnh khá phổ biến trên cây bắp cải, su hào, súp lơ…

Nếu nặng có thể làm lá bị khô cháy, rụng sớm, cây phát triển kém, gây thất thu năng suất rất nghiêm trọng.

Để hạn chế tác hại của bệnh, có thể áp dụng một số biện pháp chính sau đây:

- Lên luống cao để vườn thoát nước tốt, không trồng quá dầy để vườn luôn khô ráo.

- Không bón quá nhiều phân đạm, phải bón cân đối giữa đạm lân và kali, nên tăng cường phân chồng đã ủ mục.

- Nên xử lý hạt giống với nước nóng 52 độ C trong 30 phút trước khi gieo.

- Thu gom những lá đã bị bệnh nặng đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy để hạn chế bệnh lây lan.

- Khi vườn đã bị bệnh không nên tưới nhiều nước, không tưới vào buổi chiều tối để vườn bị ẩm ướt vào ban đêm.

- Kiểm tra vườn thường xuyên, nếu phát hiện có bệnh có thể phun bằng một trong những loại thuốc như Linacin 40SL, Linacin 50WP, Anti-xo 200WP, Xantocin 40WP, Kadatil 300WP… (theo hướng dẫn của nhà sản xuất có in trên nhãn thuốc).

- Những vườn thường bị bệnh hại nặng, nên luân canh với cây trồng khác như hành, ngò gai, bầu, bí… vài vụ.

Theo Kim Văn Tiêu - Nguyễn Vũ/nongnghiep.vn