Quy trình thực hành chăn nuôi tốt
- Thứ hai - 29/10/2018 04:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cụ thể, Quy chế này quy định việc chứng nhận cơ sở chăn nuôi heo, gà an toàn quy mô nông hộ phù hợp với Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi heo, gà an toàn trong nông hộ; Áp dụng với các tổ chức, cá nhân chăn nuôi heo, gà theo quy mô chăn nuôi nông hộ tại Việt Nam.
Tổ chức chứng nhận
1. Các tổ chức chứng nhận đáp ứng quy định tại Ðiều 5, 6 Chương II Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT (Thông tư 48) của Bộ NN&PTNT quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
2. Các tổ chức chứng nhận là đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, với điều kiện: Có chức năng, phạm vi hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận sản phẩm, hàng hóa; Có ít nhất hai chuyên gia đánh giá thuộc biên chế hoặc lao động ký hợp đồng dài hạn đáp ứng các quy định tại điểm a, b khoản 1 Ðiều 6 của Thông tư 48; Chuyên gia đánh giá có chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ đánh giá VietGAHP do Cục Chăn nuôi cấp.
Chăn nuôi VietGAHP giúp nâng cao chất lượng sản phẩm Ảnh: ST
Cơ quan chỉ định và trình tự thủ tục chỉ định
1. Cơ quan chỉ định:
- Cục Chăn nuôi chỉ định Tổ chức chứng nhận theo khoản 1 Ðiều 3 của Quy chế này.
- Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định các Tổ chức chứng nhận, trong phạm vi quản lý của mình, theo khoản 2 Ðiều 3 của Quy chế này.
2. Trình tự, thủ tục chỉ định và quản lý hoạt động Tổ chức chứng nhận được thực hiện theo quy định tại Ðiều 3 của Quy chế này và Ðiều 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 Chương II Thông tư 48.
3. Mã số Tổ chức chứng nhận
- Tổ chức chứng nhận VietGAHP nông hộ được chỉ định có một mã hiệu riêng để quản lý. Mã hiệu được ghi trong quyết định chỉ định.
- Cách đặt mã hiệu tổ chức chứng nhận VietGAHP theo hướng dẫn tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Quy chế này.
Ðánh giá, chứng nhận
1. Việc đánh giá, chứng nhận VietGAHP nông hộ đối với tổ chức và cá nhân chăn nuôi heo, gà áp dụng VietGAHP nông hộ được thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư 48.
2. Tiêu chí và phương pháp đánh giá VietGAHP nông hộ được hướng dẫn tại Phụ lục I của Quy chế này.
Giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ
1. Giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ có hiệu lực tối đa 2 năm kể từ ngày cấp. Ðối với các giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ được cấp trước thời điểm Quy chế này ban hành thì sẽ tiếp tục có hiệu lực trong 2 năm kể từ ngày cấp.
2. Giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ theo quy định tại Phụ lục 2 của Quy chế này.
3. Mã số chứng nhận VietGAHP nông hộ theo quy định tại Phụ lục 3 của Quy chế này.
Chi phí hoạt động chứng nhận
1. Mọi chi phí đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ do chủ hộ hoặc nhóm cơ sở chăn nuôi VietGAHP nông hộ chi trả.
2. Hoạt động liên quan đến chứng nhận VietGAHP nông hộ bao gồm:
a. Ðào tạo, tập huấn cấp chứng chỉ đánh giá VietGAHP nông hộ;
b. Hoạt động kiểm tra, đánh giá, giám sát của tổ chức chứng nhận;
c. Hoạt động của cơ quan chỉ định trong việc kiểm tra, giám sát đối với tổ chức chứng nhận, cơ sở sản xuất.
Cơ quan giám sát hoạt động chứng nhận
1. Cục Chăn nuôi là cơ quan giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAHP nông hộ trên toàn quốc.
2. Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAHP nông hộ đã chỉ định.
Trách nhiệm và quyền hạn của cơ sở sản xuất
Trách nhiệm
- Thực hiện VietGAHP nông hộ theo đúng phạm vi được chứng nhận.
- Có hành động khắc phục sai phạm đúng thời hạn khi bị nhắc nhở hoặc đình chỉ chứng nhận VietGAHP nông hộ.
- Chịu trách nhiệm về sự phù hợp của các sản phẩm được công bố sản xuất theo VietGAHP nông hộ. Khi phát hiện lô sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất phải tạm dừng phân phối sản phẩm để điều tra xác định nguyên nhân và tiến hành biện pháp khắc phục. Trường hợp không tự khắc phục được, phải báo cáo với Tổ chức chứng nhận để có biện pháp xử lý phù hợp.
Quyền hạn
- Ðược bảo lưu ý kiến nếu không đồng ý với kết luận của đoàn kiểm tra.
- Khiếu nại về kết quả kiểm tra, chứng nhận VietGAHP nông hộ theo quy định của pháp luật.
- Ðược sử dụng logo, mã số chứng nhận VietGAHP nông hộ để quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức chứng nhận
Trách nhiệm
- Thực hiện hoạt động chứng nhận VietGAHP nông hộ theo đúng quy định;
- Xây dựng chi tiết và lưu dưới dạng văn bản các trình tự, thủ tục kiểm tra, đánh giá, chứng nhận VietGAHP nông hộ cho từng sản phẩm (heo, gà);
- Báo cáo hàng quý hoặc khi có yêu cầu việc chứng nhận VietGAHP nông hộ về Cục Chăn nuôi và Sở NN&PTNT;
- Thông báo cho Cơ quan chỉ định ngay khi có thay đổi ảnh hưởng tới năng lực hoạt động chứng nhận VietGAHP nông hộ.
Quyền hạn
- Chứng nhận VietGAHP nông hộ theo quy định;
- Giám sát việc thực hiện VietGAHP nông hộ của cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận.
Theo quy định tại Quy chế này: Quy trình thực hành chăn nuôi tốt trong nông hộ là những nguyên tắc, trình tự hướng dẫn nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm, sức khỏe người chăn nuôi và người tiêu dùng; Bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. |
Nguồn: nguoichannuoi.vn