Siêu dự án nông nghiệp - Kỳ 2: Trại bò công nghệ cao

Sau gần 6 tháng kể từ khi ra mắt liên minh hợp tác giữa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Vissan và Công ty NutiFood, tháng 2 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai và các đối tác đã giới thiệu sản phẩm thịt bò tơ Úc, từ nhà máy hiện đại với công nghệ ngang tầm thế giới.
Trang trại bò của HAGL đạt tiêu chuẩn của Úc - Ảnh: HAGL
Đến trang trại của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại Pleiku, 1 trong 5 trang trại của HAGL tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi tận mắt chứng kiến hơn 12.000 con bò đang được chăn nuôi trong một trang trại hiện đại với các quy trình đều tự động và khép kín.
 
Tiêu chuẩn Úc
 
Với hơn 700 ha, hầu hết diện tích của trang trại được dành trồng cỏ, bắp để làm thức ăn cho bò. Toàn bộ quy trình chăn nuôi bò đều được cơ giới hóa. Loại cỏ voi mà HAGL trồng là giống cỏ từ Thái Lan với năng suất cao cũng như hàm lượng protein hơn nhiều so với giống cỏ voi VA-06 đang trồng tại Việt Nam. Và ngay trong khâu trồng cỏ cũng được HAGL áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, giúp cỏ phát triển quanh năm, năng suất cao và giá thành giảm bởi cỏ có thể trồng một lần và thu hoạch trong 8 năm.
 
Cỏ sau khi thu hoạch bằng máy sẽ được cắt nhỏ và chuyển đến trạm trộn thức ăn. Tại đây cỏ được máy xúc lật đưa vào bồn trộn để trộn chung với các nguyên liệu khác. Khâu pha trộn thức ăn cũng được lập trình sẵn theo công thức và thời gian cho ăn theo quy định, dựa trên tiêu chí đảm bảo sự tăng trọng và giá thành hợp lý. Bằng quy trình cơ giới hóa, một nhân công điều khiển một chiếc xe trộn có thể chăm sóc cho 1.000 con bò trong một ngày với tất cả các công đoạn từ việc lái xe xúc lật để pha trộn thức ăn đến việc rải thức ăn cho các chuồng bò và dọn dẹp chuồng trại.
 
Với một hệ thống khép kín từ việc đầu tư vùng nguyên liệu đến chuồng trại, đàn bò của HAGL luôn đạt mục tiêu tăng trưởng 1,5 kg/ngày và sẽ được kiểm tra tăng trọng qua hệ thống cân thủy lực được điều khiển bởi các công nhân lành nghề. Hệ thống cân này còn có nhiệm vụ quét mã chip gắn trên tai trái của mỗi con bò để phục vụ cho việc báo cáo cho các nhà nhập khẩu và đối tác theo quy định, đảm bảo mỗi con bò khi được xuất ra đều đảm bảo cân nặng và chất lượng thịt đồng nhất.
 
Ông Peter Suton, chuyên gia chăn nuôi của Úc, nhận xét: “Trang trại mà HAGL đầu tư tại đây áp dụng theo đúng tiêu chuẩn của các trang trại tại Úc”. Những con bò sau khi đạt trọng lượng trung bình 500 kg sẽ được chuyển về trạm trung chuyển của HAGL ở Củ Chi để đưa về nhà máy giết mổ của Vissan và phân phối ra thị trường.
 
Bài toán lợi nhuận
 
Theo ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan, nhu cầu tiêu thụ cả nước bình quân 3.000 con bò/ngày, trong đó riêng tại TP.HCM là 600 con/ngày. Nhiều năm, nguồn thịt bò cả nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên 70 - 80% phải nhập khẩu từ Thái Lan, Lào, Campuchia và gần đây thay thế bằng nguồn cung cấp từ Úc. Việc đầu tư vào chăn nuôi của HAGL góp phần bình ổn thị trường thực phẩm từ bò, giảm đáng kể việc nhập bò ngoại...
 
“HAGL đã hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực nhưng chưa có ngành nghề nào có lợi nhuận cao bằng nuôi bò. Vì vậy, chúng tôi sẽ dồn lực để phát triển các dự án nuôi bò sữa lẫn bò thịt. Người dân trong nước sẽ sớm được thưởng thức thịt bò Úc nuôi ngay tại Việt Nam. Kế hoạch năm 2016, chúng tôi sẽ nhập con giống từ Úc về nuôi và cho sinh sản tại Việt Nam, đến 2017 sẽ có bò tơ Việt Nam giống Úc. Ngoài ra, sẽ có thêm bò nhập từ Mỹ”, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, chia sẻ. Theo ông Đức, lợi nhuận từ nuôi bò hơn hẳn các ngành còn lại như: thủy điện, mía đường, bắp, cao su, cọ dầu. Ngay cả dự án khu phức hợp cao cấp Hoàng Anh Myanmar sắp mang về cho tập đoàn khoản thu hàng nghìn tỉ đồng cũng được ông Đức cho là không sánh bằng lợi nhuận từ nuôi bò.
 
Quang Thuần/ Báo Thanh Niên